Theo AFP/Mạng tin eurasiareview.com, dịch COVID-19 bùng phát vào đúng thời khắc khó khăn đối với Triều Tiên, cả về kinh tế lẫn chính trị, và có lẽ dịch bệnh này đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Mặc dù Trung Quốc đã phần nào dừng thực thi các biện pháp trừng phạt, song tình hình kinh tế của Triều Tiên vẫn vô cùng khó khăn trong năm 2020.
Cũng như những nơi khác trên thế giới, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh quản trị của Triều Tiên. Các nguồn tin chính thức chỉ thừa nhận Triều Tiên có hàng nghìn trường hợp "bị nghi nhiễm."
Chính phủ đã đóng cửa một số trung tâm ở đô thị vào các thời điểm khác nhau khi đại dịch bùng phát. Gần đây, toàn bộ tỉnh Chagang đã bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế do việc đi lại giữa các chợ và thành phố bị ngăn chặn.
Không ai biết chính xác mức độ lây nhiễm của dịch COVID-19 ở Triều Tiên, nhưng tuyên bố của chính phủ rằng nước này không có ca lây nhiễm nào đã gây nên những câu hỏi.
Thiệt hại về kinh tế có thể cũng nghiêm trọng như thiệt hại về y tế. Đây phần lớn là do lỗi của chính phủ. Theo số liệu chính thức, việc Triều Tiên phong tỏa biên giới đã khiến trao đổi thương mại với Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng duy nhất của nước này - giảm xuống mức cực thấp, chỉ còn 1,6 triệu USD vào tháng 10/2020.
[Dự báo thế giới 2021: Chưa hết sóng gió với Triều Tiên]
Một số tin tức đã nói về tình trạng thiếu lương thực và giá cả thị trường tăng cao, phần lớn là do việc chính phủ đóng cửa biên giới.
Mặc dù có một lượng thương mại đáng kể tồn tại ngoài sổ sách, nhưng không chắc có thể đủ để bù đắp cho những tổn thất nghiêm trọng này. Trao đổi thương mại của Triều Tiên trong năm 2020 được cho là sẽ giảm 80% so với năm 2019.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh thương mại của Triều Tiên đã bị sụt giảm đáng kể trong năm 2019 do phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của quốc tế nhắm vào hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Đơn giản là nhà nước không có khả năng tự xử lý một đợt bùng phát lớn của dịch COVID-19. Chính phủ Triều Tiên thiếu các thiết bị y tế thiết yếu để tiến hành xét nghiệm và điều trị cho một tỷ lệ lớn dân số.
Bình Nhưỡng hoặc sẽ phải chấp nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài - điều mà Triều Tiên sẽ không làm do lo ngại về các hoạt động gián điệp và ảnh hưởng không tốt về ý thức hệ, hoặc phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về y tế vốn có khả năng sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Mặc dù dịch bệnh này có thể đã lây lan ra khắp cả nước, nhưng việc đóng kín cửa với bên ngoài giúp chính quyền có thể ngăn chặn phần nào mối đe dọa này.
Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới gây ra những thiệt hại nặng nề cho xã hội. Tình trạng đóng cửa được cho là đã gây ra sự khan hiếm nghiêm trọng về lương thực và các nhu yếu phẩm khác, làm giá cả tăng cao và gia tăng nguy cơ dẫn tới nạn đói.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục thúc đẩy việc nhà nước kiểm soát nhiều hơn nữa nền kinh tế - một tham vọng nhiều khả năng sẽ trở thành vấn đề nổi bật trong kế hoạch 5 năm mới sẽ được đưa ra tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên trong tháng 1/2021.
Mặc dù không có con số chính xác, song một phần đáng kể dân số Triền Tiên đang làm việc trong các lĩnh vực nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước. Việc nhà nước thúc đẩy quản lý kinh tế mang tính tập trung hơn có thể dẫn đến tình trạng chèn ép các thị trường và các khu vực bán tư nhân khác, gây tổn hại nghiêm trọng đến sinh kế của người dân bằng cách kìm hãm thương mại thị trường và kinh tế tư nhân.
Đồng thời, đây có lẽ là biện pháp duy nhất mà nhà nước Triều Tiên có thể thực hiện được, mà không phải thực hiện cải cách về cơ chế, vốn vẫn được cho là quá rủi ro về mặt chính trị. Bình Nhưỡng cần thu hút nhiều nguồn lực hơn từ dân chúng để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng từ các biện pháp chống dịch của chính chính phủ và thất thoát thương mại từ các lệnh trừng phạt.
Theo quan điểm của nhà nước Triều Tiên, đây là tất cả những chi phí mà công chúng - những người không có tiếng nói trong các hoạt động chính trị - phải gánh chịu vì lợi ích của việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Với tất cả những khó khăn mà nước này Triều Tiên phải đối mặt, năm 2020 có thể đi vào sử sách như một năm quan trọng đối với nước này. Ngay cả khi đối mặt với các lệnh trừng phạt hà khắc, biên giới hầu như luôn phải đóng cửa, thiên tai và một đại dịch mà tác động đầy đủ của nó vẫn chưa được biết hết, Bình Nhưỡng vẫn từ chối thay đổi quan điểm về vũ khí hạt nhân của nước này.
Các nhà hoạch định chính sách về vấn đề này thuộc về một tầng lớp chính trị riêng biệt, vốn ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hơn hầu hết dân số. Tuy nhiên, năm 2020 đã cho thế giới thấy giới tinh hoa Triều Tiên sẵn sàng buộc những người dân thường của họ phải hứng chịu cái giá đắt tới như thế nào.
Như mong muốn của Triều Tiên, có lẽ chính phủ Mỹ sẽ cho rằng, nếu quốc gia này đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp gây tổn hại tới hoạt động ngoại thương của mình để ngăn chặn dịch bệnh, thì rất khó có khả năng họ sẽ bị khuất phục trước áp lực trừng phạt và chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Điều này có thể mở ra một lộ trình cho các cuộc đàm phán thiết thực ở cấp chuyên viên dưới thời chính quyền Biden - có thể là về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí, trong đó quy định về việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa, để đổi lấy việc được nới lỏng trừng phạt, nhưng không yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong khi đó, hãng tin AFP trích lại thông tin của truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 7/1 rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết tăng cường các năng lực quân sự của đất nước trong ngày thứ hai Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài tuần trước khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Theo Cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), trong báo cáo công tác của ông Kim Jong-un trước Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên, ông cam kết sẽ nâng " năng lực quốc phòng của đất nước lên một tầm cao hơn, và đặt ra các mục tiêu để hiện thực hóa điều này."
Tuy nhiên, KCNA không đề cập tới vũ khí hạt nhân trong bản tin của mình hay cho biết thêm chi tiết về các mục tiêu của ông Kim Jong-un.
Ahn Chan-ill, một người từng đào tẩu khỏi Triều Tiên và hiện là nhà nghiên cứu của Viện Thế giới về Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói với hãng tin AFP: "Về cơ bản, điều đó có nghĩa là Triều Tiên sẽ tăng cường các năng lực hạt nhân của mình."
Nhà nghiên cứu này nói thêm: "Ông Kim Jong-un không muốn nhắc đến từ 'hạt nhân' vì ông Biden sẽ nhậm chức trong tháng này, và ông ấy biết quan điểm đối với Bình Nhưỡng của tổng thống Mỹ sắp nhậm chức sẽ cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm.
Ông Kim có thể không muốn chọc giận ông Biden ở thời điểm này. Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều đó là rất rõ ràng"./.