Ngày 26/10, Chính quyền tỉnh Ehime, phía Tây Nhật Bản đã thông qua việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân số 3 tại nhà máy điện Ikata của công ty điện lực Shikoku thuộc tỉnh này.
Đây sẽ là lò phản ứng điện hạt nhân thứ 3 của Nhật Bản tái khởi động theo quy định mới về an toàn sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với công ty điện lực Shikoku, Tỉnh trưởng tỉnh Ehime, Tokihiro Nakamura cho rằng "phải chấp nhận năng lượng hạt nhân cho đến khi tìm được nguồn năng lượng thay thế và không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thực thi các biện pháp an toàn tiên tiến nhất."
Chính phủ Nhật Bản đã hoan nghênh quyết định của tỉnh Ehime, trong bối cảnh Tokyo dự kiến mục tiêu tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng lượng điện của Nhật Bản năm 2030 là 20%, so với mức gần 30% trước thảm họa Fukushima, trong nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính và giảm chi phí nhiên liệu.
Trong một buổi họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết không có thay đổi nào trong chính sách của chính phủ xúc tiến tái khởi động các lò phản ứng điện hạt nhân đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Cơ quan pháp quy hạt nhân (NRA) và được sự thông qua của địa phương.
Nhật Bản đã chấm dứt gần hai năm không có điện hạt nhân kể từ tháng Tám vừa qua, khi lò phản ứng số 1 của nhà máy điện Sendai thuộc công ty điện lực Kyushu bắt đầu được tái khởi động và hòa vào lưới điện quốc gia. Tiếp đó, lò phản ứng số 2 của nhà máy Sendai được tái khởi động ngày 15/10 vừa qua.
Việc tái khởi động lò phán ứng tại Ehime dự kiến vào tháng 1/2016 hoặc muộn hơn do cần các thủ tục cần thiết khác như phải được sự thông qua của cơ quan chức năng đối với các thiết kế chi tiết của thiết bị liên quan.
Cùng ngày 26/10, Chính phủ Nhật Bản công bố gần 40% binh sỹ lực lượng phòng vệ, nhân viên cảnh sát và cứu hỏa nước này tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân sơ tán ngay sau thảm họa hạt nhân Fukushima bị phơi nhiễm phóng xạ trên mức giới hạn 1 millisievert (đơn vị đo lượng hấp thụ phóng xạ).
Tỷ lệ trên được đưa ra sau khi Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành khảo sát lần đầu tiên đối với 2.967 người tham gia cứu hộ trong phạm vi bán kính 20km xung quanh tổ hợp nhà máy hạt nhân Fukushima số 1, cũng như tiến hành các hoạt động loại bỏ phóng xạ và các hoạt động khác từ ngày 12/3 đến 31/3/2011 sau thảm họa.
Theo kết quả, khoảng 62% số người được khảo sát phơi nhiễm phóng xạ dưới 1 millisievert, song có tới 38% phơi nhiễm từ 1 millisievert hoặc nhiều hơn. Đặc biệt trong số đó có 5% phơi nhiễm từ 5 đến 10 millisievert.
Giới hạn cho phép phơi nhiễm phóng xạ tối đa đối với một người bình thường là 1 millisievert/năm. Giới hạn đối với công nhân làm ở các cơ sở hạt nhân là 100 millisievert trong 5 năm và 50 millisievert/năm trong điều kiện bình thường./.