Nhiều người nhập viện trong tình trạng hôn mê vì dị dạng mạch máu não

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ dân số Việt Nam mắc dị dạng bẩm sinh mạch máu não rất cao, có thể lên tới 5%-10% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc dị dạng bẩm sinh mạch máu não gây biến chứng thấp.
Nhiều người nhập viện trong tình trạng hôn mê vì dị dạng mạch máu não ảnh 1Nam bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những người mắc bệnh dị dạng mạch máu não gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe như gây vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật.

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh cho hay có nhiều người đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên bị đau đầu dữ dội, bất ngờ vì chủ quan khiến cho việc điều trị muộn…

Nhập viện trong tình trạng hôn mê

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân H.V.H (58 tuổi) ở Thái Bình đang điều trị tại bệnh viện sau khi bị tai nạn.

Theo người nhà của bệnh nhân, ông H. bị tai nạn sinh hoạt, tự ngã, sau đó hôn mê. Bệnh nhân được chuyển tới điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh với dấu hiệu xuất huyết não.

[Thảo luận về đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS]

Bác sỹ Văn Đức Hạnh - Khoa phẫu thuật thần kinh 1 cho hay khi được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân H. có tiền sử nghiện rượu, hút thuốc.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, huyết áp cao. Kết quả chụp CT dựng hình mạch máu não cho thấy bệnh nhân có túi phình mạch máu não vỡ (dị dạng ở mạch máu nuôi não) có thể gây xuất huyết não.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Sau mổ, bệnh nhân đã tỉnh táo và có thể sớm về phòng bệnh thường.

Bác sỹ Hạnh phân tích những trường hợp mắc bệnh phình động mạch não nhưng không biết, chỉ khi vỡ ra và phải vào viện cấp cứu như trường hợp bệnh nhân H. rất phổ biến. Phình động mạch não chưa vỡ rất hiếm khi biểu hiện lâm sàng. Do vậy, người bệnh thường không đi khám bệnh.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.Đ.H. (24 tuổi) ở huyện Tân Yên, Bắc Giang, bị viêm màng não, xuất huyết não dẫn tới hôn mê. Trước khi chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán phình động mạch não, không vỡ, viêm màng não vi khuẩn.

Sau khi được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân được các bác sỹ tại Khoa Thần kinh 1 điều tri tích cực, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã có tiến triển.

Cảnh giác với những dấu hiệu sớm

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ cho hay nguyên nhân của dị dạng mạch máu não không rõ ràng và hiện nay vẫn chưa xác định được rõ. Hầu hết người bệnh mắc bẩm sinh, nhưng đôi khi có thể hình thành trong cuộc sống sau này.

Dị dạng mạch máu não có nhiều loại như: Phình động mạch não, u máu não, u máu não thể hang…

"Bệnh u máu ở não phần lớn là bẩm sinh, không phải di truyền, bệnh hình thành trong quá trình mang thai, không phải bố mẹ truyền cho con. Tại bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp u máu não ở trẻ em, có bệnh nhi 4-5 tuổi đã phình mạch máu não. Có trẻ 8 tuổi ở miền Trung chuyển ra đã mắc phình mạch não khổng lồ," bác sỹ Hệ cho biết.

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ nói về bệnh dị dạng mạch máu não:

 

Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dẫn chứng nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ dân số Việt Nam mắc dị dạng bẩm sinh mạch máu não rất cao, có thể lên tới 5%-10% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc dị dạng bẩm sinh mạch máu não gây biến chứng cho sức khỏe khá thấp, chỉ khoảng 0,25%. Đáng lưu ý có hơn 99% người mắc phình động mạch não chung sống suốt đời với bệnh nên người bệnh cần hết sức chú ý vì triệu chứng rất ít, khó phát hiện...

Tuy nhiên, một số dấu hiệu cảnh báo các bệnh nhân khi mạch máu não có thể gặp như yếu, tê bì nửa người, dây thần kinh bị chèn ép gây liệt, mờ mắt, sụt mi, co giật.

Do tỷ lệ mắc trong cộng đồng cao, ngay cả các nước phát triển cũng không khuyến cáo người dân đi tầm soát, ông Hệ khuyến cáo người có biểu hiện đau đầu nhiều, đau đột ngột, tê bì nửa người, liệt, đặc biệt co giật nên đến viện. Đặc biệt, người trưởng thành lần đầu tiên bị co giật phải tới bác sỹ ngay để tiến hành tầm soát, tìm nguyên nhân, nếu để lâu dễ vỡ.

Theo bác sỹ Hệ, hiện nay các bệnh viện tuyến tỉnh đều được trang bị máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, đây là hai biện pháp tốt trong việc sàng lọc phình mạch não. Vì thế, bệnh phình mạch não đã dễ dàng được các bác sỹ phát hiện từ tuyến dưới.

Để phòng chống vỡ phình mạch não, người dân nên kiểm soát huyết áp, không hút thuốc lá, giảm bớt rượu, bia, kiểm soát cân nặng, thường xuyên tập luyện đặc biệt là chạy và đi bộ rất tốt cho tim mạch, giảm nguy cơ dị dạng mạch não./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục