Nga lặng lẽ xây dựng vị thế mới tại châu Phi sau nhiều năm "thờ ơ"

Chiến lược trở lại châu Phi được Moskva lặng lẽ tiến hành và chỉ được biết đến rõ hơn từ ngày 30/7 vừa qua khi xảy ra vụ ám sát 3 nhà báo Nga đến Trung Phi.
Nga lặng lẽ xây dựng vị thế mới tại châu Phi sau nhiều năm "thờ ơ" ảnh 1Người dân tại thị trấn Paoua, CH Trung Phi ngày 27/12/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài RFI, sau châu Âu và Trung Quốc, đến lượt Nga đang trở thành một thế lực mới tại châu Phi.

Cùng với việc tăng cường đầu tư, bán vũ khí, cử “cố vấn” và điều lính đánh thuê... sau nhiều năm "thờ ơ," Nga dường như đang đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi để cạnh tranh với châu Âu và Trung Quốc.

Chiến lược trở lại châu Phi được Moskva lặng lẽ tiến hành và chỉ được biết đến rõ hơn từ ngày 30/7 vừa qua khi xảy ra vụ ám sát 3 nhà báo Nga đến Trung Phi điều tra về lực lượng lính đánh thuê của Công ty Wagner, hiện tham chiến tại Syria.

Lực lượng lính đánh thuê của Công ty Wagner, về mặt chính thức, được gọi là “huấn luyện viên dân sự,” gồm 170 người, được Nga cử đến Trung Phi từ đầu năm 2018 cùng với 5 sỹ quan quân đội, trong đó một người làm Cố vấn an ninh cho Tổng thống Faustin-Archange Touadera.

Mặc dù Trung Phi đang bị Liên hợp quốc cấm vận vũ khí nhưng vào tháng 12/2017 Nga đã thuyết phục được Hội đồng Bảo an chấp nhận một ngoại lệ, cho phép Moskva cung cấp vũ khí cho quốc gia này để đối phó với các lực lượng nổi dậy có vũ trang ở trong nước.

Trung Phi không chỉ là quốc gia gần đây nhất được Nga hậu thuẫn về quân sự. Trong 3 năm trở lại đây, Nga không ngừng tăng cường vị thế tại châu Phi như: chuyển vũ khí cho Cameroon để đối phó với lực lượng thánh chiến Boko Haram; trở thành đối tác quân sự với Cộng hòa Congo, Burkina Faso, Uganda và Angola; tăng cường hợp tác hạt nhân dân sự với Sudan; khai thác mỏ với Zimbabwe và công nghiệp nhôm với Guinea.

Ngoài duy trì hợp tác với các quốc gia châu Phi từng có quan hệ lịch sử như Maroc, Algeria, Ai Cập và Nam Phi, Moskva còn tìm kiếm "đồng minh mới" ở Nam Sahara - nơi Nga gần như "vắng bóng."

Theo đánh giá của nhà sử học Dmitri Bondarenko thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, được hãng tin AFP trích dẫn: "Mặc dù nằm trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga nhưng châu Phi ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn."

Trước đây, Liên bang Xô Viết từng rất năng động tại châu Phi suốt nhiều thập kỷ, nhưng chủ yếu là trong cuộc chiến mang ý thức hệ chống phương Tây, ủng hộ các phong trào giải phóng khỏi ách thực dân và cử vài chục nghìn cố vấn đến châu Phi sau thời kỳ thuộc địa.

Việc Liên bang Xô Viết sụp đổ đã dẫn đến khó khăn về kinh tế và xảy ra các cuộc đấu đá nội bộ tại Nga trong những năm 1990.

Vì vậy, Moskva đã phải dần từ bỏ các vị trí tại châu Phi: đóng cửa nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán do thiếu ngân sách; ngừng các chương trình tài trợ và giảm bớt quan hệ.

[Moskva xác nhận 3 nhà báo Nga bị sát hại tại Cộng hòa Trung Phi]

Chỉ đến những năm 2000, Điện Kremlin bắt đầu mở lại các kênh ngoại giao và từng bước trở lại châu Phi nhưng là vì các hợp đồng kinh tế hơn là vấn đề ý thức hệ.

Từ năm 2006 đến nay, tổng thống Nga, cũng như các lãnh đạo cao cấp khác, đã nhiều lần công du châu Phi cùng với phái đoàn doanh nhân hùng hậu và kết quả là nhiều hợp đồng đã được hai bên ký kết.

Với lợi thế không phải là một nước từng "đô hộ" tại châu Phi, Nga hy vọng trở thành một "giải pháp thay thế" châu Âu và Trung Quốc cho một số nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có nhiều người từng được đào tạo tại các trường đại học của Liên bang Xô Viết trước đây.

Ngoài ra, Nga không thể bỏ qua châu lục rộng lớn này khi mong muốn lấy lại vị thế của cường quốc ngày càng rõ nét.

Vì vậy, ngoài lợi ích kinh tế, Moskva còn quan tâm đến "tiến bộ chính trị" mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.

Theo nhận định của nhà phân tích Nga Evgueni Korendiassov (người từng đảm nhiệm vai trò đại sứ Nga tại nhiều quốc gia châu Phi), nếu Moskva tìm kiếm lợi ích kinh tế thì các nước châu Phi muốn có "thêm một đối tác, có nghĩa là một kênh đầu tư và phát triển khác, cũng như sự ủng hộ của một cường quốc trên trường quốc tế."

Một số nước châu Phi (như Sudan hay Zimbabwe) mà châu Âu không muốn hợp tác, có thể “trông cậy” thêm vào Nga thay vì chỉ biết quay sang Trung Quốc như trước đây.

Và dường như điều này sẽ mở ra một viễn cảnh thay đổi đáng kể trật tự địa chính trị tại Lục địa Đen này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục