Nhìn lại thế giới 2018: Điều gì xảy ra sau thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 6/2018 là một sự kiện quan trọng; đây là lần đầu một tổng thống đương nhiệm Mỹ bắt tay với một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Nhìn lại thế giới 2018: Điều gì xảy ra sau thượng đỉnh Mỹ-Triều? ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trang mạng BBC.com đưa tin, cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018 là một sự kiện quan trọng của năm 2018.

Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Mỹ bắt tay với một nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Vậy đã có điều gì thay đổi sau sự kiện lịch sử này.

Liệu Tổng thống Mỹ Trump có thành công, sau nhiều thập kỷ thất bại của những người tiền nhiệm, trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí?

Câu trả lời ngắn gọn là không. Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump từng tuyên bố rằng Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa. Tuy nhiên, mới đây, ông lại nói rằng mọi thứ với Triều Tiên "vẫn ổn" và rằng “không cần vội vàng” thúc đẩy một thỏa thuận nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân của chế độ này.

Vấn đề có vẻ như đã được giải quyết. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Cần nhắc lại rằng Triều Tiên có vũ khí hạt nhân mà nhiều người tin là có khả năng đe dọa Mỹ.

Ông Trump coi vấn đề Triều Tiên là một trong số những chính sách đối ngoại quan trọng của ông, nhằm mục tiêu chất dứt kỷ nguyên “kiên nhẫn chiến lược” mà chính quyền của Tổng thống Obama đã dành cho Triều Tiên. Chính sách của ông là “gây sức ép tối đa.” Chính quyền Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm cô lập Triều Tiên.

Dường như nhiều người tại Washington tin rằng lý do khiến Kim Jong-un đến Singapore là bởi những lệnh trừng phạt của Mỹ và đe dọa của ông Trump về việc "trút lửa và cơn thịnh nộ" lên Triều Tiên.

Tuy nhiên, Triều Tiên đến hội nghị thượng đỉnh với một tâm thế mạnh mẽ. Quan điểm của Bình Nhưỡng có lẽ là năng lực hạt nhân của họ đã giúp họ có được hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Mỹ.

Và trong khi ông Trump khoe khoang về mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hội nghị thượng đỉnh này cũng không khiến cho Bình Nhưỡng và Washington xích lại gần nhau hơn. Thậm chí hai bên còn trở nên xa cách hơn.

Tuyên bố ngắn gọn được hai nhà lãnh đạo nhất trí thông qua rất mơ hồ, điều đó có nghĩa rằng hai bên sẽ tranh cãi về cách diễn giải tuyên bố này.

Đối với Triều Tiên, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên không có nghĩa là nước này đơn phương từ bỏ vũ khí. Chế độ này muốn hành động tương tự từ phía Mỹ và đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang làm như vậy.

Triều Tiên dường như cũng tin rằng Bình Nhưỡng đã nhận được sự đảm bảo từ Tổng thống Trump về việc Mỹ sẽ đồng ý ký kết một tuyên bố chính thức nhằm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều người tại Washington phản đối điều này, bởi họ cho rằng đó sẽ là sự nhượng bộ quá lớn trong gian đoạn hiện nay.

[Mỹ-Triều thảo luận địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai]

Hầu như không có cuộc đàm phán trực tiếp nào diễn ra kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore. Triều Tiên đã hoãn một cuộc gặp được lên kế hoạch tại New York dự kiến diễn ra vào tháng 11/2018 với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Chỉ vài giờ trước khi thông báo, ông Pompeo nói rằng ông hy vọng sẽ đạt được “sự tiến triển thực sự” sau cuộc gặp. Mặc dù đã cố gắng, song Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun vẫn chưa thể gặp được Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Sun Hui.

Bình Nhưỡng cũng đã đưa ra một vài tuyên bố mạnh mẽ lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuyên bố mới đây nhất được đưa ra sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba quan chức cấp cao của Triều Tiên, một trong số họ có quan hệ thân cận với ông Kim Jong-un.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo rằng đồng thái này có thể cản trở con đường dẫn tới phi hạt nhân vĩnh viễn. Điều đáng chú ý là các tuyên bố này đều tập trung chỉ trích Bộ Ngoại giao Mỹ chứ không phải ông Trump.

Triều Tiên biết cách làm thế nào để "tâng bốc" tổng thống Mỹ và tách biệt những quyết định chính sách đối ngoại của ông Trump với những quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ. Do vậy, bất chấp hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu tiên và những kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai sẽ diễn ra trong năm 2019, không có vũ khí hạt nhân nào được bàn giao, không có thanh sát viên nào được phép vào Triều Tiên và không có cơ sở hạt nhân nào đươc dỡ bỏ.

Hình ảnh thu thập thông qua vệ tinh trong suốt năm nay cho thấy các cơ sở tên lửa của Triều Tiên vẫn hoạt động, thậm chí một nghiên cứu còn cho thấy một cơ sở tên lửa tầm xa quan trọng của nước này có thể đã được mở rộng.

Tuy nhiên, Triều Tiên đang đẩy mạnh những chính sách ngoại giao "lần đầu tiên." Kim Jong-un không chỉ “lấy lòng” tổng thống Mỹ trong năm 2018.

Trên thực tế, trước khi ông gặp các nhà lãnh đạo thế giới khác, chuyến đi đầu tiên của ông Kim ra nước ngoài trên cương vị lãnh đạo Triều Tiên là đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Và hội nghị thượng đỉnh thứ hai và thứ ba, diễn ra tại Bình Nhưỡng, là chuyến thăm miền Bắc đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc trong một thập kỷ qua.

Đây cũng là lần đầu tiên các binh lính của hai miền Triều Tiên đi sang lãnh thổ của nhau kể từ khi hai nước bị chia cắt. Họ đã bắt tay, trao nhau những điếu thuốc.

Cả hai nước đã dỡ bỏ những trạm bảo vệ dọc theo khu vực phi quân sự hóa được canh phòng nghiêm ngặt. Điều này tất nhiên không phải là phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, nó giúp xây dựng lòng tin. Chính quyền của ông Moon hy vọng rằng mối quan hệ mới này sẽ không bị xấu đi.

Vào những ngày đầu năm mới 2019, ông Kim Jong-un đọc thông điệp quốc gia và đưa ra những ưu tiên của ông trong năm này. Chắc chắn, Seoul và Washington sẽ theo dõi sát sao bản thông điệp này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục