Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, gần đây, Lào liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là người nhập cảnh đã hoàn thành thời gian cách ly được trở về nhà.
Chính quyền tỉnh Savannakhet cho biết tỉnh này đã ghi nhận 4 lao động Lào trở về từ nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi được phép rời trung tâm cách ly trở về nhà.
Hiện tại nhà chức trách đã phong tỏa nơi các bệnh nhân sinh sống và đang tiến hành xác minh những người tiếp xúc gần để đưa đi cách ly.Cùng với tỉnh Savannakhet, tỉnh Xayaboury cũng ghi nhận 2 trường hợp dương tính
sau khi đã hoàn thành 14 ngày cách ly cùng 2 lần xét nghiệm âm tính. Ngay sau đó, chính quyền tỉnh đã phong tỏa khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào đã tăng thời gian giám sát y tế đối với lao động nhập cảnh Lào không mắc COVID-19 từ 14 ngày lên 21 ngày để đảm bảo có thể phát hiện được các ca bệnh muộn.
Về chương trình tiêm chủng, Bộ Y tế Lào cho biết hơn 400.000 người ở Viêng Chăn đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, tương đương trên 40% dân số thủ đô Lào. Theo đó, Lào đặt mục tiêu trong năm nay sẽ tiêm chủng cho khoảng 80% dân số Viêng Chăn và 50% dân số cả nước.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này, ngày 28/7 đã phát hiện 18 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân được xác nhận kể từ ngày 20/7 đến nay lên 171 trường hợp, cùng với 2 trường hợp không có triệu chứng.
[Thêm 660.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam]
Đợt bùng phát dịch bệnh lần này cũng được cho là đã lan sang ít nhất 13 thành phố, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc), và thành phố Đại Liên - thủ phủ tỉnh Liêu Ninh (Đông Bắc Trung Quốc).
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, các ca bệnh mới được phát hiện tại Nam Kinh hôm 28/7 đều ở xung quanh phố Lộc Khẩu thuộc quận Giang Ninh. Trong cuộc họp báo ngày 29/7, các quan chức địa phương cho biết theo kết quả điều tra dịch tễ học, con phố này đã được xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Trong số 171 bệnh nhân kể trên, 3 trường hợp được chẩn đoán trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, ít nhất một trường hợp liên quan đến ổ dịch Nam Kinh cũng đã được báo cáo ở Bắc Kinh hôm 28/7.
Nhà chức trách ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, và Hô Luân Bối Nhĩ ở Nội Mông (đều thuộc miền Bắc Trung Quốc) cũng đã công bố kết quả điều tra dịch tễ học về một số trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh đã được xác nhận ở Nam Kinh.
Xét về mặt địa lý, đợt bùng phát dịch bệnh lần này được cho là có quy mô lớn nhất trong vòng 7 tháng qua, thách thức nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc dù thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa và truy vết tiếp xúc nhanh chóng.
Trước tình hình dịch bệnh ở Nam Kinh diễn biến phức tạp, nhà chức trách tỉnh Giang Tô đã phải tiến hành phong tỏa hàng trăm nghìn người dân, đồng thời đóng cửa các quán càphê-Internet, phòng tập gym, rạp chiếu phim và quán bar-karaoke, thậm chí cả thư viện tại thành phố Nam Kinh.
Thành phố này cũng đã thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ 9,2 triệu dân lần thứ 2 trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây lan cao đang cản trở nỗ lực ngăn chặn đại dịch tại Trung Quốc. Hiện biến thể Delta đã lây lan ra 3 tỉnh của Trung Quốc.
Trong khi đó, hầu hết các ca nhiễm mới trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 65% trong 1,5 tỷ dân của nước này vào cuối năm nay. Ủy ban Y tế quốc gia cho biết hiện Trung Quốc đã phân phối khoảng 1,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 nhưng không nêu rõ có bao nhiêu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine./.