Mạng tin Arab News mới đây bài phân tích cho rằng Nga đang tích cực gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi thông qua các thỏa thuận hợp tác quân sự với nhiều quốc gia trong khu vực, và lục địa Đen đã dần trở thành một tài sản giá trị trong quỹ đạo địa chính trị của Moskva.
Theo bài viết, trong khi hầu hết thế giới đang bị ám ảnh về khả năng can dự của Nga vào nền tảng chính trị Mỹ và sức mạnh ngày càng lớn của Moskva ở khu vực Trung Đông, thì Nga đã âm thầm tiến sâu vào châu Phi.
Đóng vai trò là đối trọng với tầm ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc và sự suy giảm hiện diện của Mỹ tại lục địa Đen, Nga đã xây dựng các mối quan hệ đối tác quân sự mới nhằm tái lập chính mình như một thế lực đáng kể ở châu Phi.
Kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến nay, Moskva mới thực sự cho thấy tầm ảnh hưởng của mình từ Angola cho đến Tanzania.
Cũng như với trường hợp Syria, nỗ lực của Nga sẽ trở nên khó khả thi hơn nếu Mỹ không tạo ra những khoảng trống để thế lực nào đó sẵn sàng lấp đầy.
Bắt đầu với việc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama xoay trục chính sách sang châu Á, và sau đó là sự “chối bỏ” của Tổng thống Donald Trump đối với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ tại châu Phi, chính quyền Washington đã hạ cấp rõ rệt các vị trí kinh tế, văn hóa và quân sự của mình tại lục địa này.
[Nga xoay trục trở lại châu Phi và sự dè chừng của Mỹ, Trung Quốc]
Nhiều sứ quán Mỹ đã không còn đại sứ hay nhân viên nòng cốt. Ngay cả tại Nam Phi, một trong những nền kinh tế quan trọng nhất tại lục địa Đen, vị trí đại sứ cũng chỉ mới được bổ nhiệm hồi cuối tháng 9 vừa qua, chấm dứt thời kỳ bỏ trống trong gần 3 năm.
Ông Trump hầu như không che giấu việc mình không còn coi trọng vai trò của châu Phi. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn gặp khó khăn trong việc nhớ tên một số quốc gia lớn ở châu Phi.
Trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc năm 2017, ông Trump đã đề cập đến một quốc gia không tồn tại “Nambia” không chỉ một lần mà là hai lần.
Với việc Mỹ không còn đứng vững tại châu Phi, Nga đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để thách thức sức mạnh của Trung Quốc ở lục địa này. Trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Bắc Kinh, một dự án được tạo ra nhằm định hướng lại dòng chảy thương mại từ phương Tây sang Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã mở rộng nguồn tín dụng và ảnh hưởng của mình trên khắp châu Phi.
Bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng ở những quốc gia nghèo hơn, Trung Quốc đã đưa một số quốc gia châu Phi vào quỹ đạo kinh tế của mình thông qua các khoản vay.
Thị trường châu Phi tràn ngập điện thoại thông minh giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi các ứng dụng của Trung Quốc như WeChat trở nên rất phổ biến. Rõ ràng, Bắc Kinh đã tự khẳng định mình là một siêu cường ở châu Phi.
Dù ít tập trung vào công nghệ và cơ sở hạ tầng, Nga chọn hướng mở rộng ảnh hưởng chủ yếu thông qua hỗ trợ quân sự và truyền thông.
Theo Daily Maverick, một tờ báo của Nam Phi, Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi và đã ký thỏa thuận quân sự với 21 quốc gia tại lục địa này.
Ngoài các thỏa thuận quân sự và hợp tác đào tạo với gần 50% các quốc gia ở châu Phi, Moskva còn duy trì các quan hệ đối tác năng lượng hạt nhân với Ai Cập, Rwanda, Ethiopia, Uganda và Zambia.
Tại Mozambique, quốc gia này đang sử dụng sự hỗ trợ từ Nga nhằm dập tắt những cuộc nổi dậy đang gia tăng ở nước này. Thay vì chuyển sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước láng giềng Nam Phi hay thậm chí là Liên minh châu Phi (EU), Mozambique lại lựa chọn các lực lượng của Nga.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Tanzania, khi quốc gia này gần đây đã ký một thỏa thuận hợp tác, trong đó các lực lượng Nga cung cấp huấn luyện quân sự để đổi lấy sự cho phép phát triển và thử nghiệm vũ khí ở nước này.
Nhiều thỏa thuận khác cũng đã được Moskva ký kết với Niger, Nigeria, Sudan, Mali, Madagascar và Eritrea. Kết quả của tất cả các thỏa thuận này là dấu ấn tăng trưởng ấn tượng trong kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi, từ mức 17,4 tỷ USD năm 2017 lên 20,4 tỷ USD năm 2018.
Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên ở thành phố Sochi nhằm giới thiệu những thành quả trong nỗ lực của Nga ở lục địa này.
Hội nghị đã thu hút tới 43 trên tổng số 55 nguyên thủ quốc gia châu Phi tới tham dự.
Thức tỉnh trước sự thật không thể chối bỏ là Nga đang thâm nhập mạnh mẽ vào một trong những khu vực tăng trưởng ấn tượng trên thế giới, báo chí Mỹ hiện đang tích cực đưa tin về tất cả các khía cạnh trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng địa-chính trị của Moskva tại châu Phi.
Ví dụ, tờ New York Times đưa tin Nga đang triển khai “vũ khí tuyên truyền quốc tế” của mình dưới hình thức phổ biến kênh truyền hình RT thuộc sở hữu nhà nước và hãng tin Sputnik tới nhiều quốc gia khác nhau tại châu Phi nhằm truyền bá thông điệp rằng “trong khi Tây Âu và Mỹ tiếp tục thói quen khai thác châu Phi như hàng thế kỷ qua, thì Moskva sẵn sàng tham gia cùng với châu Phi dựa trên các điều khoản đôi bên cùng có lợi.”
Tất nhiên, thực tế có thể rất khác nhau. Cũng như Bắc Kinh và Washington trước đây, Moskva coi châu Phi là một tài sản quý giá trong quỹ đạo địa-chính trị mới của mình.
Nga đã thành công trong việc thâm nhập Trung Đông và giờ sự tập trung của Moskva đổ dồn vào mảnh đất được coi là màu mỡ hơn với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Mặc dù vậy, Mỹ chắc chắn cũng không dễ dàng từ bỏ vị thế một siêu cường toàn cầu của mình. Trong quá khứ, châu Phi từng bị “vắt kiệt” bởi chủ nghĩa thực dân cổ điển, thì nay những thế lực mới - trong đó có Nga - lại tiếp tục tiến vào lục địa này để lấp đầy những khoảng trống quyền lực./.