NHNN tiếp quản SJC: Thu về một mối, đỡ trăm bề

Tuần qua, thị trường vàng trong nước đón nhận khá nhiều thông tin điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ việc sở hữu vàng của người dân đến khả năng lưu thông các loại vàng khác nhau trên thị trường. Thông điệp gây bất ngờ nhất là tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: SJC sẽ trở thành nhãn hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Thông điệp này đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia và người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, lo lắng của các doanh nghiệp nắm giữ thương hiệu vàng miếng khác không phải là SJC.

Tuần qua, thị trường vàng trong nước đón nhận khá nhiều thông tin điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ việc sở hữu vàng của người dân đến khả năng lưu thông các loại vàng khác nhau trên thị trường. Thông điệp gây bất ngờ nhất là tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: SJC sẽ trở thành nhãn hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước.


Thông điệp này đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia và người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, lo lắng của các doanh nghiệp nắm giữ thương hiệu vàng miếng khác không phải là SJC.

Cần thiết đưa về một đầu mối

Trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội vào cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, thương hiệu vàng miếng SJC được lựa chọn là nhãn vàng của Ngân hàng Nhà nước. Khi điều kiện cho phép, nhãn vàng này sẽ được chuyển thành SBV.

"Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng. Vàng SJC sau một thời gian hoạt động đã chiếm tới 90% thị phần của các loại vàng miếng trên thế giới. Do vậy trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng, chúng tôi đã bàn với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất vàng miếng của SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới," Thống đốc khẳng định.

Theo Thống đốc, bằng việc này Nhà nước sẽ thực hiện được hai mục tiêu, một là Nhà nước độc quyền trong vấn đề sản xuất kinh doanh vàng miếng. Hai là, Nhà nước sẽ tiết giảm được các chi phí vì hiện nay có hàng trăm tấn vàng của chúng ta đã được dập ra nhãn hàng SJC và nhãn hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Để tiết giảm chi phí, Ngân hàng Nhà nước sử dụng luôn nhãn hiệu đó. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát thị trường vàng miếng.

Về giải pháp này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc làm này là cần thiết và phù hợp khi mà SJC đang chiếm tới 90% thị phần vàng miếng và như vậy sẽ giảm bớt được những chi phí không cần thiết khi phải chuyển đổi SJC sang một loại vàng mới.

Còn bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết: "Từ trước đến nay chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết thị trường vàng. Chúng tôi đã nhiều lần tham mưu lên Ngân hàng Nhà nước về quan điểm này. Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định sẽ là đơn vị độc quyền sản xuất và điều tiết kinh doanh vàng miếng là điều hợp lý. Bởi lẽ Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn là đơn vị 100% vốn nhà nước."

Bà Dung cho rằng, ở Việt Nam, do tâm lý người dân thích cất trữ vàng vật chất tồn tại lâu nay nên để ổn định nền kinh tế, chống vàng hóa cần thiết phải đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng vào quỹ đạo thống nhất do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải quản lý luôn khâu nhập khẩu và phân phối kinh doanh vàng miếng. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước độc quyền mà giao cho công ty độc quyền thì không nên. Do vậy, cần phải có một tổ chức của Nhà nước quản lý kinh doanh thương hiệu vàng quốc gia, lợi nhuận được đưa vào quỹ bình ổn thị trường vàng.

Một số chuyên gia kinh tế khác cũng đồng tình ủng hộ chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước và cho rằng sẽ tránh được độc quyền doanh nghiệp (kinh doanh vì lợi nhuận). Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản sẽ dễ dàng can thiệp thị trường khi giá biến động mạnh. Tiếp theo là giải quyết được cơ chế xin cho và cuối cùng là giám sát tốt chất lượng vàng miếng (tất cả đều gia công cho Ngân hàng Nhà nước và do cơ quan này kiểm tra chất lượng).

Tuy nhiên, các chuyên gia này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng nên nới điều kiện về sản xuất và gia công vàng miếng để các doanh nghiệp khác như Bảo Tín Minh Châu, SBJ, PNJ hay Agribank đều có thể gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước theo thương hiệu SJC chứ không nhất thiết chỉ riêng Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn. "Việc này sẽ phần nào giảm thiểu sự lãng phí và thiệt hại cho các doanh nghiệp đang sản xuất vàng phi SJC," ông Dương nói.

Người dân nên yên tâm

Việc SJC trở thành nhãn hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước đã khiến một số người dân mạnh tay hơn khi chọn mua vàng miếng thương hiệu SJC. Ngược lại, tình hình giao dịch tại các cửa hàng kinh doanh thương hiệu vàng khác đang diễn ra rất ảm đạm.

Theo một quan chức của Công ty vàng bạc Bảo tín Minh Châu cho biết, lượng người đến mua vàng tại đây đã giảm một nửa so với các ngày trước đó, dù rằng giá vàng của Bảo Tín Minh Châu vẫn thấp hơn nhiều so với vàng SJC. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Quan chức này cho biết, vàng Rồng Thăng Long đã bán cho người tiêu dùng Hà Nội nhiều năm nay, nếu lượng vàng ấy trong cùng một lúc mà người dân bán ra hết thì ảnh hưởng rất lớn đến lượng tiền mặt của doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp đã phải hạ giá mua.

Trước việc nhiều người dân đang rất hoang mang khi sở hữu các thương hiệu vàng miếng khác, ông Ánh đưa ra lời khuyên: “Lúc này, người dân nên bình tĩnh bởi dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố SJC trực thuộc Ngân hàng Nhà nước  thì vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi muốn bán vàng miếng thương hiệu khác SJC, ít ra cũng phải có một lộ trình thời gian thực hiện".

Ông Ánh dự đoán: "Việc đưa ra mức tỷ lệ khi quy đổi từ vàng miếng thương hiệu khác sang SJC cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước tính đến. Vì hiện nay, những doanh nghiệp khác, đơn cử như Bảo Tín Minh Châu họ đang đưa ra mức tiền chênh lệch thêm nếu khách hàng muốn đổi vàng Rồng Thăng Long sang SJC."

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Công ty vàng Agribank cho biết: Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp quản SJC cũng tốt cho việc điều hành thị trường vàng nhưng phải tổ chức hoạt động sao cho hợp lý. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nên hoạt động theo hướng mô hình phi lợi nhuận, hoạt động công ích chứ không vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận, khiến cho thị trường vàng phát triển không lành mạnh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên tổ chức thuê các doanh nghiệp có thương hiệu vàng khác làm gia công sản phẩm vàng. Như vậy sẽ tận dụng tối đa dây chuyền, công nghệ sản xuất vàng của các doanh nghiệp khác đồng nghĩa với việc nâng cao công suất sản xuất vàng SJC lên gấp 5 – 7 lần, tránh tình trạng khan hiếm vàng SJC.

Niềm tin và cả sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp vào một cơ chế quản lý mới mẻ, hiệu quả rõ ràng là có, vấn đề muôn thuở trong câu chuyện quản lý của chúng ta vẫn luôn là tổ chức thực hiện trên thực tế như thế nào để không đánh mất đi niềm tin quý giá đó./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam-Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể. Năm 2024, thương mại hai nước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Dự báo nguồn cung giảm, hồ tiêu được giá

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.