Báo cáo sơ bộ của Bộ tài chính Nhật Bản vừa công bố ngày 10/2 cho hay thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong năm 2013 giảm gần 1/3 xuống mức thấp nhất kể từ khi số liệu này được tổng hợp vào năm 1985.
Thâm hụt thương mại của "đất nước hoa anh đào" cũng phình to trong bối cảnh nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh và đồng yen giảm giá đáng kể.
Theo báo cáo của Bộ tài chính Nhật Bản, trong năm 2013, việc thâm hụt thương mại ở mức cao kỷ lục 10.640 tỷ yen (102,86 tỷ USD) - tăng gấp hơn hai lần so với năm 2012 - đã đẩy thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản xuống 3.310 tỷ yen (32 tỷ USD).
Năm 2013 là năm thứ ba liên tiếp thặng dư tài khoản vãng lai của nước này giảm, cụ thể giảm 31,5% so với năm 2012 - thời điểm thặng dư tài khoản vãng lai chạm mức cao kỷ lục 4.820 tỷ yen sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima bắt nguồn từ trận động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011.
Năm 2013, xuất khẩu của Nhật Bản tăng 9%, trong khi nhập khẩu tăng tới 15,4%. Riêng trong tháng 12/2013, thâm hụt tài khoản vãng lai của Nhật Bản chạm mức cao kỷ lục 638,6 tỷ yen.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tài khoản vãng lai của Nhật Bản có thể sớm cải thiện, do nhu cầu dầu và khí đốt trong sản xuất điện năng tăng mạnh.
Sự xuống giá của đồng yen - trước tác động của việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ - có thể cản trở cán cân thương mại trở lại ngưỡng dương trong thời gian này.
Đồng yen giảm sút tuy làm lợi cho xuất khẩu hàng hóa cũng như làm tăng giá trị doanh thu bằng đồng yen kiếm được ở nước ngoài, song lại làm tăng mạnh chi phí nhập khẩu hàng hóa.
Nhật Bản hiện phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, trong đó năng lượng nhập khẩu chiếm tới 90% nhu cầu năng lượng của nước này.
Trong năm 2013, đồng yen trung bình giảm 22,5% so với đồng USD và 26,5% so với đồng euro.