Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt ba Chương trình mục tiêu Quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ ra có những địa phương chưa nhận thức được rằng lo cho người dân vùng nông thôn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng.
Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt ba Chương trình mục tiêu Quốc gia ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Ngày 20/7, tại điểm cầu Bình Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu Quốc gia (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng tình, đánh giá cao và ghi nhận ý kiến đóng góp tích cực của các bộ, ngành về những vướng mắc khi triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia thời gian qua.

Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, so với kết quả thực hiện năm 2022 thì các địa phương đã có nhiều bước tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, có địa phương làm tốt, địa phương làm chưa tốt, thậm chí lơ là, chưa thật sự quan tâm đến các Chương trình này; chưa nhận thức được rằng lo cho người dân vùng nông thôn, lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn rất lớn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý các địa phương phải hướng đến kết nối với nhau tốt hơn, học tập, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả...; đồng thời cho biết Trung ương sẽ tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các quy định và sớm có hướng dẫn về một số mảng, lĩnh vực mà các địa phương đang vướng mắc. Trung ương và địa phương cần phải chủ động, quyết liệt hơn, phải "chạy nước rút" vì thời gian không còn nhiều, nhất là khi Quốc hội sẽ tiến hành giám sát trong thời gian tới...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39.000 tỷ đồng cho các địa phương thuộc Vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, chiếm hơn 39% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 Chương trình trên các địa phương trong cả nước.

Các địa phương trong Vùng đã quyết liệt triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn.

Kết quả, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung giảm từ hơn 12% xuống còn hơn 10%; Vùng Tây Nguyên giảm từ hơn 17,5% xuống còn hơn 15,3%; toàn Vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có 1.922/2.751 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng hơn 11,8% so với đầu giai đoạn.

[Giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại 3 Vùng]

Một số địa phương trong Vùng đã có cách làm hay, sáng tạo. Điển hình như: Mô hình trang trại trồng nho gắn với phát triển du lịch nông thôn, quảng bá sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận; Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chủ động khâu kết nối với doanh nghiệp tín chấp giúp hội viên được vay hơn 17.600 tấn phân bón, 215 tấn thức ăn chăn nuôi và 82.000 con giống gia cầm với tổng trị giá đạt trên 185 tỷ đồng.

Doanh nghiệp càphê Nguyên Huy Hùng (Kon Tum) đã tổ chức liên kết "4 nhà," hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, phát triển thương hiệu cà phê Dakmark được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt ba Chương trình mục tiêu Quốc gia ảnh 2Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý các địa phương phải hướng đến kết nối với nhau tốt hơn, học tập, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Tỉnh Quảng Nam đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách đứng điểm ở địa phương (huyện, xã) và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia nên kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của địa phương...

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể như việc bố trí đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định là rất khó đảm bảo. Việc huy động đóng góp về tiền, hiện vật và ngày công lao động của nhân dân để thực hiện chương trình trên địa bàn các huyện, xã còn khó khăn.

Việc bố trí cán bộ phụ trách thực hiện các chương trình ở cơ sở còn bất cập và chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc, do vậy chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo chưa cao. Một số nội dung hỗ trợ còn thấp, khó áp dụng trong điều kiện địa bàn vùng dân tộc miền núi. Một số địa phương được giao mục tiêu, nhiệm vụ chưa phù hợp với tình hình, khả năng triển khai thực tế. Số hộ nghèo phân bổ không đồng đều, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã kiến nghị Chính phủ cần giao các bộ, ngành tích cực rà soát, chủ động trao đổi với cơ quan liên quan để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đã ban hành còn quy định chưa thống nhất nhằm tạo sự đồng bộ, thông suốt giữa các quy định do Trung ương ban hành.

Cùng với đó là rà soát danh mục dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt khó khăn thực tế tại địa phương, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước được giao.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục