Nhiên liệu hóa thạch không phù hợp với mục tiêu phi carbon hóa

Theo IEA, ngành năng lượng đang thay đổi nhanh hơn tưởng tượng và các công nghệ năng lượng sạch đang đảm nhận 1/3 trọng trách giảm khí thải cần được thực hiện đến năm 2030.
Nhiên liệu hóa thạch không phù hợp với mục tiêu phi carbon hóa ảnh 1IEA kêu gọi các nước giàu cũng như các nước đang phát triển đều phải cải thiện rõ rệt các mục tiêu trung hòa khí thải (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/9, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) kêu gọi các nước giàu cũng như các nước đang phát triển đều phải cải thiện rõ rệt các mục tiêu trung hòa khí thải, đồng thời nêu rõ yếu tố chính giúp các mục tiêu khí hậu vẫn có thể đạt được là tăng sử dụng năng lượng sạch.

Đây là nội dung báo cáo được IEA đưa trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), trong đó chỉ ra thực trạng tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch không phù hợp với mục tiêu phi carbon hóa toàn cầu vào giữa thế kỷ này và mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C. 

Báo cáo mới chỉ ra tiến bộ đạt được thể hiện qua công suất điện Mặt Trời và doanh số bán xe điện tăng lên mức cao kỷ lục. Điều này phù hợp với lộ trình mà IEA vạch ra để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon cũng như các kế hoạch của ngành công nghiệp triển khai phương thức sản xuất mới phù hợp.

Theo IEA, ngành năng lượng đang thay đổi nhanh hơn tưởng tượng, các công nghệ năng lượng sạch đang đảm nhận 1/3 trọng trách giảm khí thải cần được thực hiện đến năm 2030.

Theo Giám đốc IEA Fatih Birol, con đường tiến đến mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C đã thu hẹp dần trong 2 năm qua nhưng các công nghệ năng lượng sạch đang góp phần giúp đảo ngược xu hướng này.

Trong tháng này, IEA cũng công bố dự báo nhu cầu dầu mỏ, khí đốt và than đá sẽ đạt đỉnh trong thập niên này trước khi bước sang giai đoạn thoái trào nhờ các công nghệ năng lượng sạch và ôtô điện tăng trưởng đáng chú ý.

Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo tác động tiêu cực của tình trạng mở rộng đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch trong khi phát thải vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi hậu COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng. Ông Birol cho rằng các quốc gia cần phối hợp để đẩy nhanh đáng kể hành động khí hậu. Chỉ một sự trì hoãn nhỏ trong các nỗ lực nhằm thúc đẩy cắt giảm khí thải cao hơn các mức cam kết hiện nay cũng sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vượt mức 1,5 độ C.

IEA cho rằng thế giới đã trì hoãn hành động khí hậu quá lâu nên giờ chỉ còn lại những lựa chọn khó khăn. Các nước giàu có phải đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu hiện nay.

[Hậu quả thảm khốc nếu thế giới tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch]

Theo IEA, đi đúng hướng đồng nghĩa rằng hầu hết các quốc gia đều phải đẩy sớm hơn thời hạn đạt mục tiêu trung hòa khí thải, tăng mạnh công suất năng lượng sạch với chính sách cụ thể, giảm 25% nhu cầu nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.

Thế giới cần đầu tư 4.500 tỷ USD/ năm cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch từ đầu thập niên tới, tăng từ mức 1.800 tỷ USD dự kiến cần có trong năm 2023.

Đến năm 2030, thế giới cần tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo, gấp đôi cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, tăng doanh số bán các thiết bị bơm nhiệt và doanh số xe điện.

Thế giới cũng cần cắt giảm 75% khí thải methane trong lĩnh vực năng lượng, với mức chi phí chỉ khoảng 75 tỷ USD (chỉ bằng 2% thu nhập ròng của ngành dầu mỏ và khí đốt năm 2022).

Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và nhiệt độ năm 2023 cũng đã có lúc lên những mức cao kỷ lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục