Những câu chuyện sống động về lịch sử của dân tộc

Những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc từ những năm cuối thế kỷ XIX đã được nhiều nhân chứng lịch sử tái hiện lại sống động.
Những năm tháng lịch sử hào hùng của toàn dân tộc từ những năm cuối thế kỷ XIX, hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ đất nước đã được tái hiện qua những câu chuyện sống động của nhiều nhân chứng lịch sử trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp tối 1/9.

Qua cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2010), diễn ra tại các điểm cầu: Hà Nội, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh… khán giả cả nước có dịp biết thêm nhiều điều về những cá nhân đã góp phần tạo nên lịch sử hào hùng của cả dân tộc, từ lãnh tụ kiệt xuất cho tới những người dân thường…

Tại điểm cầu trường quay S9 Đài truyền Việt Nam, giáo sư Sử học hàng đầu Việt Nam Đinh Xuân Lâm và phó giáo sư-tiến sĩ Sử học Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội) đóng vai trò dẫn chuyện và kết nối các điểm cầu.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã nói về quá trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau là Nguyễn Ái Quốc trong hơn 30 năm bôn ba ở khắp 5 châu và cuối cùng đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đó là kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với chủ nghĩa yêu nước...

Tại điểm cầu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng) - cái nôi của cách mạng Việt Nam đã tái hiện lịch sử cách mạng Việt Nam những ngày đầu gian khó. Nơi đây là nơi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chọn làm nơi xây dựng phong trào cách mạng đầu tiên khi Người trở về nước năm 1941. Đây cũng chính là nơi ra đời Mặt trận Việt Minh và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong 4 năm (1941-1945), cách mạng Việt Nam đã trưởng thành rất nhiều dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh mà người dân Cao Bằng quen gọi là “ông Ké,” “già Thu”…

Tân Trào (Tuyên Quang) là điểm cầu tiếp theo trong hành trình tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc trong 65 năm qua. Tân Trào là "Thủ đô kháng chiến," là nơi tổng chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945. Tân Trào cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, bước ngoặt lịch sử của dân tộc.

Đó là sự ra đời của Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước ta sau “Quốc dân đại hội” tán thành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, quyết định Quốc ca, Quốc kỳ, 10 chính sách Việt Minh...

Nói về sự kiện này, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã khẳng định đây là sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ và cặn kẽ của Hồ Chí Minh để bảo vệ chính quyền non trẻ, ứng phó với mọi khó khăn…

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa đã nổ ra ở Hà Nội với sự tham gia ào ạt của hàng vạn đồng bào Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, thắng lợi nhanh chóng, không đổ máu. Rừng cờ đỏ, sao vàng đã tràn ngập trên các đường phố Thủ đô Hà Nội vào mùa thu lịch sử đó cùng bài “Tiến quân ca” hùng tráng. Từ đó, tiếng “sấm” thành công ở Hà Nội đã khiến phong trào cách mạng sục sôi, bùng nổ trên khắp đất nước, từ Bắc chí Nam để giành độc lập dân tộc.

Điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh tái hiện không khí cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sau khi Hà Nội khởi nghĩa thành công với sự tham gia của hàng vạn đồng bào Sài Gòn và Nam Bộ; hân hoan phấn chấn đón nhận sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngay sau ngày đất nước giành độc lập, nhân dân Sài Gòn-Nam Bộ đã anh dũng đứng lên chiến đấu, bảo vệ nền độc lập, bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc”… Trong 9 năm chống thực dân Pháp và 30 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc, Nam Bộ đã anh dũng chiến đấu, trở thành “Thành đồng Tổ quốc.”

Điểm cầu Huế tái hiện hình ảnh chế độ phong kiến Việt Nam với vị vua cuối cùng Bảo Đại thoái vị.

Chỉ sau 15 ngày tiến hành, Cách mạng Tháng Tám đã hoàn toàn giành thắng lợi, trở thành cuộc cách mạng ít đổ máu, thương vong nhất trong lịch sử mà ý nghĩa vô cùng to lớn với sự ra đời của nước Việt Nam mới, độc lập, người dân được tự do, làm chủ đất nước.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới. Đất nước còn non trẻ nhưng đã phải bước vào cuộc trường chinh kéo dài 30 năm để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Ngày 30/4/1975, tức là sau 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Bản Tuyên ngôn độc lập,” quân và dân Việt Nam đã thực hiện được ước vọng độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, nhưng tư tưởng lớn lao của Người vẫn còn sống mãi, là kim chỉ nam soi sáng mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…/.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục