Nhật Bản: Xây dựng thương hiệu quan trọng hơn giảm giá thành

Các công ty sản xuất Nhật Bản coi trọng xây dựng thương hiệu hơn giảm giá thành sản phẩm vì giảm giá chỉ là vũ khí của những công ty không có khả năng cạnh tranh.
Nhật Bản: Xây dựng thương hiệu quan trọng hơn giảm giá thành ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tokyo ngày 13/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đồng yen thấp trong một khoảng thời gian đủ dài để các nhà sản xuất Nhật Bản đưa ra chiến lược sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là chính sách giá cả thích ứng, mang tính cạnh tranh hơn.

Trước đó, đồng yen thấp được kỳ vọng là "bệ đỡ" để lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản chuyển mình nhờ yếu tố giá thành hạ và sản phẩm của đảo quốc này mang tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế.

So với thời điểm đồng yen cao giá, ở mức 1 USD đổi được 75 yen, thì rõ ràng là ở thời điểm hiện tại, khi 1 USD đổi được 119 yen, xuất khẩu của Nhật Bản được cải thiện nhờ tính cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, cho dù xuất khẩu có tăng, song hiệu quả của đồng yen thấp đối với xuất khẩu của Nhật Bản chưa được như kỳ vọng.

Đồng yen thấp cũng tạo ra cơ hội để các nhà sản xuất hạ giá thành, song cho đến nay, làn sóng giảm giá thành, sử dụng giá rẻ như vũ khí để mở rộng thị phần của các doanh nghiệp Nhật Bản chưa diễn ra.

Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản về chỉ số giá xuất khẩu, vào tháng 11/2014 chỉ số này là 97,2, chỉ giảm 1,9 điểm so với cùng kỳ năm 2013.

Đây là mức giảm rất thấp so với mức giảm lên tới 7,5 điểm hay 6,4 điểm ở hai giai đoạn đồng yen thấp tương ứng vào năm 1996 và 2001.

Đồng yen thấp đang tạo ra áp lực giảm giá hàng hóa Nhật Bản tại thị trường quốc tế. Cuối năm 2014, quan chức kinh tế Đài Loan đã họp với các doanh nghiệp Nhật Bản và yêu cầu giảm giá thành.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết không thể giảm giá với lý do đồng yen thấp khi mà sản phẩm của họ hầu hết được sản xuất bên ngoài Nhật Bản.

Đối với những sản phẩm sản xuất trong nước, doanh nghiệp Nhật Bản đang theo hướng duy trì và nâng cao chất lượng thay vì giảm giá thành.

Trong cuộc "so găng" giữa các thương hiệu đồng hồ tại cuộc thi đồng hồ nổi tiếng thế giới tại Geneve tháng 10/2014, dòng đồng hồ Grand cao cấp nhất của Seiko lần đầu tiên giành được một giải thưởng.

Tự tin với thắng lợi, ban lãnh đạo Seiko khẳng định họ đã có được thương hiệu cho phép công ty này kinh doanh tốt ngay cả khi không giảm giá.

Đây cũng là tính toán của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Thay vì lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt bằng giá thành với các doanh nghiệp ở những nước có chi phí lao động thấp, doanh nghiệp Nhật Bản coi trọng hơn tới xây dựng thương hiệu và chất lượng.

Bất chấp đồng yen thấp, các hãng chế tạo ôtô Nhật Bản trên thực tế đang tăng giá thành bán ra. Giá bán của Nissan và Fujitsu tại thị trường Bắc Mỹ đã tăng nhẹ.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Matsuda cho biết sẽ không có chuyện giảm giá vì lo ngại nếu giảm giá để tăng thị phần sẽ ảnh hưởng tới xấu tới thương hiệu.

Theo chuyên gia kinh tế Watanabe của Công ty chứng khoán SMBC, các doanh nghiệp Nhật Bản, với năng lực cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu, thậm chí có thể sẽ tăng giá bất chấp thực tế đồng yen rẻ.

Ngày 6/1 vừa qua, ba tổ chức kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất của Nhật Bản, bao gồm Liên đoàn kinh tế Nhật Bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp và Doyukai, đã nhóm họp.

Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản không thể giảm giá thành vì sẽ rất khó tăng giá ngay cả khi đồng yen tăng giá trở lại.

Các chủ doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng giảm giá là vũ khí của những công ty không có khả năng cạnh tranh../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục