Cơ sở nào cho một châu Phi "im bặt tiếng súng" và không có xung đột?

Mặc dù có sự rạn nứt trong quan hệ song phương, nhưng Mỹ có thể hợp tác với châu Âu để giúp các quốc gia châu Phi đạt được mục tiêu hòa bình và an ninh.
Cơ sở nào cho một châu Phi "im bặt tiếng súng" và không có xung đột? ảnh 1(Nguồn: goodthingsguy)

Mặc dù có sự rạn nứt trong quan hệ song phương, nhưng Mỹ có thể hợp tác với châu Âu để giúp các quốc gia châu Phi đạt được mục tiêu hòa bình và an ninh.

Theo trang mạng cfr.org, năm 2013, Liên minh châu Phi (AU) đặt ra mục tiêu đầy tham vọng "im bặt tiếng súng" và hướng tới một lục địa không có xung đột vào năm 2020.

Năm năm sau, hiện thực chứng minh khung thời gian đó là không đủ, mục tiêu chung về chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang, vốn rất quan trọng đối với an ninh châu Phi và toàn thế giới, vẫn chưa thể đạt được bởi tình hình phức tạp tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi thuộc châu lục này.

Chính vì vậy, hợp tác quốc tế, đặc biệt là giữa Mỹ và châu Âu, nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa xung đột ở châu Phi lại càng có điều kiện thực hiện.

Để đạt được lợi ích riêng, cả Mỹ và châu Âu đang dành nguồn lực đáng kể nhằm giải quyết các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở châu Phi.

Mỹ và châu Âu đều không hài lòng với giới hạn phạm vi gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vốn chưa đủ để khắc phục những thách thức dai dẳng tại châu lục.

Cả hai bờ Đại Tây Dương đều tìm cách làm suy yếu và đánh bại hoàn toàn các tổ chức khủng bố tại châu Phi với tham vọng mở rộng hoạt động trên toàn thế giới.

Rõ ràng, chiến lược phát triển-chính trị cần giải quyết những yếu kém về thể chế, đồng thời quan tâm hơn đến bộ phận dân cư thiệt thòi, sống tách biệt xã hội nhằm hạn chế khả năng khai thác điểm yếu của các tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ và châu Âu không phải lúc nào cũng hoàn toàn trùng khớp. Do gần gũi về mặt địa lý với châu Phi, châu Âu cảm nhận rõ nét về hậu quả của việc di cư vốn bắt nguồn từ các khu vực có xung đột và bất ổn.

Thực tế đó đôi khi dẫn đến những kết luận khác nhau về biện pháp đảm bảo cân bằng giữa ổn định xã hội với các mối quan tâm về quản lý điều hành.

Hai đối tác xuyên Đại Tây Dương này hiện đang tranh cãi về chia sẻ gánh nặng tài chính, có lẽ đáng chú ý nhất là trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đột xuất và các thỏa thuận thực thi hòa bình đang triển khai tại Somalia và khu vực Sahel.

Cơ sở nào cho một châu Phi "im bặt tiếng súng" và không có xung đột? ảnh 2Lực lượng an ninh điều tra tại hiện trường một vụ nổ ở Mogadishu của Somalia ngày 7/7 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với thực tế chính trị hiện nay ở hai bờ Đại Tây Dương, một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng cùng có lợi chưa thể đem lại ngay kết quả trước mắt.

Trong tương lai gần, Mỹ sẽ gặp phải những giới hạn thực sự về khả năng và uy tín trong việc hỗ trợ thay đổi bức tranh tị nạn và di cư toàn cầu vốn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định của châu Phi.

Khi Chính phủ Mỹ chưa thực sự thừa nhận biến đổi khí hậu hoặc nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm để giải quyết thách thức này thì rất khó để Mỹ có cách tiếp cận tổng quát về diễn tiến của biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm căng thẳng.

Nhưng Mỹ và EU vẫn có cơ hội thực sự để đẩy mạnh một số mặt hợp tác hiện có và bắt tay vào những nỗ lực chung mới.

Chẳng hạn như hai bên có thể hợp tác với các đối tác thuộc khu vực lòng chảo Hồ Chad để xác định cụ thể hơn các mục tiêu đã hoạch định và bổ sung các chiến lược chính trị, kết nối các mối quan hệ tốt đẹp hiện nay để có được nỗ lực chung gắn kết hơn nhằm cùng nhau giải quyết nguyên nhân sâu xa của bất ổn.

Các đối tác chủ chốt của châu Âu và châu Phi có thể hợp tác với Mỹ để tiếp tục thúc đẩy cải cách hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và chấm dứt thời kỳ thất bại liên tiếp trong thực thi các sứ mệnh của tổ chức quan trọng nhất hành tinh này mà nguyên nhân chính là quá nhiều nhiệm vụ trong điều kiện rất hạn chế về nguồn lực.

Các nhà phân tích của Mỹ và châu Âu đang lo lắng về tình trạng nhân khẩu học thay đổi không ngừng của châu Phi.

Vào năm 2034, lực lượng lao động ở châu Phi sẽ lớn hơn cả ở Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên, từ lâu đã có giả thuyết cho rằng các quốc gia châu Phi sẽ khai thác ưu thế nhân khẩu học thông qua phát triển ngành sản xuất và sử dụng lợi thế này để thúc đẩy phát triển như những gì đã diễn ra ở châu Á trong thế kỷ XXI.

Với tầm nhìn chiến lược, Mỹ và châu Âu có thể chung tay đưa tiếng nói của châu Phi đến các cuộc thảo luận quốc tế về tương lai việc làm nhằm tăng cường trợ giúp sợi dây kết nối giữa các thể chế giáo dục của châu Phi với nhu cầu thị trường lao động tương lai và khuyến khích tạo việc làm ở lục địa này như một phần hỗ trợ bổ sung đối với chương trình thương mại và phát triển.

Cuối cùng, châu Phi là khu vực địa lý mà vấn đề phòng ngừa xung đột chưa được quan tâm đúng mức do các nước, tổ chức khu vực, quốc tế đang bị phân tâm bởi giải pháp giảm thiểu và chấm dứt xung đột.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, vốn lo ngại gánh nặng tài chính của Mỹ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nên dành nguồn lực, kỹ năng và khả năng ngoại giao để tháo gỡ căng thẳng và thoát khỏi các xu hướng đáng ngại này.

Chính quyền Mỹ hiện không đánh giá cao các nhà ngoại giao, nên giải pháp phòng ngừa rất khó xảy ra. Do đó, sự hợp tác của Mỹ với các đối tác châu Âu lại càng trở nên quan trọng bởi chính quyền Mỹ vẫn chưa chọn đúng người, giao đúng việc nhằm huy động sức mạnh nội tại cần thiết để hoạch định các chiến lược phòng ngừa hiệu quả hoặc hướng tới đối thoại nhằm ngăn ngừa đối đầu.

Hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề hòa bình và ổn định ở châu Phi sẽ không có bất kỳ thành công nào nếu không có sự đồng thuận và tham gia của chính Lục địa Đen và coi các nước thành viên AU là những đối tác quan trọng để hoạch định và thực thi các chiến lược nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa xung đột trên lục địa này.

Các đối tác khác, trong đó có Trung Quốc, có thể thấy lợi ích riêng của họ trong đảm bảo hòa bình và an ninh châu Phi để có những đóng góp tương xứng bởi vấn đề hòa bình và an ninh châu Phi không chỉ liên quan đến hai bờ Đại Tây Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục