Tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, chính phủ nước này đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định cư trú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài khởi nghiệp tại Nhật Bản.
Động thái này đánh dấu nỗ lực mới nhất của Nhật Bản nhằm tiếp thêm năng lượng cho nền kinh tế bằng việc thu hút nhân tài quốc tế.
Dự kiến, quy định mới sẽ cho phép các doanh nhân nước ngoài lưu trú tại Nhật Bản trong 2 năm mà không yêu cầu phải có địa điểm kinh doanh hoặc số vốn đầu tư.
[Lựa chọn của lao động nước ngoài tại Nhật Bản: Đi hay ở]
Trong khi đó, các quy định hiện hành yêu cầu người nước ngoài phải đảm bảo có địa điểm kinh doanh và ít nhất 2 nhân viên toàn thời gian hoặc đầu tư 5.000.000 yen (khoảng 33.000 USD).
Những yêu cầu này hiện đang gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp non trẻ, vì có những công ty thậm chí không sinh lời trong những năm đầu.
Quy định mới với thời gian ân hạn cư trú 2 năm sẽ cho phép chủ doanh nghiệp người nước ngoài tập trung vào việc phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, việc loại bỏ yêu cầu về địa điểm/trụ sở công ty có thể cho phép sinh viên quốc tế bắt đầu kinh doanh khi còn học đại học.
Hiện một số nước châu Á có cách tiếp cận linh hoạt hơn Nhật Bản trong việc chào đón doanh nhân nước ngoài.
Ở Hàn Quốc, người xin cấp thị thực kinh doanh chỉ cần sở hữu bằng sáng chế và hoặc đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn.
Trong khi đó, Thái Lan cho phép những người có ít nhất 600.000 baht (16.600 USD) trong quỹ cá nhân ở lại tối đa 2 năm và có thể mang theo gia đình.
Theo thống kê của Cơ quan Dịch vụ Di trú của Nhật Bản, tính đến hết tháng 6/2023 có khoảng 35.000 công dân nước ngoài sống ở Nhật Bản theo tư cách cư trú quản lý kinh doanh, gấp đôi so với năm 2015.
Dù có sự tăng trưởng tích cực như vậy, chính phủ cho rằng vẫn còn quá nhiều rào cản đối với người nước ngoài khởi nghiệp kinh doanh tại Nhật Bản.
Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sửa đổi các quy định cư trú đối với chủ doanh nghiệp nước ngoài ngay từ tài khóa mới bắt đầu vào tháng 4/2024./.