Nhìn lại thế giới 2019: Nga "bội thu" thành tích đối ngoại

Khi một kỷ nguyên mới bắt đầu, chính sách đối ngoại của Nga có thể tự hào về một số thành công, chủ yếu tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Nhìn lại thế giới 2019: Nga "bội thu" thành tích đối ngoại ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: rferl.org)

Theo trang mạng eurasiareview.com, khi một kỷ nguyên mới bắt đầu, chính sách đối ngoại của Nga có thể tự hào về một số thành công, chủ yếu tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, ngoại trừ với Trung Quốc, quan hệ của Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương khá khiêm tốn, mặc dù có tiềm năng đáng kể để đạt được một mối quan hệ mạnh mẽ hơn.

Hơn 5 năm sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea và sự nổi dậy của các thành phần ly khai ở miền Đông Ukraine, một số quốc gia châu Âu dường như đang rất lo lắng về thực trạng của mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga.

Điều này được thể hiện qua những nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm đối thoại với Nga. Ông đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Moskva tham dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới II vào ngày 9/5/2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã được mời. Vẫn chưa rõ liệu ông có nhận lời hay không. Ngày Chiến thắng là một lễ hội thường niên được Nga coi là một ngày quan trọng trong lịch sử hậu Liên Xô của Nga.

[Nga xoay trục trở lại châu Phi và sự dè chừng của Mỹ, Trung Quốc]

Sự tham dự của bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây quan trọng nào cũng đều sẽ là một lực đẩy mang tính biểu tượng có ý nghĩa đối với vị trí của ông Putin trong lòng người dân nước ông cũng như với thanh thế của nước Nga: đó sẽ được coi là cột mốc đánh dấu sự chấm hết của việc phương Tây cô lập ngoại giao đối với Nga.

Sự quay trở lại của G8?

Tổng thống Macron đã ủng hộ lập trường của ông Trump rằng Nga nên được kết nạp lại vào G7, từng được gọi là G8 trước khi Nga bị trục xuất sau vụ sáp nhập Crimea.

Ông Trump cũng sẽ là người chủ trì G7 trong năm 2020. Ông Macron cũng rất sốt sắng trong việc khôi phục dạng thức Bộ tứ Normandy - gồm Nga, Pháp, Đức, Ukraine - để giải quyết cuộc xung đột của phe li khai ở Ukraine.

Lãnh đạo các nước này đã gặp nhau tại Paris ngày 9/12/2019, sau 3 năm gián đoạn. Trước cuộc gặp này, đã có một sự trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine hồi đầu tháng 9/2019.

Hai bên đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn đầy đủ và toàn diện trước khi kết thúc năm 2019. Họ còn nhất trí sẽ hợp tác trong các cuộc bầu cử địa phương vào 4 tháng tới đây.

Tổng thống Putin từ lâu đã nhận thức được rằng tình trạng hiện nay của mối quan hệ Nga-Ukraine là một rào cản lớn đối với việc bình thường hóa mối quan hệ của Nga với EU.

Quan hệ gắn bó hơn với Thổ Nhĩ Kỳ

Là một thành viên NATO, việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga và tiếp nhận hệ thống này hồi mùa Hè 2019 đã gây ra sự chia rẽ trong NATO.

Mỹ đã đe dọa áp đặt trừng phạt với Ankara. Về phần mình, Moskva coi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là một sự thành công trong chính sách ngoại giao đối với Nga.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa đóng cửa các căn cứ chiến lược của Mỹ tại nước này một khi các lệnh trừng phạt được áp dụng, Nga chắc hẳn sẽ ăn mừng. Kể từ khi NATO bị Nga coi là một mối đe dọa an ninh, bất kỳ vấn đề nào làm suy yếu tính đoàn kết của khối này chắc chắn đều làm lợi cho Nga.

Vai trò quan trọng ở Syria

Sự can thiệp quân sự của Nga trên danh nghĩa được Tổng thống Syria Bashar al-Assad đề nghị năm 2015 rõ ràng đã ngăn chặn việc Assad ông bị lật đổ và đảm bảo cuộc xung đột sẽ không gây thêm bất ổn cho Trung Đông.

Iran và Israel không thể hành động độc lập với nhau tại Syria mà không có sự đồng thuận hay sự ủng hộ của Nga. Iran ủng hộ Assad trong cuộc nội chiến và đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ cho tổng thống của Syria. Israel thì coi đây là một mối đe dọa an ninh.

Trong bất cứ điều kiện nào, việc duy trì hòa bình và ổn định tại Syria đều không thể đạt được nếu thiếu sự tham gia của Nga. Về mặt này, uy tín và vị thế một đồng minh tin cậy của Nga trong khu vực đã được nâng tầm quan trọng.

Sự quay trở lại châu Phi

Tổng thống Putin đã dành khá nhiều thời gian tại thượng đỉnh Nga-Phi ở Sochi hồi tháng 10/2019, hội nghị đầu tiên theo kiểu này trong các mối quan hệ bên ngoài của Moskva.

Putin được cho là đã tham dự 16 cuộc gặp song phương trong hai ngày. Sau khi Liên Xô sụp đổ, sự tương tác của Moskva với châu Phi đã giảm sút. Hội nghị thượng đỉnh này thể hiện một nỗ lực chung nhằm khôi phục các liên kết với lục địa đen.

Những thành tựu tại châu Á-Thái Bình Dương

Nga và ASEAN không có bất cứ vấn đề mâu thuẫn này, và vì vậy, tiềm năng để tăng cường mối quan hệ giữa họ luôn hiện diện. Mối quan hệ Nga-ASEAN đã nhận được một cú hích từ sự tăng vọt về khối lượng thương mại trong năm 2018, tăng 18,4% lên 19,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với thương mại của ASEAN với một vài trong số các đối tác đối thoại quan trọng của mình, vị trí của Nga vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được nhận thức rõ, chứ chưa nói là được khai thác.

Mối quan hệ Nga-Ấn Độ, về truyền thống là khá thân thiết, đã được củng cố bởi chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Vladivostok hồi tháng 9/2019, trong đó ông gia tăng mức tín dụng 1 tỷ USD để phát triển vùng Viễn Đông Nga, lần đầu tiên Ấn Độ đảm nhận một bước đi kiểu như vậy.

Cùng với các thỏa thuận củng cố các liên kết song phương khác, động thái này đã chứng tỏ được sự dẻo dai trong mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ.

Trong khi đó, quan hệ của Nga với Nhật Bản vẫn cần phải bình thường hóa. Không có thương mại, công nghệ và sự hỗ trợ của Nga để phát triển vùng Viễn Đông Nga, Nga dĩ nhiên đã phải nhờ cậy đến Trung Quốc.

Lễ khai trương chính thức của đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia hồi đầu tháng 12/2019 nhằm phục vụ các nhu cầu năng lượng của Trung Quốc chỉ càng nhấn mạnh sự phụ thuộc ngày càng lớn của Nga vào Trung Quốc.

Có vẻ như vấn đề tranh chấp Quần đảo Kuril dai dẳng vẫn cản trở con đường bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Nhật Bản. Cả hai bền đều đã nỗ lực hợp tác để phát triển. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimutsu Motegi đã gặp người đồng cấp Nga hôm 19/12/2019, đánh dấu cuộc gặp thứ ba chỉ trong vòng 4 tháng giữa họ.

Đòn giáng vào uy tín của Nga

Đầu tháng 12/2019, Cơ quan chống doping Thế giới (WADA) đã quyết định áp đặt lệnh cấm kéo dài bốn năm đối với các đội tuyển của Nga thi đấu dưới lá cờ của nước này tại Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020 và 2022, cũng như Cup Bóng đá Thế giới 2022, cùng các sự kiện thể thao toàn cầu khác, vì không tuân thủ quy định về sử dụng chất kích thích.

Đây là một cái tát mạnh trực tiếp vào uy tín của Nga và gián tiếp vào chính sách ngoại giao của họ. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Putin biện luận trong cuộc họp báo cuối hàng năm của mình rằng lệnh cấm này không chính đáng.

Theo quan điểm của ông, chỉ nên áp đặt cấm với một cá nhân, chứ không phải cả tập thể, đồng thời nhấn mạnh quyết định này mang nặng tính chính trị và không công bằng.

Những triển vọng cho năm 2020

Mặc dù hướng đi của mối quan hệ Nga-Trung có vẻ tích cực và hai nước đang mở rộng hợp tác kinh tế và chính trị, song Moskva không cực đại hóa tiềm năng của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự bế tắc trong vấn đề quần đảo Kuril và sự thiếu vắng một mối quan hệ mạnh mẽ với ASEAN không giúp được Nga tăng cường sự hiện diện và vai trò tại Đông Bắc và Đông Nam Á.

Trong bối cảnh thế giới hứng chịu những bất ổn xuất phát từ chính sách ngoại giao bất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga có thể tận dụng những cơ hội này để thể hiện thêm trách nhiệm và một sự đóng góp lớn hơn cho sự hòa bình của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Nga vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện và có thể tiếp tục đặt ra thách thức với một nhà lãnh đạo dù có mạnh như Vladimir Putin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục