Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí gia tăng sức ép với Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và người đồng cấp Ấn Độ Arun Jaitley cùng khẳng định sự cần thiết phải phối hợp với cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường sức ép đối với Triều Tiên.
Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí gia tăng sức ép với Triều Tiên ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (thứ 3 phải) và người đồng cấp Ấn Độ Arun Jaitley (thứ 3 trái) tại cuộc gặp ở Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Arun Jaitley đang ở thăm Tokyo, trong đó, hai bên khẳng định sự cần thiết phải phối hợp với cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường sức ép đối với Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đạt được bước tiến về phát triển hạt nhân và tên lửa.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Onodera đã hoan nghênh quyết định của Ấn Độ khi ngừng giao thương với Triều Tiên, cho rằng lập trường này sẽ góp phần kiềm chế các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bình Nhưỡng.

Trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng đa phương với Mỹ, hai bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Ấn Độ cũng nhất trí mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự, theo đó không chỉ bao gồm lực lượng hải quân mà còn cả lực lượng không quân và bộ binh.

[Triều Tiên đang di chuyển tên lửa ICBM về phía bờ biển phía Tây]

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Jaitley đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn "thay đổi các chính sách của Triều Tiên bằng cách hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ". Trong khi đó, Bộ trưởng Jaitley nhấn mạnh Ấn Độ có lập trường kiên định về các vụ thử gần đây.

Ông Jaitley đánh giá chủ nghĩa khủng bố cũng như sự phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa tại khu vực châu Á là "mối lo ngại cốt yếu cho cả Nhật Bản và Ấn Độ."

Chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ diễn ra sau khi Triều Tiên hôm 3/9 đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mà Bình Nhưỡng tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H).

Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu Đại học Khoa học-Kỹ thuật Trung Quốc, vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên có sức công phá tương đương 108,3 kiloton, mạnh hơn gần 8 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học tại Na Uy ước tính năng lượng phát ra từ vụ thử hạt nhân hôm 3/9 mạnh gấp 10 lần so với sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu trên đài phát thanh Nova 96.9 ngày 5/9, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (Man-côm Tơn-bun) tuyên bố Australia sẽ ngay lập tức tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào do Mỹ dẫn đầu chống lại Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ông Turnbull cảnh báo một cuộc chiến tranh với Triều Tiên sẽ là thảm họa cho khu vực, thế giới và nền kinh tế toàn cầu, đồng thời hối thúc Trung Quốc ngăn chặn điều này trước khi quá muộn.

Theo truyền thông Australian, dự kiến trong ngày 6/9, Thủ tướng Turnbull sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thảo luận về tình hình căng thẳng liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản mua sắm thêm các trang thiết bị quân sự của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục