Nhật Bản viện trợ 3.200 tỷ yen cho khu vực châu Phi

Nhật Bản công bố gói viện trợ mới trị giá 3.200 tỷ yen cho châu Phi để biến lục địa đen thành vùng đất của tăng trưởng và cơ hội.
Tại Hội nghị phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 5 kéo dài 3 ngày (1-3/6) ở Yokohama, Nhật Bản chính thức công bố gói viện trợ mới trị giá khoảng 3.200 tỷ yen dành cho châu Phi, trong đó bao gồm 1.400 tỷ yen tiền viện trợ phát triển chính thức (ODA) để biến lục địa đen thành vùng đất của tăng trưởng và cơ hội.

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định phát triển nhân lực, thúc đẩy mở rộng y tế toàn dân và khuyến khích phát triển nông nghiệp, những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh, sẽ là phương tiện hiệu quả giúp thúc đẩy tăng trưởng ở châu Phi.

Ông Abe cho rằng “những gì châu Phi cần là đầu tư trong lĩnh vực tư nhân và hình thức hợp tác công tư để xúc tiến lĩnh vực này”.

Gói viện trợ trên còn bao gồm việc tăng khoảng 650 tỷ yen tiền nợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản và thiết lập một chương trình đào tạo mới cho thanh niên châu Phi giúp họ trở thành cầu nối giữa các nước châu Phi với Nhật Bản trong tương lai.

Chương trình này có tên gọi là Sáng kiến giáo dục kinh doanh châu Phi cho thanh niên, hay còn gọi là sáng kiến ABE, giúp khoảng 1.000 sinh viên châu Phi có cơ hội nghiên cứu tại các trường đại học Nhật Bản và làm thực tập sinh tại các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhật Bản đang chuyển từ việc coi châu Phi như là một đối tượng nhận viện trợ thành một đối tác kinh tế và đầu tư trong bối cảnh lục địa này được cho là sẽ đạt triển vọng tăng trưởng nhanh chóng và liên tục trong thời gian tới.

[Trung Quốc đang "xâm chiếm" Lục địa Đen bằng tiền?]

Gói viện trợ này cũng phản ánh quyết tâm của Tokyo bắt kịp với Trung Quốc, một cường quốc châu Á đang dẫn trước Nhật Bản về luồng vốn viện trợ và đầu tư cho lục địa giàu tài nguyên này.

Tại TICAD, các nhà lãnh đạo và đại biểu từ hơn 50 quốc gia châu Phi sẽ thảo luận với Nhật Bản về việc đảm bảo chất lượng tăng trưởng ở lục địa này, đồng thời đưa ra tuyen bố và kế hoạch hành động trong ngày bế mạc hội nghị 3/6.

TICAD diễn ra 5 năm một lần ở Nhật Bản kể từ hội nghị đầu tiên năm 1993 với sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Phi. Hàng loạt các phiên họp sẽ diễn ra ở Yokohama nhằm thảo luận về thương mại và đầu tư, bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ và tạo dựng hoà bình./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục