Sáng nay, ngày 11/3, Nhật Bản đã kỷ niệm tròn hai năm ngày diễn ra trận động đất và sóng thần kinh hoàng khiến gần 19.000 người thiệt mạng và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong một thế hệ. Chính quyền tổ chức buổi lễ ở Tokyo, có sự tham dự của Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko, để khóc thương 15.881 người đã thiệt mạng và 2.668 người khác mất tích. Cả nước Nhật sẽ có khoảnh khắc mặc niệm im lặng vào lúc 2g46 chiều (4 giờ 46 giờ Hà Nội), khoảnh khắc mà trận động đất 9,0 độ xảy ra ngày 11/3/2011 ở vùng biển ngoài khơi đông bắc Thái Bình Dương. Trận động đất tạo ra sóng thần nhấn chìm các cộng đồng ở bờ biển và làm rung chuyển nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra tình trạng tan chảy các thanh hạt nhân và những vụ nổ trở thành tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất kể từ Chernobyl 1986. Những nỗ lực tái thiết vùng bị thiên tai này cho tới giờ là chậm chạp. Các số liệu cho thấy 315.196 người vẫn chưa có nhà ở ổn định, rất nhiều người chen chúc trong các căn nhà tạm. Các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sóng thần cũng bị chia rẽ giữa những người muốn tái thiết trên vùng đất mà gia đình họ đã sống nhiều thế hệ và những người muốn chuyển lên những khu đất cao hơn, an toàn hơn. Sau trận sóng thần, đời sống khó khăn và nhiều sức ép đã khiến thêm 2.303 người thiệt mạng, theo số liệu của chính quyền, tình trạng bạo lực gia đình và hoảng loạn tâm lý cũng gia tăng ở một số cộng đồng. Gần 10.000 dư chấn đã được ghi nhận từ sau trận động đất, bao gồm 736 chấn động lớn hơn 5,0 độ, làm rung chuyển mặt đất ở nhà máy Fukushima, nơi vấn đề hạt nhân vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Nhiều người trẻ đang rời vùng này, đặc biệt là khu vực bị nhiễm phóng xạ Fukushima, nơi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Chính quyền nói nhà máy Fukushima đã ổn định và không còn rò rỉ chất phóng xạ và thực phẩm trong vùng đã được kiểm tra độ nhiễm xạ trước khi chuyển ra thị trường. Nhưng bất chấp các đảm bảo, nhiều người tiêu dùng vẫn tránh các sản phẩm từ Fukushima, khiến ngành nông nghiệp vốn đã khó khăn ở vùng này càng thêm chật vật. “Chúng tôi sẽ làm những gì có thể ở Fukushima. Nhưng tôi mong phần còn lại của đất nước, người dân Nhật Bản, được thông báo nhiều hơn về phóng xạ,” tỉnh trưởng Fukushima Yuhei Sato nói trong một chương trình đặc biệt trên đài truyền hình quốc gia NHK. “Điều đó có thể giúp hiểu biết về Fukushima tốt hơn và loại bỏ những lập luận vô căn cứ” rằng tất cả các sản phẩm từ Fukushima bị nhiễm xạ, ông nói.
Từ trái qua: Khu vực Natori ngày 14/3/2011, ngày 12/1/2012 và 21/2/2013 (Nguồn: AFP)
Chính quyền sẽ cần tới bốn thập kỷ để dỡ bỏ những lò phản ứng đã hư hại, trong khi nước Nhật vẫn chưa quyết định có tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân hay không. Chỉ hai trong số 50 lò phản ứng hạt nhân thương mại đã được khởi động lại, với các quy chuẩn an toàn nghiêm ngặt và sự lo lắng về mặt chính trị không muốn đề cập đến vấn đề này.
Nhưng do không có khả năng thay thế nào khả dĩ và Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe là người ủng hộ năng lượng hạt nhân, các nhà phân tích cho rằng việc các lò phản ứng khởi động trở lại ở Nhật chỉ là vấn đề thời gian./.
Trần Trọng (Vietnam+)