Nhu cầu sử dụng chế phẩm máu nhóm hiếm tăng đột biến trong năm 2023

Năm 2023, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã nhận được dự trù chế phẩm máu trong năm 2023 từ các cơ sở y tế lên đến 668 đơn vị nhóm hiếm. Số lượng này cao gần gấp đôi so với năm 2022.

Người dân tham gia hiến máu tại buổi Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người dân tham gia hiến máu tại buổi Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2023, nhu cầu máu và chế phẩm máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện khu vực phía Bắc đều tăng hơn khoảng 10% so với năm trước, chưa kể áp lực phải cung cấp máu cho khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng chế phẩm máu nhóm hiếm đã tăng đột biến.

Thông tin trên được Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đưa ra tại buổi Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023, diễn ra ngày 17/12, tại Hà Nội.

Năm 2023, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã nhận được dự trù chế phẩm máu trong năm 2023 từ các cơ sở y tế lên đến 668 đơn vị nhóm hiếm (gồm 414 đơn vị khối hồng cầu và 154 đơn vị khối tiểu cầu). Số lượng này cao gần gấp đôi so với năm 2022 (350 đơn vị nhóm hiếm) và cao chưa từng có so với trước đây.

Cao điểm nhất là từ sau Tết Nguyên đán đến giữa tháng Ba năm nay, chỉ trong 2 tháng, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã nhận được dự trù đề nghị cung cấp máu và chế phẩm máu nhóm hiếm là 180 đơn vị (bằng một nửa so với cả năm 2022), cả máu và tiểu cầu nhóm hiếm O Rh(D) âm đều cần nhiều hơn.

Để đáp ứng nhu cầu trên, lượng máu nhóm hiếm sẵn có chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu này, số còn lại viện phải huy động, gọi điện mời gọi người hiến máu nhóm hiếm. Đặc biệt, chế phẩm tiểu cầu chỉ có thời hạn bảo quản tối đa 5 ngày, nên viện cũng không thể dự trữ sẵn mà chỉ huy động khi có dự trù.

ong-que-6803.jpg
Tiến sỹ Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, việc hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (trung bình 70-90 phút một lần, trong khi hiến máu chỉ mất khoảng 5 phút). Do đó, việc huy động và đảm bảo được nguồn tiểu cầu nhóm hiếm càng khó khăn hơn. Có những thành viên chỉ vừa đủ thời gian hiến nhắc lại là được mời hiến lần tiếp theo ngay.

Trong danh sách những người hiến máu nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023, dù bất kỳ nghề nghiệp, công việc, độ tuổi nào nhưng điểm chung giữa họ là tinh thần luôn phải giữ sức khỏe để “lên đường làm nhiệm vụ” bất cứ lúc nào. Họ coi việc hiến máu, hiến tiểu cầu như là trọng trách, là trách nhiệm, là nhiệm vụ được thực hiện không kể ngày đêm, nên dù bận mấy cũng sẽ cố gắng sắp xếp đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương khi được gọi trợ giúp hiến máu.

Tiến sỹ Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) chia sẻ nhiều người nhóm máu hiếm đã không quản ngại đường xa, sẵn sàng đến hiến máu giúp bệnh nhân dù là sáng sớm hay đêm muộn. Nhiều người đã coi hiến máu như một việc làm thường xuyên, như một thói quen không thể bỏ… Chính sự nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đồng hành của người hiến máu đã giúp viện đảm bảo được nguồn máu vô cùng đặc biệt này.

gap-mat-3709.jpg
Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương biểu dương những người hiến máu nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, theo số liệu cập nhật mới nhất của Hội Truyền máu Quốc tế công nhận, có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Dựa trên sự có mặt hay vắng mặt của các kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu mà phân loại thành các nhóm máu khác nhau.

Hội Truyền máu Quốc tế quy ước một kháng nguyên nhóm máu hay kiểu hình (gọi tắt là nhóm máu) có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm.

Tần suất xuất hiện của nhóm máu và kiểu hình nhóm máu ở các chủng tộc, khu vực và các quốc gia rất khác nhau. Do đó, nhóm máu này có thể là hiếm ở người da trắng, nhưng chưa chắc đã hiếm ở người châu Á và ngược lại.

Việc xác định tỷ lệ các nhóm máu của người Việt Nam được thực hiện khá sớm, qua đó đã xác định được tỷ lệ các nhóm máu chính của hệ nhóm máu ABO và hệ Rh ở một số dân tộc và cộng đồng người Việt. Kết quả cho thấy một trong những nhóm máu hiếm thường gặp ở Việt Nam là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Trong khi đó, ở châu Âu, châu Mỹ, Australia… tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15%-40% dân số.

Tiến sỹ Trần Ngọc Quế chia sẻ, ở nhiều nơi, khi có ca cấp cứu nhóm máu hiếm thì người nhà chủ động đăng tải kêu gọi lên mạng xã hội hoặc gọi điện trực tiếp cho người có nhóm máu hiếm dẫn đến việc bị nhiễu thông tin, thông tin không chính thống được lan truyền. Có trường hợp thông tin được chia sẻ khi Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã nhận được dự trù, đã huy động người hiến máu và cung cấp đủ máu xong; nên khiến các thành viên Câu lạc bộ nhóm máu hiếm hiểu lầm là cần thêm. Hoặc bác sỹ chỉ thông báo rằng bệnh nhân có nhóm máu hiếm, có thể sẽ cần đến máu hiếm, thực tế là chưa có chỉ định truyền máu nhưng người nhà đã đăng thông tin kêu gọi hiến máu. Do đó, Viện Huyết học-Truyền máu không khuyến khích cộng đồng đăng tải thông tin cần máu hiếm lên mạng xã hội./.

(Vienam+)
Link bài gốc Copy link
null

Tin cùng chuyên mục