Nhờ đâu Nhật Bản vượt Hàn Quốc tại đấu trường Đông Nam Á?

Trong khi Hàn Quốc đang cố gắng mở rộng vai trò của mình trong khu vực thông qua “Chính sách Hướng Nam mới”, Nhật Bản cũng tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh với khu vực.
Nhờ đâu Nhật Bản vượt Hàn Quốc tại đấu trường Đông Nam Á? ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí The Diplomat, trong những năm gần đây, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tìm cách gia tăng vai trò ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời tăng cường mối quan hệ với các quốc gia thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi Hàn Quốc đang cố gắng mở rộng vai trò của mình trong khu vực thông qua “Chính sách Hướng Nam mới” mà gần đây đã phát triển thành “Chính sách Hướng Nam mới mở rộng,” Nhật Bản cũng đang tiếp tục tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh với khu vực.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn về cách thức cũng như đề xuất của hai nước liên quan đến quan hệ đối tác ở khu vực Đông Nam Á. Theo như một cuộc khảo sát năm 2020 đối với 7 quốc gia đối tác bên ngoài, các nhà hoạch định chính sách khu vực coi Nhật Bản là đối tác an ninh đáng tin cậy nhất, trong khi Hàn Quốc được coi là quốc gia ít có khả năng trở thành “đối tác chiến lược ưu tiên và tin cậy nhất đối với ASEAN.”

Điều này gây khó hiểu vì hai lý do. Thứ nhất là bối cảnh lịch sử đầy khó khăn của Nhật Bản ở khu vực. Thứ hai, lợi ích của Hàn Quốc và Đông Nam Á có vẻ rất tương đồng, trong đó "Chính sách Hướng Nam Mới" được kỳ vọng sẽ giúp Seoul tránh bị cuốn vào cuộc cạnh tranh nước lớn.

Hàn Quốc đang mở rộng quan hệ quốc tế và đa dạng hóa quan hệ kinh tế thông qua việc tập trung một phần vào khu vực Đông Nam Á để nâng cao khả năng chống lại sự ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc. Về mặt trực quan, điều này sẽ tạo ra tiếng vang với các đối tác Đông Nam Á, những nước cũng có lợi ích trong việc quản lý rủi ro gây ra bởi chính trị cường quốc trong khu vực.

[Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản]

Mối quan hệ lịch sử của Nhật Bản và Hàn Quốc với Đông Nam Á rất khác nhau. Chính sách đối ngoại trước đây của Hàn Quốc luôn bị ảnh hưởng bởi tình hình bấp bênh của đất nước do việc vướng vào cuộc xung đột kéo dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc bị mắc kẹt giữa các cường quốc xung quanh. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng không hoàn toàn vắng mặt trong lịch sử khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, tác động của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á trước đây còn lớn hơn nhiều, với các cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nhật Bản ở khắp khu vực trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Lịch sử đầy khó khăn đó đã ngăn cản một chính sách đối ngoại tích cực hơn của Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến và hạn chế những phương tiện chính sách của Tokyo đối với khu vực Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ.

Lịch sử của hai quốc gia đối với khu vực Đông Nam Á cũng như các chính sách tương ứng của họ đối với khu vực này có rất nhiều khác biệt. "Chính sách Hướng Nam Mới" của Hàn Quốc thể hiện sự mở rộng tham vọng của nước này ở Đông Nam Á và Nam Á, nhưng sự hợp tác duy nhất của chính sách này trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh chỉ xoay quanh các vấn đề không gây tranh cãi như chống cướp biển.

Hàn Quốc không lợi dụng "Chính sách Hướng Nam Mới" như một công cụ để tăng cường quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng trực tiếp nhằm vào Trung Quốc, mà chủ yếu tăng cường hợp tác về an ninh phi quân sự, bao gồm chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ngay cả những lĩnh vực hợp tác này cũng đang nhường bước cho hợp tác kinh tế.

Mặc dù danh tiếng của Hàn Quốc như một đối tác an ninh trong khu vực còn thấp, nhưng việc tham gia vào các lĩnh vực khác dường như đã tác động tích cực đến uy tín của nước này. Minh họa khá rõ cho điều này là việc Samsung được coi là nhà phát triển 5G được ưa thích ở hầu như tất cả các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ ba nước.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Nhật Bản đối với hợp tác an ninh và quốc phòng trong Đông Nam Á cũng đối mặt với những hạn chế tương tự nhưng họ lại thành công hơn trong việc đáp ứng các lợi ích an ninh của Đông Nam Á.

Mặc dù Nhật Bản không thể tham gia nhiều vào hợp tác quốc phòng trực tiếp, một phần do lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, Tokyo đã sử dụng sự viện trợ có mục đích để can dự vào các nước Đông Nam Á.

Ví dụ, Nhật Bản tập trung vào việc tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển của các nước Đông Nam Á. Mặc dù các sáng kiến như thế này khá giống với sự hợp tác hạn chế mà Hàn Quốc đang đưa ra, nhưng cam kết hỗ trợ công nghệ và xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản sẽ giúp cải thiện khả năng thực thi chính sách hàng hải của các nước Đông Nam Á.

Những sáng kiến như thế này, mặc dù vẫn còn hạn chế, nhưng đã đáp ứng tốt các lợi ích an ninh của khu vực Đông Nam Á. Ngoài sự hỗ trợ an ninh hạn chế đó, Nhật Bản đang bắt tay với khu vực Đông Nam Á để đối trọng với Trung Quốc thông qua sự kết hợp của hỗ trợ công nghệ, kinh tế và ngoại giao.

Do đó, mặc dù không phải lúc nào Nhật Bản cũng được các nhà hoạch định chính sách khu vực coi là đối tác trong bất kỳ hợp tác an ninh toàn diện nào, nhưng Tokydo vẫn đóng một vai trò đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh cường quyền tại đây.

Không giống như chính sách đối trọng mềm của Nhật Bản, có vẻ như những nỗ lực của Hàn Quốc đang nhằm mục đích né tránh chính trị cường quốc. Tuy nhiên, một điều nghịch lý là có vẻ như sự liên kết chặt chẽ về lợi ích này lại là nguyên nhân lý giải tại sao các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á lại có xu hướng tiêu cực đối với quan hệ đối tác an ninh với Hàn Quốc.

Tình trạng bấp bênh của Hàn Quốc ở bán đảo Triều Tiên cũng như vai trò quan trọng của Trung Quốc trong vấn đề này đã hạn chế khả năng cũng như sự sẵn sàng của Hàn Quốc trong việc mở rộng hợp tác với Đông Nam Á.

Cả Hàn Quốc và các thành viên ASEAN đều không ở tư thế có thể đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Chính vì điều này, hợp tác với Nhật Bản mang lại lợi ích cho Đông Nam Á, vốn đã không được thể hiện rõ ràng như trong quan hệ đối tác với Hàn Quốc.

Nhật Bản có thể đóng vai trò như một đầu mối nêu ra các vấn đề vốn nhạy cảm đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc. Về điểm này, Nhật Bản với tư cách là một đối tác an ninh mang lại những lợi ích rất hữu hình cho các nước Đông Nam Á không muốn mạo hiểm đối đầu với một Trung Quốc đang ngày càng có ảnh hưởng.

Với các mối liên kết kinh tế và chính trị mạnh mẽ của khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc, việc Nhật Bản đi đầu trong việc thách thức Trung Quốc sẽ giúp khu vực này duy trì lối đi của riêng mình. Trong cuộc khảo sát năm 2020, khi được hỏi về việc ASEAN nên phản ứng như thế nào khi bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á đã trả lời rằng “ASEAN nên tăng cường khả năng phục hồi và đoàn kết để chống lại sức ép từ hai cường quốc.”

Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng đối với câu hỏi tương tự, chỉ có khoảng 14,7% những người được hỏi trong cuộc khảo sát lựa chọn giải pháp tìm kiếm các bên thứ ba để mở rộng không gian chiến lược của Đông Nam Á.

Có thể thấy, việc lựa chọn Nhật Bản làm đối tác đáng tin cậy nhất trong trường hợp phải lựa chọn bên thứ ba như vậy không có gì là đáng ngạc nhiên. Mặc dù tham gia vào các khuôn khổ hợp tác do Hàn Quốc đưa ra sẽ giúp mở rộng không gian chiến lược của Đông Nam Á, nhưng sự hợp tác như vậy không thể giúp cải thiện khả năng chống đỡ của khu vực trước sự cạnh tranh cường quyền.

Do đó, bỏ qua những hạn chế mang tính lịch sử đối với mối quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á, khả năng lớn hơn và sự sẵn sàng của Tokyo trong việc đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc dường như phù hợp với lợi ích của khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, những điểm tương đồng về lợi ích giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á lại làm suy yếu thay vì củng cố danh tiếng của Seoul như một đối tác an ninh của khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục