Nhật-Trung cùng chống cướp biển ở Somalia

Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản và Hải quân Trung Quốc sẽ phối hợp hoạt động trong quá trình thực thi sứ mệnh chống hải tặc ở vùng biển ngoài khơi Somalia.

Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản và Hải quân Trung Quốc sẽ phối hợp hoạt động trong quá trình thực thi sứ mệnh chống hải tặc ở vùng biển ngoài khơi Somalia.

Thỏa thuận về sự phối hợp này dự kiến sẽ đạt được trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 21/3 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt.

Theo dự kiến, hai nước sẽ phối hợp ở cấp tác chiến và chủ yếu tập trung vào việc trao đổi thông tin về cướp biển. Chỉ huy các đơn vị tác chiến của hai nước đang hoạt động ở ngoài khơi Somalia có thể sẽ trao đổi các chuyến thăm bằng máy bay trực thăng.

Theo báo chí Nhật Bản, nếu kế hoạch phối hợp này được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên lực lượng quân sự hai nước phối hợp ở cấp tác chiến. Sự phối hợp này cũng một phần nhằm tăng cường lòng tin trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành hiện đại hóa quân sự một cách nhanh chóng và Tokyo kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong chi tiêu quân sự của nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang soạn thảo một dự luật cho phép MSDF bảo vệ các tàu nước ngoài khỏi nạn hải tặc khi thực hiện sứ mệnh chống cướp biển ở nước ngoài.

Nội các Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua dự luật này vào ngày 13/3, một ngày trước khi hai tàu khu trục của MSDF lên đường tới vịnh Aden để thực thi nhiệm vụ chống cướp biển. Nếu dự luật được Quốc hội thông qua, các tàu khu trục của Nhật Bản sẽ có thể hộ tống các tàu liên quan tới Trung Quốc và ngược lại.

Ngoài việc hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản có kế hoạch đề nghị lực lượng lính thủy đánh bộ hỗn hợp (do Mỹ dẫn đầu) và các lực lượng hải quân thuộc Liên minh châu Âu (EU) cung cấp thông tin về các hoạt động chống cướp biển.

Kể từ khi được triển khai tới vịnh Aden tháng 12/2008, hai tàu khu trục và một tàu cung cấp của Trung Quốc đã bảo vệ không chỉ các tàu Trung Quốc mà còn các tàu của Đài Loan cùng các tàu do Chương trình Lương thực Liên hợp quốc thuê.

Ngoài 2 tàu khu trục của Trung Quốc, hiện có gần 20 tàu chiến khác của các lực lượng hải quân Nga, Ấn Độ, Mỹ và các nước thuộc EU tham gia vào sứ mệnh chống cướp biển ở vịnh Aden trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục