Nhiều tập đoàn năng lượng Australia kêu gọi chính phủ đánh thuế carbon

Công ty năng lượng Woodside cùng với những công ty khai mỏ hàng đầu trên thế giới đang tích cực kêu gọi Chính phủ Australia áp dụng lại chính sách đánh thuế carbon.
Nhiều tập đoàn năng lượng Australia kêu gọi chính phủ đánh thuế carbon ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Công ty năng lượng Woodside cùng với những công ty khai mỏ hàng đầu trên thế giới đang tích cực kêu gọi Chính phủ Australia áp dụng lại chính sách đánh thuế carbon, trong bối cảnh dư luận gia tăng sức ép, hối thúc chính quyền bảo thủ hành động nhằm giảm ô nhiễm môi trường và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia ABC tối 13/11, Giám đốc điều hành Woodside Peter Coleman nhấn mạnh sự cần thiết phải định giá carbon. Ông cho rằng hiện là thời điểm chính quyền Australia phải nhanh chóng hành động và khởi động lại các cuộc thảo luận về chính sách đánh thuế carbon.

Tương tự, các công ty đa quốc gia gồm BHP và Rio Tinto - hai công ty khai khoáng lớn nhất thế giới, kêu gọi áp dụng hình thức định giá khí thải. Đầu tháng này, tỷ phú công nghệ Mike Cannon-Brookes, nhà đồng sáng lập tập đoàn phần mềm Atlassian của Australia, đã phát động một chiến dịch năng lượng xanh nhằm thúc đẩy phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo.

Australia được xem là một trong những nước thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới (tính theo bình quân đầu người) và phụ thuộc nặng nề vào nguồn điện do các nhà máy nhiệt điện sản xuất.

Trong 10 năm qua, chính quyền Canberra đã phải chật vật để áp dụng các chính sách đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu giữa lúc chính trị bất ổn cũng như những mâu thuẫn trong nội bộ đảng cầm quyền.

Trong lịch sử, Australia đã nhiều lần gặp trở ngại khi đưa ra những chính sách nhằm cắt giảm lượng khí thải. Chương trình trao đổi khí thải carbon của cựu Thủ tướng Kevin Rudd đã bị bác bỏ năm 2010.

Người kế nhiệm ông Rudd là bà Julia Gillard từ năm 2012 đã áp dụng chính sách đánh thuế với mức 23 AUD (16,5 USD) cho mỗi tấn carbon do doanh nghiệp thải ra. Tuy nhiên, chính sách này đã bị bãi bỏ sau khi ông Tony Abbott đắc cử Thủ tướng trong cuộc bầu cử hồi năm 2013.

Chính mục tiêu cắt giảm khí thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân dẫn đến việc Thủ tướng Malcolm Turnbull từ chức hồi tháng Tám vừa qua do không nhận được nhiều sự ủng hộ của các nghị sỹ. Kế hoạch cắt giảm khí thải của ông đã không thể thực hiện sau đó. Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty tư nhân lớn của Australia kêu gọi chính quyền nước này thay đổi chính sách.

[Trồng rừng và giảm ăn thịt - Cách tốt nhất để làm "mát" Trái Đất]

Chính quyền của tân Thủ tướng Scott Morrison đã cam kết sẽ không rút nước này ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng không tăng thêm ngân sách dành cho quỹ khí hậu toàn cầu. Ông Morrison khẳng định Australia sẽ đạt được mục tiêu giảm khí phát thải theo quy định của Hiệp định Paris, bất chấp những lo ngại về việc nước này sẽ thất bại, khi lượng khí phát thải trong một năm vừa qua (tính đến hết tháng 3/2018) đã tăng 1,3%.

Thực tế, lượng khí phát thải của Australia đã gia tăng đáng kể từ khi bãi bỏ thuế carbon vào năm 2014. Giới chuyên gia cảnh báo các đợt hạn hán nghiêm trọng và những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện thường xuyên hơn tại nước này nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không "hạ nhiệt."

Báo cáo mới nhất của Hội đồng Khí hậu Australia chỉ ra rằng biến đổi khí hậu cũng sẽ gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp nếu các tác động không được hạn chế.

Theo thống kê mới đây, lượng mưa tại khu vực Đông Nam châu Đại Dương đã giảm 25% vào đầu mùa Thu năm nay và giảm 15% vào cuối Thu, đầu Đông. Đây là mức giảm cao chưa từng có trong vòng 30 năm qua.

Ngoài ra, khu vực ven biển phía Đông của Australia cũng đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất là 50 năm trở lại đây với 100% diện tích bang New South Wales rơi vào tình trạng khô hạn.

Chưa dừng lại tại đó, hiện tượng cộng dồn các yếu tố khô hạn, nắng nóng cực đoan và những vụ cháy rừng nghiêm trọng ngày càng gia tăng đang hủy hoại một số hệ sinh thái có giá trị nhất của Australia, trong đó có vùng rừng tự nhiên ở Tasmania, nơi được công nhận là di sản thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục