Ấn Độ tuân thủ trừng phạt của Mỹ nhưng không hy sinh sức mạnh kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ khẳng định nước này muốn tuân thủ các lệnh trừng phạt toàn cầu, trong đó có các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Nga, nhưng cũng cần duy trì sức mạnh kinh tế.
Ấn Độ tuân thủ trừng phạt của Mỹ nhưng không hy sinh sức mạnh kinh tế ảnh 1Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman. (Nguồn: NDTV)

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định Ấn Độ muốn tuân thủ các lệnh trừng phạt toàn cầu, trong đó có các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Nga, nhưng cũng cần duy trì sức mạnh và các lợi ích chiến lược của mình. 

Mỹ hồi tháng 1 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, khiến một số khách hàng toàn cầu khiếp sợ và tránh xa.

Tuy nhiên, do có rất ít những nhà cung cấp dầu nặng thay thế, tập đoàn Reliance Industries Ltd của Ấn Độ đã mua dầu thô của Venezuela từ công ty Rosneft của Nga. Reliance dự kiến sẽ tiếp tục mua dầu trực tiếp từ quốc gia Nam Mỹ sau 4 tháng tạm dừng.

Hãng này sẽ điều ít nhất 2 tàu chở dầu lớn Antonis I. Angelicoussis và Maran Castor đến cảng Jose của Venezuela vào cuối tháng 10 này để nạp dầu.

[Ấn Độ chặn dịch vụ nhắn tin ở Kashmir vì lý do an ninh]

Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 15/10, bà Sitharaman cho biết Chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm của mình với phía Mỹ.

Bà nói: "Trong những vấn đề cụ thể đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích chiến lược của Ấn Độ, chúng tôi đã giải thích với Mỹ rằng Ấn Độ là đối tác chiến lược của Mỹ, và các bạn muốn có một đối tác chiến lược mạnh chứ không phải bị suy yếu. Chúng tôi đánh giá cao quan hệ đối tác bền chặt với Mỹ, nhưng chúng tôi cũng phải được trở thành một nền kinh tế mạnh."

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó cùng ngày đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ trong tài khóa 2019 xuống chỉ còn 6,1%, với lý do nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến tăng trưởng thế giới năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục