Hôm 28/10 vừa qua, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo sẽ mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử gây sốc của bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Quyết định này được đưa ra sau khi FBI thu được một chiếc máy tính xách tay tại nhà của một trong những phụ tá cao cấp của bà Clinton, Huma Abedin.
Cơ quan này đang điều tra chồng của Abedin, cựu đại diện bị thất sủng Anthony Weiner vì tội nhắn tin sex với một cô gái 15 tuổi, sau khi trang DailyMail.com tiết lộ những đoạn tin nhắn và hình ảnh liên quan đến vụ việc này.
Việc Abedin và Weiner dùng chung chiếc máy tính, và Weiner có tiếp cận được những thông tin mật do vợ mình lưu trữ không là mục tiêu cần điều tra.
Cuộc điều tra được mở lại đã dẫn đến rất nhiều câu hỏi như sau.
Tại sao ngay từ đầu FBI không kiểm tra chiếc máy tính dùng chung của Huma?
Hiện chưa rõ liệu FBI có yêu cầu các phụ tá của bà Clinton giao nộp các thiết bị điện tử cá nhân và dùng chung khi mở cuộc điều tra hồi tháng 7 năm 2015 hay không.
Trong một bản cung khai hồi tháng 6, Abedin cho biết đã thực hiện "phần lớn công việc" trên máy tính và điện thoại Blackberry.
Cô cho biết đã giao nộp hai máy tính xách tay, một điện thoại Blackberry và một số tập "tài liệu" trong căn hộ của mình cho luật sư khi được yêu cầu như một phần của vụ kiện do cơ quan giám sát bảo thủ Judicial Watch khởi kiện.
Trong bản báo cáo dài 47 trang sau đó, FBI nói rằng Abedin và những phụ tá khác đã dùng tài khoản email cá nhân khi di chuyển. Việc sử dụng điện thoại di động, điện thoại Blackberry và iPad đã được đề cập, nhưng báo cáo không nói gì đến máy tính cá nhân hay máy tính xách tay.
Một số thiết bị, bao gồm 13 điện thoại, không được giao nộp vì FBI "không thể xác định vị trí" của chúng.
Mới đây, John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho biết Abedin nhận được sự ủng hộ của toàn chiến dịch.
"Huma hoàn toàn và tự nguyện tuân thủ và hợp tác với cuộc điều tra. Cô ấy đã trả lời một cuộc thẩm tra kéo dài hàng giờ. Cô ấy đã giao nộp và cùng các luật sư của mình xem xét tất cả các email có thể có liên quan và nộp chúng cho cơ quan nhà nước và các điều tra viên."
"Chúng tôi chắc chắn cô ấy không làm điều gì đáng ngờ. Cô ấy tỏ ra hoàn toàn hợp tác. Đương nhiên là chúng tôi ủng hộ cô ấy," ông chia sẻ với tờ Daily Mail.
Có phải Weiner đã tiếp cận các email công việc của vợ mà không cần vượt qua rào cản an ninh?
Theo tờ New York Times, việc mở lại cuộc điều tra bê bối email này được thúc đẩy bởi các thanh tra đang điều tra vụ nhắn tin sex giữa Anthony Weiner và một cô gái 15 tuổi.
Họ đã tịch thu chiếc máy tính xách tay để phục vụ các mục đích điều tra của mình. Mục tiêu được xác định là liệu những thông tin mật do Abedin lưu trữ có thể được truy cập trên máy tính này không.
Tiết lộ thông tin mật cho bất cứ ai không có lý lịch tư pháp đủ điều kiện để xem chúng đươc coi là một tội với hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
Đây cũng là tội danh mà FBI đã xóa bỏ cho bà Clinton và các phụ tá hồi tháng Bảy trong báo cáo đầu tiên.
"Mặc dù chúng tôi đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng Ngoại trưởng Clinton hay các đồng nghiệp của bà cố tình vi phạm luật bảo vệ các thông tin mật, nhưng có thể thấy họ đã quá bất cẩn trong việc trao đổi các thông tin nhạy cảm và có tính bí mật cao," Giám đốc FBI James Comey phát biểu tại thời điểm đó.
Ông nói thêm rằng mặc dù có bằng chứng cho thấy "có khả năng vi phạm" nhưng FBI đã chọn không khởi tố.
FBI đã thực sự làm gì khi điều tra máy chủ bí mật lần đầu tiên?
FBI đã tiến hành điều tra các email của bà Clinton vào tháng 7/2015 sau khi bà hủy 30.000 email mà bà nói là thư cá nhân trước khi giao nộp bất cứ thứ gì cho Bộ Ngoại giao theo yêu cầu vào năm 2014.
Tiết lộ rằng bà đã sử dụng một máy chủ cá nhân bí mật để gửi cả email cá nhân và email liên quan đến công việc được đưa ra sau đó, và làm dấy lên những câu hỏi về cách bà xử lý các thông tin mật.
Gần một năm sau, bà đã tham gia một cuộc thẩm tra tự nguyện vào ngày 2/7, và báo cáo kết luận được đưa ra 3 ngày sau đó. Abedin đã được thẩm tra hồi tháng 4/2016.
Trong bản báo cáo 47 trang, FBI đã đề cập đến việc tịch thu điện thoại và iPad để phục vụ điều tra, nhưng không nói gì đến các thiết bị cá nhân.
Một số điện thoại bị các trợ lý của bà Clinton tiêu hủy bằng búa sau khi bà kết thúc hợp tác với họ không bao giờ được tìm thấy.
Khi công bố quyết định không khởi tố ai như là kết quả của cuộc điều tra hồi tháng 7, Comey cho biết FBI đã thực hiện một cuộc tìm kiếm vất vả với hàng chục nghìn email trên nhiều máy chủ khác nhau.
"Ngoài công tác kỹ thuật, chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều người, từ những người có liên quan đến việc thiết lập và duy trì các vòng lặp trên máy chủ cá nhân của Ngoại trưởng Clinton, tới những nhân viên mà bà trao đổi email cùng, những người liên quan đến việc tạo lập email cho chính phủ và cuối cùng là cả bà Ngoại trưởng," ông cho biết.
FBI không chính thức đóng vụ án nhưng đã rút các đặc vụ chủ chốt khỏi vụ việc và đưa ra báo cáo kết luận cùng các tài liệu liên quan đến các cuộc thẩm tra đã được thực hiện.
Comey thừa nhận ông đã xếp vụ việc vào loại "đã hoàn thành" trong bức thư gửi Quốc hội hôm thứ Sáu vừa qua.
Máy chủ của bà Clinton hiện đang ở đâu?
Máy chủ và 33.000 email đã bị xóa có thể chưa hoàn toàn mất hẳn.
Hồi đầu tuần, tờ New York Post đã trích dẫn các báo cáo "mới công bố" của FBI trong đó mô tả làm thế nào một công ty tư nhân được giao nhiệm vụ bảo mật máy chủ có thể biết các thông tin này đang ở đâu.
Mặc dù ban đầu các email này được cho là đã bị "tẩy trắng" bằng việc dùng phần mềm đặc biệt, nhưng tờ Post khẳng định những email bị xóa được lưu trong tập tin dùng để chuyển thư từ máy chủ tới các phụ tá của bà Clinton và tới luật sư của bà.
Platte River Networks, công ty được đề cập ở trên có thể vẫn truy cập được vào các email này.
Google cũng có thể có câu trả lời, bởi một số email cá nhân của bà Clinton đã được chuyển tới một địa chỉ email của Google do một trợ lý lập ra. FBI không gửi trát hầu tòa cho Google trong cuộc điều tra đầu tiên.
Máy chủ gốc, do bà Clinton lập vào năm 2009 và lưu trữ trong tầng hầm của mình được cho là đã được "điều chỉnh lại" thành một trạm làm việc cho các nhân viên của bà tại Chappaqua.
Máy chủ được dùng sau 2 tháng đầu tiên được sao lưu bởi một máy chủ đám mây của một công ty tên là Datto, mà theo tờ Post, chưa hề nhận được trát hầu tòa của FBI.
Ai đã gửi những email mới, ai đã nhận chúng, và có bao nhiêu email như vậy?
Thứ Bảy vừa rồi, hãng tin Fox News cho biết có "hàng chục nghìn" email trên máy tính. Một quan chức nói rằng số email được phát hiện lên tới "năm chữ số."
Không email nào được trao đổi trực tiếp giữa Abedin và bà Clinton, nhưng có thể đã được chuyển tiếp tới các tài khoản không được bảo mật.
Điều đáng lo ngại là liệu những email này có bị truy cập từ những tài khoản không được bảo vệ này không.
Theo thông tin của Justice Watch hồi tháng 9/2009, Abedin đã gửi một email trao đổi với bà Clinton vào tài khoản Yahoo cá nhân của mình để in ra.
Liệu điều này có nghĩa là các phụ tá cấp cao của bà Clinton có những máy tính cá nhân khác chưa được điều tra không?
Hiện không rõ các phụ tá của bà Clinton được yêu cầu nộp ra bao nhiêu thiết bị điện tử để phục vụ điều tra. Việc những thiết bị này có được kiểm tra hay không cũng rất mù mờ.
FBI từ chối trả lời các câu hỏi về những tài liệu bầu cử mà cơ quan này yêu cầu chiến dịch của bà Clinton giao nộp, cũng như không tiết lộ việc có hay không ý định tịch thu tất cả các thiết bị cá nhân từ các trợ lý của bà Clinton.
Hôm 28/10, bà Clinton cho biết không ai trong nhóm tranh cử của bà được biết là cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Bà đề nghị FBI chia sẻ bất cứ thông tin mới nào cơ quan này thu được để đảm bảo sự minh bạch.
FBI sẽ công bố kết quả điều tra trước cuộc bầu cử?
Comey không nói cuộc điều tra mở lại này sẽ kết thúc vào lúc nào. Bản thân ông cũng đã nhận nhiều chỉ trích khi công khai quyết định này chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử.
Tuy nhiên trong một bản ghi nhớ gửi cho các nhân viên, ông cho biết đã lựa chọn tiết lộ quyết định này để không "lừa gạt người dân Mỹ."
"Tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải làm như vậy bởi những tháng vừa qua tôi đã liên tục nói rằng cuộc điều tra đã hoàn tất. Tôi cũng nghĩ rằng người dân Mỹ sẽ hiểu lầm nếu chúng tôi không bổ sung hồ sơ. Đồng thời, tôi cũng không muốn tạo ấn tượng xấu dù chúng tôi không biết tầm quan trọng của những email mới được phát hiện này."
Việc công bố này có phải là quá trễ trong việc gây ảnh hưởng lên kết quả bầu cử?
Hơn 12 triệu người đã bỏ phiếu bầu cử hôm thứ Sáu trước khi Comey tuyên bố quyết định mở lại cuộc điều tra với Quốc hội. tức là chiếm khoảng 10% tổng số phiếu. Tuần trước, bà Clinton đã thống trị số phiếu các bang Arizona, Iowa và Nevada.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bà Clinton trở thành tổng thống và FBI tìm thấy một "bằng chứng quả tang"?
Nếu bà Hillary Clinton trúng cử vào ngày 8/11 trước khi FBI hoàn thành cuộc điều tra,cơ quan này vẫn có quyền tiếp tục công việc. Nếu họ tìm thấy bằng chứng chống lại bà và quyết định khởi tố, bà có thể phải đối mặt với phiên luận tội.
Đây không phải lần đầu tiên gia đình bà Clinton phải đối mặt với vấn đề này.
Ông Bill Clinton cũng đã bị luận tội hồi năm 1999 sau khi bị buộc tội khai man và cản trở công lý trong vụ bê bối với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Bà Clinton đã sát cánh bên ông trong suốt vụ việc.
Bill Clinton là tổng thống thứ hai trong lịch sử nước Mỹ phải đối mặt với luận tội sau tổng thống Andrew Johnson năm 1868.
Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 trước khi phải đối mặt với việc luận tội do dính líu đến vụ bê bối Watergate.
Abedin có thể sẽ phải đối mặt với việc bị truy tố?
Nếu FBI thu thập được thông tin bảo đảm việc khởi tố, Abedin có thể sẽ bị khởi tố với bất cứ tội danh nào bị cáo buộc.
Không giống như Cheryl Mills, một phụ tá có thâm niên khác của bà Clinton được Bộ Tư pháp cho phép miễn trừ trong cuộc điều tra, Abedin có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc.
Hiện Abedin vẫn chưa bị buộc bất cứ tội danh nào, và việc mở lại cuộc điều tra cũng không có nghĩa là cô đã phạm bất cứ tội nào. Đây chỉ là bằng chứng cho thấy FBI đã lại có hứng thú với vụ việc do những thông tin mới được thu thập.
Tội tiết lộ thông tin mật được xác định bởi luật Hoa Kỳ như sau:
"Bất cứ ai biết và tự nguyện trao đổi, cung cấp, hay bằng cách nào khác truyền những thông tin này cho cá nhân không có thẩm quyền, hay công bố, hay sử dụng thông tin này để gây tổn hại cho sự an toàn hay lợi ích của nước Mỹ hay vì lợi ích của chính phủ nước ngoài nhằm phương hại đến nước Mỹ bằng các thông tin mật về bản chất hay cách sử dụng bất cứ loại mật mã hay hệ thống mã hóa nào của nước Mỹ hay bất cứ chính phủ ngoại quốc nào."
Người phạm tội sẽ phải chịu bồi thường hoặc 10 năm tù giam hoặc cả hai hình phạt này./.