Nhiều nước khuyến cáo công dân thận trọng khi tới Đông Bắc Ấn Độ

Mỹ, Anh và Canada, Singapore đã đưa ra các cảnh báo về đi lại, kêu gọi công dân của họ "thận trọng" khi đi đến Đông Bắc Ấn Độ vì bất cứ mục đích nào do các cuộc biểu tình bạo lực.
Nhiều nước khuyến cáo công dân thận trọng khi tới Đông Bắc Ấn Độ ảnh 1Người dân biểu tinh ở Guwahati. (Nguồn: ndtv.com)

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực phản đối Dự luật Công dân sửa đổi vẫn tiếp diễn ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ, nhiều nước như Mỹ, Anh và Canada đã đưa ra các cảnh báo về đi lại, kêu gọi công dân của họ "thận trọng" khi đi đến khu vực trên vì bất cứ mục đích nào.

Khuyến cáo của Anh nêu rõ các cuộc biểu tình phản đối Đạo luật Quyền công dân sửa đổi đang diễn ra ở một số vùng của Ấn Độ và lưu ý các công dân thận trọng với những quyết định tới khu vực này.

Giới chức Anh nêu rõ nếu có nhu cầu đi lại thiết yếu, công dân nên theo dõi các phương tiện truyền thông địa phương để biết thông tin mới nhất và làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Đã có báo cáo về cuộc biểu tình bạo lực ở vùng Đông Bắc, đặc biệt là ở bang Assam và Tripura. Một lệnh giới nghiêm vô thời hạn đã được áp đặt tại Guwahati, trung tâm làn sóng biểu tình, và các dịch vụ Internet di động đã bị đình chỉ ở 10 quận của bang Assam. Giao thông cũng có thể bị ảnh hưởng ở các khu vực khác nhau trong khu vực này.

Mỹ cũng đã đưa ra khuyến cáo tương tự, nói thêm rằng đã "tạm thời đình chỉ" hoạt động đi lại chính thức tới Assam.

Ngoài ra, Singapore cũng đã ban hành một thông báo về đi lại đối với công dân của nước này, kêu gọi cảnh giác và thận trọng.

[Ấn Độ cho phép người nhập cư thuộc 6 tôn giáo được nhập quốc tịch]

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh những người phản đối luật công dân mới chuẩn bị tiến hành thêm nhiều cuộc biểu tình vào ngày 14/12, tiếp sau những ngày đụng độ khiến hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Nhiều người dân ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ giàu tài nguyên lo ngại đạo luật mới sẽ trao quyền công dân cho số lượng lớn những người nhập cư từ nước láng giềng Bangladesh, cáo buộc họ lấy đi công ăn việc làm và xóa nhòa bản sắc văn hóa của địa phương.

Trong khi đó, đối với các nhóm Hồi giáo, các tổ chức đối lập và nhân quyền, đạo luật mới là một phần trong chương trình nghị sự chủ nghĩa dân tộc Hindu "Hindutva" của Thủ tướng Narendra Modi nhằm gạt ra rìa cộng đồng 200 triệu người Hồi giáo ở Ấn Độ.

Hôm 13/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã hoãn cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Narendra Modi dự kiến được tổ chức tại Guwahati từ 15-17/12.

Dự luật Công dân sửa đổi (CAB) đã được hai viện Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn trong tuần qua. Luật này cho phép đẩy nhanh xử lý các đơn xin nhập tịch của những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số từ Pakistan, Afghanistan và Bangladesh, nhưng bao gồm người theo đạo Hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục