Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh không quá mạnh trong nửa cuối năm?

Trên thị trường chứng khoán, giá các mã cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6%-40% so với đầu năm và xuống dưới mức trung bình 5 năm trở lại đây.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh không quá mạnh trong nửa cuối năm? ảnh 1Các ngân hàng thương mại Nhà nước có mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lớn hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần. (Ảnh:Vietnam+)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có khả năng điều chỉnh giảm trong nửa cuối của năm 2022 khi rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản có thể xuất hiện từ năm 2023. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh sẽ không quá lớn trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự kiến vẫn tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.

Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành trong ngắn hạn được nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI chỉ ra trong báo cáo phân tích triển vọng đầu tư của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán.

Tăng trưởng lợi nhuận quân 26%-29%

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI chỉ ra những yếu tố định hình động lực của nhóm ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2022.

Trong đó, mức tăng trưởng tín dụng và huy động có sự chênh lệch lớn, cụ thể tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng ở mức 9,4% so với đầu năm (hay tăng 17% so với cùng kỳ), trong khi tăng trưởng huy động chỉ ở mức 4,5% so với đầu năm.

“Các ngân hàng thương mại Nhà nước có mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lớn hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần, vì họ có thể tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi từ Kho bạc nhà nước khi đầu tư công chưa có nhiều tiến triển,” bà Phương trao đổi.

Trên thị trường, lãi suất huy động đang tăng nhanh hơn dự kiến, theo đó lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý 2. Bên cạnh đó, thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng cho thấy đang phần nào chịu áp lực sau sự cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo báo cáo của SSI, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng lên 2,5% và lãi suất huy động của một số ngân hàng tăng trong khoảng 10 – 95 điểm phần trăm. Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất tiền gửi đã giảm dần trong tháng Năm và tháng Sáu, do các ngân hàng đã sử dụng gần như hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp trong nửa đầu năm.

Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã bình thường trở lại và xuống dưới 1%, thậm chí một số ngân hàng còn hạ lãi suất đối với các khoản tiền gửi có giá trị nhỏ vào cuối tháng Sáu. Với nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay cũng rục rịch nhích 1% - 2% so với đầu năm với các khoản giải ngân mới.

Về chất lượng tài sản, bà Phương cho rằng các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 dường như vẫn trong tầm kiểm soát. Cụ thể, tổng dư nợ các khoản vay tái cơ cấu vào cuối tháng Tư là 198 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,8% tổng tín dụng, giảm 24% so với đầu năm).  Thậm chí, các Ngân hàng Vietcombank (mã VCB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (mã BID) cho thấy dư nợ các khoản vay tái cơ cấu đã giảm với tốc độ nhanh hơn tốc độ chung của ngành (giảm lần lượt là 62% và 31% so với đầu năm).

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích của SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm của các ngân hàng có thể đạt bình quân khoảng 26% -29% so với cùng kỳ. Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 10,3% so với đầu năm hoặc tăng 18% so với cùng kỳ).

Giá cổ phiếu/giá trị sổ sách (P/B) và tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2023:

Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh không quá mạnh trong nửa cuối năm? ảnh 2Nguồn: SSI - * Kích thước bong bóng thể hiện tỷ trọng dư nợ của lĩnh vực bất động sản (so với tổng dư nợ)

Biên lợi nhuận ròng ổn định

Dự báo về nửa chặng cuối của năm, nhóm phân tích của SSI cho rằng biên lợi nhuận ròng của ngành có thể thấp hơn một chút so với 6 tháng đầu năm. Với năm 2023, lãi suất huy động nhiều khả năng vẫn chịu áp lực tăng trong 6 tháng đầu năm (CPI ước tính 5,2%) và dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm khi áp lực lạm phát giảm (CPI ước tính 3,4%).

Theo đó, biên lợi nhuận ròng dự báo sẽ tăng tại các ngân hàng STB, ACB, VPB và MBB và giảm tại các ngân hàng phụ thuộc vào các khoản vay liên ngân hàng.

“Biên lợi nhuận ròng trung bình của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dự báo sẽ ổn định ở mức 3,8% và cao hơn mức trước dịch COVID-19 là 3,5%,” bà Phương cho biết.

Về chất lượng tín dụng, mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm (do các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn cơ cấu) song báo cáo của SSI chỉ ra các ngân hàng lớn đã chuẩn bị cho tình huống này với bộ đệm rủi ro tín dụng tương đối vững chắc (như VCB, BID, ACB, MBB và TCB).

Tuy nhiên, mối quan tâm chính của giới phân tích là chất lượng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023.

Theo bà Phương, nếu số lượng các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới giảm đi cộng thêm các quy định đối với hoạt động cho vay của ngân hàng và điều kiện vay nước ngoài chặt chẽ hơn, có thể tác động đến vòng quay vốn và khả năng thanh khoản của các chủ đầu tư. Trên thực tế, khối lượng trái phiếu từ các công ty bất động sản và xây dựng phát hành trong 6 tháng qua đã giảm 53% so với cùng kỳ.

Hiện nay, các đợt phát hành trái phiếu thường có thời hạn từ 1-3 năm vì vậy phần lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024. Trong khi, các ngân hàng đang có dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, đầu tư bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp do các chủ đầu tư bất động sản phát hành ước tính lần lượt vào khoảng 9% và 2% tổng tín dụng cuối 2021. Thêm vào đó, các ngân hàng có thể chưa trích trước dự phòng cho các khoản vay này nhiều, giống như trường hợp các khoản vay tái cấu trúc do COVID-19 trước đây.

Trên thị trường chứng khoán, giá các mã cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6%-40% so với đầu năm và xuống dưới mức trung bình 5 năm trở lại đây.

“Năm 2023, SSI duy trì quan điểm thận trọng đối với lĩnh vực ngân hàng (xếp hạng trung lập) khi những rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản có thể xuất hiện,” bà Phương chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục