Năm nay, điểm xét tuyển của nhiều trường đại học trong cả nước tăng cao so với những năm trước.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có trường hợp thí sinh đạt số điểm gần như tối đa là 29 điểm, thậm chí 30 điểm (không có điểm ưu tiên) vẫn không trúng tuyển vào trường mình mong muốn; trong khi đó, một số ngành của các trường đại học tốp giữa ở tỉnh Nghệ An lại không tuyển đủ chỉ tiêu nguyện vọng 1.
Trước thực trạng đó, nhiều trường đại học ở Nghệ An đã phải “mở rộng” điều kiện xét tuyển.
Năm nay, trường Đại học Vinh có 5.500 chỉ tiêu tuyển sinh. Con số này, nếu so với 13.000 nguyện vọng đăng ký vào trường có thể xem là “an toàn.”
Tuy nhiên, phó giáo sư, tiến sỹ Thái Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết giữa đăng ký nguyện vọng và số hồ sơ trúng tuyển là một khoảng cách rất khó tiên lượng.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Thái Văn Thành, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có thể được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng các em chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất so với số điểm của mình.
Vì vậy, không loại trừ trường hợp, thí sinh đăng ký vào đại học Vinh nhưng lại trúng tuyển ở nguyện vọng khác.
Năm nay là năm đầu tiên trường Đại học Vinh tham gia nhóm xét tuyển phía Bắc; đây là điều kiện thuận lợi bởi các trường có thể chia sẻ nguyện vọng của thí sinh.
Tuy nhiên, trường Đại học Vinh nằm ở miền Trung nên công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do nhiều thí sinh có tâm lý muốn học tập tại Thủ đô.
Đến ngày 9/8, trường Đại học Vinh còn 21 mã ngành ở hai khối ngành Kỹ thuật công nghệ và Nông-Lâm-Ngư mới nhận được đăng ký nguyện vọng đạt dưới 50% chỉ tiêu.
[Lãnh đạo Bộ Giáo dục trần tình về điểm chuẩn đại học quá cao]
Để đảm bảo chỉ tiêu "đầu vào," trường Đại học Vinh đã có sự điều chỉnh, trong đó dành 30% chỉ tiêu cho những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ.
Ngoài ra, trường Đại học Vinh còn có nhiều chính sách ưu tiên thí sinh tuyển thẳng, thí sinh là thủ khoa của các ngành hoặc thí sinh có điểm cao, thí sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn.
Đại học Vinh cũng sẽ cấp học bổng một học kỳ cho thí sinh đạt 21 điểm trở lên; cấp học bổng năm học đầu tiên cho thí sinh đạt 22 điểm trở lên.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ cấp cho mỗi huyện, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An 5-6 suất học bổng ngành Nông-Lâm-Ngư. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường sẽ đảm bảo việc làm cho các em.
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng tăng đến 70% chỉ tiêu dành cho thí sinh xét tuyển bằng học bạ và kéo dài thời gian tuyển sinh trong suốt năm học.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết quan điểm của nhà trường là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh đến đăng ký nhập học tại trường. Nhà trường cũng cam kết giới thiệu việc làm cho thí sinh sau khi ra trường.
Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cũng tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, đặc biệt đối với thí sinh ngành Mầm non. Năm nay, nhà trường cho phép thí sinh lấy điểm năng khiếu từ các trường khác về để xét tuyển thay vì phải thi năng khiếu tại trường như các năm trước.
Việc các trường đại học "nới rộng" điều kiện xét tuyển, năm nay thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, thí sinh cần lựa chọn các trường, ngành, nghề đúng với sở thích, năng lực và điểm số của mình.
Bên cạnh đó, việc chọn ngành nghề cũng cần gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hoặc khủng hoảng thừa cử nhân, kỹ sư như hiện nay./.