Ngày 12/10, Chính phủ Nhật Bản công bố chương trình nới lỏng quy định tuyển dụng lao động nhập cư và cho phép người lao động nước ngoài có kỹ năng lưu trú lâu dài tại nước này.
Dự kiến, quy định mới này có hiệu lực từ ngày 1/4/2019, song chính phủ cần hoàn thiện và trình quốc hội phê duyệt các sửa đổi liên quan đến luật lao động.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, đang ngày càng trầm trọng. Bởi vậy, chính phủ buộc phải nới lỏng quy định tiếp nhận lao động nước ngoài.
Cho tới nay, Nhật Bản vẫn hạn chế tiếp nhận người lao động nước ngoài, chỉ cho phép tuyển dụng các chuyên gia trong một số lĩnh vực, như các nhà khoa học và giảng viên, nhạc sỹ, huấn luyện viên thể thao.
Chính phủ Nhật Bản dự định ban hành một hệ thống tuyển dụng lao động nhập cư mới làm việc trong hơn 10 ngành nghề đang ngày càng thiếu nhân lực ở nước này, như xây dựng, nông nghiệp, chăm sóc bệnh nhân và người già.
[Lao động Việt Nam là cộng đồng nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản]
Theo hệ thống này, lao động nước ngoài biết tiếng Nhật sẽ được cấp thị thực thời hạn 5 năm và không được mang theo gia đình tới Nhật Bản.
Người lao động có kỹ năng hơn và chuyên môn cao có thể được phép gia hạn thị thực, thậm chí có thể cư trú dài hạn. Người lao động thuộc diện này được quyền mang theo người thân tới Nhật Bản.
Các điều sửa đổi luật sẽ buộc doanh nghiệp thuê lao động nước ngoài với các điều kiện tương tự như công dân Nhật.
Chính phủ cũng dự định áp dụng các biện pháp giúp người nhập cư tích cực hòa nhập vào xã hội Nhật Bản.
Theo thống kê, hiện có 1,28 triệu lao động nước ngoài làm việc cho 126 triệu doanh nghiệp Nhật Bản. Phần lớn là người lao động người Trung Quốc, Việt Nam và Philippines./.