NHNN yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch

NHNN yêu cầu từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
NHNN yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch ảnh 1 Đoàn viên thanh niên công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) giúp bà con thu hoạch dưa hấu tại thông Vườn Tùng, xã Tiền Phong. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Đây được coi là động thái mới nhất của Ngân hàng trung ương trong hàng loạt các giải pháp nhằm chung tay cùng với doanh nghiệp, khách hàng.

Cắt giảm tối đa các loại phí

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đặc biệt là tại các địa bàn của các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly do dịch (như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...) nghiêm túc thực hiện đúng theo các chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19; chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

[Tìm giải pháp đưa các DN ở Bắc Ninh, Bắc Giang sớm trở lại hoạt động]

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Ngoài ra các tổ chức tín dụng tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn

Các tổ chức tín dụng cần hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngân hàng và khách hàng. Đặc biệt là khách hàng ở khu vực có dịch, vùng cách ly y tế không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn.

Mặt khác, có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng trên các địa COVID-19 theo quy định. Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vay vốn gặp khó khăn chưa trả được nợ vay do dịch COVID-19.

Các đơn vị thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý đối với các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly, phong tỏa (như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...): Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch COVID-19; trên cơ sở đó xây dựng kịch bản của ngành ngân hàng, chủ động có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách cần phản ánh ngay về Trung ương để được hướng dẫn, xử lý.

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021.

Theo Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp qua các giải pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, hệ thống và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia. 

Trên cơ sở đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện đồng thời giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021.

Đại diện Vietcombank cho biết đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình với tổng dư nợ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 398.223 tỉ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất 6 tháng đầu năm là 2.115 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, hiện một số ngân hàng thương mại cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19. Agribank vừa triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với lãi suất từ 6,5%-7%/năm. 

Khách hàng cá nhân ở khu vực đô thị có nhu cầu mua sắm, sinh hoạt sẽ được vay vốn đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh COVID-19 đồng thời nhằm hạn chế nạn tín dụng đen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục