Những câu hỏi lớn chưa có lời đáp từ vụ nổ tại Liban

Mạng tin Arab News mới đây đăng bài bình luận về những câu hỏi chưa có lời giải đáp của người dân Liban liên quan tới vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut.
Những câu hỏi lớn chưa có lời đáp từ vụ nổ tại Liban ảnh 1Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau vụ nổ ở cảng Beirut, Liban, ngày 7/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng tin Arab News mới đây đăng bài bình luận về những câu hỏi chưa có lời giải đáp của người dân Liban liên quan tới vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut, nội dung như sau:

Mọi người đều biết ai kiểm soát các cảng, sân bay và biên giới quốc gia của Liban. Người dân Liban chắc hẳn cũng biết hàng trăm tấn vũ khí và chất nổ của Iran đã tiến vào nước này.

Phong trào Hezbollah có thói quen cất giữ vũ khí và thiết lập các vị trí quân sự của mình ở những khu vực đông dân cư, coi đó như lá chắn sống để chống lại các cuộc không kích tiềm tàng của Israel.

Không chỉ vậy, các lô hàng lớn chứa amoni nitrat do Hezbollah dự trữ đã được tìm thấy ở Đức trong năm nay và ở Anh vào năm 2015, cũng như được sử dụng cho các hoạt động của phong trào này ở Bulgaria, Thái Lan, Cyprus và nhiều địa điểm khác.

Những người dân Liban xứng đáng có câu trả lời cho một số vấn đề cấp bách của đất nước: Vì sao một tòa án Liban lại có thể ra lệnh tịch thu con tàu thuộc sở hữu của Nga chở đầy chất nổ đi từ Georgia đến Mozambique?

Tại sao quả “bom hẹn giờ” khổng lồ này lại được cất giữ ở cảng trung tâm thủ đô Beirut suốt 6 năm qua, trong một môi trường bí mật bất thường và bất chấp hàng chục lời cảnh báo gửi tới các cơ quan tư pháp và chính phủ? Và tại sao những người tiết lộ thông tin về công tác quản lý cảng Beirut lại bị bắt?

[Vụ nổ ở Beirut: Tổng thống Liban cam kết điều tra đến cùng các vụ nổ]

Ai là người gánh chịu chi phí không đáng có khi số hóa chất này được lưu kho ở vị trí đắc địa trong cảng của quốc gia? Tại sao các quan chức Liban trong vài ngày qua liên tục khẳng định đây là một lô hàng phân bón vô hại, trong khi mục đích sử dụng cuối cùng đã được xác nhận là nguyên liệu để chế tạo chất nổ?

Hezbollah có liên quan đến sự xuất hiện bí ẩn và cất giữ 2.750 tấn chất nổ này không? Liệu các vũ khí khác cũng được cất giữ tại địa điểm này hay những nhà kho ở cảng có thực sự nằm dưới sự kiểm soát của Hezbollah không?

Việc Tổng thống Liban Michel Aoun thừa nhận rằng mối đe dọa từ “quả bom hẹn giờ” này đã được nêu ra với cá nhân ông vào ngày 20/7 vừa qua là một bản cáo trạng đáng nguyền rủa về sự trì trệ của chế độ này.

Nếu như những gì ông Aoun nêu nghi vấn, có thể có bàn tay nước ngoài đứng sau vụ việc, vậy tại sao nhà lãnh đạo Liban không yêu cầu Liên hợp quốc tham gia điều tra? Cần phải có một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, trong đó tất cả các thông tin liên lạc nội bộ và các tài liệu được tiết lộ công khai.

Trong khi đó, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah kiên quyết phủ nhận sự liên quan của phong trào này khi cho rằng các thực thể đối lập với Hezbollah đã bắt đầu lan truyền thông tin dối trá rằng nhà kho này cất giữ vũ khí, tên lửa hoặc đạn dược…

Ông Nasrallah tuyên bố: “Hezbollah có lẽ biết rõ về những gì đang diễn ra tại cảng Haifa hơn là những gì xảy ra ở cảng Beirut.”

Điều này mâu thuẫn với Bộ Tài chính Mỹ, khi Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Giám đốc An ninh Wafiq Safa của Hezbollah vì đã kiểm soát cảng Beirut để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ma túy và vũ khí.

Với bản chất của những hoạt động này, không có gì ngạc nhiên khi ông Nasrallah kiên quyết phủ nhận mọi thông tin cáo buộc. Ngay cả khi Hezbollah không đóng vai trò gì trong việc cất giữ những chất nổ này, thì ít nhất phong trào này đã thất bại trong việc đưa ra những cảnh báo bất chấp tham vọng đóng vai trò là người bảo vệ Liban.

Liên quan tới lộ trình của con tàu chở số hóa chất này, Liban ban đầu không được coi là tuyến đường con tàu này đi qua, song thuyền trưởng tàu đã đột ngột thay đổi kế hoạch, dường như để chuyến đi trở nên có lợi hơn.

Tuy nhiên, ngay khi gặp khó khăn về mặt pháp lý, ông ta ngay lập tức từ bỏ con tàu và hàng hóa có giá trị của nó, mà không có bất kỳ nỗ lực rõ ràng nào để bán nó hoặc tìm cách thu hồi lại khoản lỗ của mình.

Nếu không bị mắc kẹt tại Beirut, liệu con tàu này có thể đến được Mozambique? Trong khi đó, cả cảng của Mozambique và Bộ Giao thông Vận tải của nước này đều không được thông báo về kế hoạch cập bến của con tàu theo quy định pháp lý.

Với vụ nổ xảy ra tại cảng Beirut, thuyền trưởng con tàu cần phải được dẫn độ để làm rõ ai thực sự đứng đằng sau con tàu.

Trong bài phát biểu của mình, thủ lĩnh Nasrallah đã dành phần lớn thời gian để xoa dịu người dân Liban đang tìm cách đổ lỗi cho Hezbollah về vụ nổ này.

Những sức ép ngày càng lớn khiến ông Nasrallah cảm thấy lo lắng, bởi lẽ quyền lực của Hezbollah phụ thuộc vào các nhân vật chủ chốt trong một xã hội bè phái đầy chia rẽ.

Hezbollah có lẽ đã nhận ra các dấu hiệu cảnh báo và thừa nhận rằng các nỗ lực thống trị Liban của phong trào này đã phản tác dụng, và vụ nổ thực sự đã làm người dân trở nên đoàn kết chống lại phong trào này và kéo Liban đến bờ vực sụp đổ.

Liban đang sụp đổ với tốc độ chóng mặt đến mức mọi người đều thấy rõ rằng chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể cứu được quốc gia này. Phong trào phản đối chính phủ đã lên đến cao trào cho đến khi xảy ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Liban.

Vụ nổ ở Beirut như giọt nước tràn ly làm bùng phát sự giận dữ mới trên toàn quốc, và chắc hẳn lần này không có gì có thể khiến sự phản kháng đó phải chùn bước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục