Nhiều nạn nhân vụ động đất ở Indonesia không nằm viện vì sợ COVID-19

Theo thống kê của Cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia, đến ngày 18/1, trận động đất có độ lớn 6,2 đã cướp đi sinh mạng của 81 người, làm hơn 820 người bị thương, trong đó hơn 250 người bị thương.
Nhiều nạn nhân vụ động đất ở Indonesia không nằm viện vì sợ COVID-19 ảnh 1Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát của tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Mamuju, Tây Sulawesi, Indonesia ngày 16/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các y bác sỹ Indonesia đang cố gắng vượt qua sự mệt mỏi và nguy cơ mắc COVID-19 để cứu chữa cho những người bị thương trong vụ động đất kinh hoàng xảy ra ngày 15/1 tại thành phố ven biển Mamuju, trên đảo Sulawesi của nước này.

Theo thống kê mới nhất của Cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia, đến ngày 18/1, trận động đất có độ lớn 6,2 đã cướp đi sinh mạng của 81 người, làm hơn 820 người bị thương, trong đó hơn 250 người bị thương nặng.

Khoảng 28.000 người phải đi lánh nạn tại 25 trung tâm tạm trú ở thành phố Mamuju và huyện Majene.

Trận động đất đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và bệnh viện, gây trở ngại cho nỗ lực điều trị của các y bác sỹ.

Nạn nhân bị thương trong vụ động đất liên tục được đưa đến bệnh viện đa khoa West Sulawesi trong khi nguồn lực tại đây còn hạn chế.

[Indonesia: Hàng nghìn người chịu cảnh 'màn trời chiếu đất' do động đất]

Bệnh viện đa khoa West Sulawesi là cơ sở y tế duy nhất tại Mamuju không bị phá hủy trong thảm họa này. Bên ngoài bệnh viện, một trung tâm điều trị tạm thời đã được dựng lên.

Một quan chức của bệnh viện cho hay bệnh viện có kế hoạch mở thêm phòng phẫu thuật và dựng thêm các lều trại bên ngoài để nỗ lực điều trị.

Tuy nhiên, quan chức này cho biết nhiều bệnh nhân không muốn nằm điều trị trong bệnh viện do quan ngại nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và ngay cả nhân viên y tế cũng lo ngại điều này.

Bên cạnh đó, cũng có mối quan ngại về khả năng xảy ra trận động đất khác, làm tình hình thêm khó khăn.

Cho tới nay, vẫn chưa rõ còn bao nhiêu người đã thiệt mạng hay vẫn sống sót và đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong khi lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để tìm kiếm.

Theo thống kê chính thức, ít nhất 18 người đã được cứu sống. Trước làn sóng người lánh nạn ồ ạt, các nhà chức trách địa phương đã thực hiện hàng loạt biện pháp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19, trong đó có việc tiến hành xét nghiệm nhanh cũng như phân chia hai nhóm đối tượng nguy cơ cao và nguy cơ thấp.

Trận động đất xảy ra ngày 15/1 vừa qua kéo theo 28 dư chấn, phá hủy hàng trăm nhà dân cùng nhiều cao ốc văn phòng, khách sạn, bệnh viện và trung tâm mua sắm... tại thành phố Mamuju và khu vực huyện Majene.

Thành phố Mamuju, với gần 300.000 người dân, đã ngập trong đống đổ nát do các tòa nhà bị sập. Trận động đất cũng đã san phẳng hầu như toàn bộ trụ sở văn phòng thống đốc tỉnh và làm hư hại 2 bệnh viện.

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi thường xảy ra động đất. Tháng 12/2004, một trận động đất có độ lớn 9,1 đã làm rung chuyển bờ biển Sumatra của Indonesia, gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương và làm 220.000 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 170.000 người ở Indonesia. Đây được xem là một trong số thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục