Những cú hích để hệ thống y tế tư nhân bứt phá ngoạn mục

Sự tham gia tích cực của hệ thống y tế tư nhân trong công tác khám chữa bệnh đã góp phần nâng số giường bệnh/10.000 dân từ 23,56 năm 2011 lên khoảng 29 giường/vạn dân/2018.
Những cú hích để hệ thống y tế tư nhân bứt phá ngoạn mục ảnh 1Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân góp phần làm giảm tải tại các bệnh viện công lập. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không có tình trạng nằm ghép giường bệnh, thời gian chờ khám chữa bệnh nhanh, thời gian bác sỹ tư vấn cho bệnh nhân kỹ lưỡng, kéo dài… đó là những lợi thế mà các bệnh viện tư nhân đang thu hút được nhiều bệnh nhân đến với họ.

Tại các thành phố lớn, y tế tư nhân đang đóng một vai trò rất quan trọng, chia sẻ gánh nặng quá tải bệnh viện cho các bệnh viện công.

Những cuộc bứt phá ngoạn mục

Hiện nay, đầu tư tư nhân được khuyến khích trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế, từ sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị đến đào tạo, tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh… Tuy nhiên, lĩnh vực y tế được tư nhân đầu tư nhiều vẫn là đầu tư phát triển cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo thống kê gần đây nhất của Bộ Y tế, cả nước có 1.365 bệnh viện (chưa kể các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý), với tổng số 253.447 giường bệnh theo kế hoạch; 339.313 giường bệnh theo thực kê và gần 500.000 công chức, viên chức y tế. Hằng năm, ngành y tế đã khám trên 158 triệu lượt người và điều trị nội trú cho trên 27 triệu lượt người.

Sau 9 năm thi hành Luật Khám, chữa bệnh, y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng. Cùng với hệ thống bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân cũng phát triển nhanh. Nếu như vào năm 2011 có 102 bệnh viện tư nhân và bán công với 5.822 giường bệnh thì đến nay đã có 248 bệnh viện tư nhân với 21.048 phòng khám chuyên khoa, trên 15.475 giường bệnh.

Những năm qua, với sự tham gia tích cực của hệ thống y tế tư nhân trong công tác khám chữa bệnh đã góp phần nâng số giường bệnh/10.000 dân từ 23,56 năm 2011 lên khoảng 29 giường/vạn dân/2018 (bao gồm cả giường lưu của trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, giường điều trị của các đơn vị y tế dự phòng), trong đó giường bệnh viện công lập đạt khoảng 27 giường bệnh kế hoạch/10.000 dân.

Y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng qua các năm. Năm 2018, 2019 tiếp tục thu hút sự tham gia của khu vực y tế tư nhân, một số cơ sở y tế tư nhân có quy mô được thành lập mới.

Điển hình là các bệnh viện như: Bệnh viện Nhi Đức Tâm, Đăk Lăk (50 giường bệnh), Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tại Gia Lai (100 giường bệnh), Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng (180 giường bệnh), Bệnh viện Phương Châu Sa Đéc (50 giường bệnh), Bệnh viện Đa khoa Medlatec với một loạt cơ sở mới tại Hà Nội…

Trong năm 2018 Bộ Y tế đã duyệt chủ trương thành lập mới 16 bệnh viện tư nhân, tổ chức xét phân tuyến và phân hạng tương đương cho 219 bệnh viện tư nhân.

Những cú hích để hệ thống y tế tư nhân bứt phá ngoạn mục ảnh 2Bệnh viện tư nhân trang bị phòng mổ Hybrid cùng nhiều thiết bị hiện đại, đáp ứng các yêu cầu cao trong phẫu thuật. (Ảnh: CTV)

Theo ông Bùi Văn Xuân - Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), trên địa bàn Thủ đô có hơn 3.600 cơ sở hành nghề y và hơn 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập.

Tại một tỉnh miền núi như tỉnh Yên Bái y tế tư nhân cũng có những bước chuyển mình và phát triển nhanh. Hiện tại, Yên Bái có 201 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; trong đó có 1 bệnh viện, 8 phòng khám đa khoa, 163 phòng khám chuyên khoa và 26 dịch vụ y tế.

Những năm qua, Yên Bái đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Các cơ sở y tế tư nhân trải rộng trên toàn địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.

Những “cú hích” hỗ trợ y tế tư nhân

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích và tạo điều kiện cho y tế ngoài công lập phát triển, từ chỗ chỉ có hệ thống các cơ sở y tế công lập trước năm 1990, đến nay hệ thống y tế Việt Nam bao gồm y tế công lập và ngoài công lập.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) nhấn mạnh, y tế công lập giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không làm được hoặc ít có điều kiện tham gia như y tế dự phòng, y tế công cộng, điều trị các bệnh xã hội, hiểm nghèo, phục vụ đại trà mọi đối tượng, ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn đều có cơ sở y tế để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, y tế ngoài công lập đóng vai trò bổ sung, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Những cú hích để hệ thống y tế tư nhân bứt phá ngoạn mục ảnh 3Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát huy thế mạnh của tư nhân, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách xã hội hóa công tác y tế, khuyến khích tư nhân đầu tư, đặc biệt đầu tư ở phân khúc cao, theo yêu cầu, tiến tới phát triển mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh trong và ngoài nước.

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, những năm qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch đầu tư mới bệnh viện với quy mô hàng nghìn giường, kỹ thuật hiện đại, một số tỉnh đã có bệnh viện quốc tế do tư nhân đầu tư, nhưng vẫn là con số ít, chưa tương xứng với tiềm năng của xã hội. Mặc dù y tế tư nhân phát triển khá nhanh trong thời gian gần đây nhưng quy mô còn khiêm tốn so với ngành nghề khác.

Bà Hằng chỉ rõ, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất đây là ngành nghề có điều kiện, người hành nghề phải có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, chịu sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ về quy trình chuyên môn của các cơ quan chức năng, trong khi hệ thống y tế công mạnh thì hệ thống tư sẽ ít phát triển hơn.

Trong thời gian qua, nhiều chính sách của Chính phủ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển hệ thống y tế, cho phép hợp tác công tư để kêu gọi đầu tư, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về chăm sóc sức khỏe.

Chính vì vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập được phép hợp tác với các nhà đầu tư, vay vốn của các tổ chức tín dụng, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, cùng quản lý, vận hành và khai thác; được huy động vốn, vay vốn để thành lập các đơn vị hạch toán độc lập nhằm tăng thêm năng lực cung ứng dịch vụ y tế cho xã hội, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu nhiều giải pháp để thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn.

Để thúc đẩy nhà đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào ngành giảm tải cho hệ thống y tế công, phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng cho rằng trước hết, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong đó y tế tư nhân là một bộ phận cấu thành của hệ thống y tế nói chung và cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển y tế tư nhân trên cơ sở phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và quy định của pháp luật.

“Muốn phát triển y tế tư nhân thì ngoài các chủ trương còn cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích, đặc biệt với các loại hình dịch vụ không vì lợi nhuận và doanh nghiệp nhỏ vì lợi nhuận. Trên thực tế lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không phải là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư do khả năng sinh lợi thấp và có nhiều rủi ro. Cùng với chính sách khuyến khích, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ y tế tư nhân, nhất là y tế tư nhân tại các vùng nghèo, vùng khó khăn, tuyến cơ sở,” bà Hằng phân tích.

Đặc biệt, bà Hằng cho rằng cần tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ với các mô hình y tế tư nhân hoạt động không vì lợi nhuận như chính sách thuế, hỗ trợ vốn, đất đai… để tạo điều kiện để các cơ sở này được tiếp cận đầy đủ những chương trình vay vốn kích cầu, đặc biệt với những cơ sở có chuyên khoa sâu, trang bị các thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Đối với những cơ sở y tế không vì lợi nhuận trên các địa bàn khó khăn, địa bàn tiềm ẩn nhiều dịch bệnh cần được chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước về trang thiết bị, đất đai, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Có như vậy mới hạn chế mặt tiêu cực của y tế tư nhân, khuynh hướng chạy theo lợi nhuận, đồng thời phát huy những mặt tích cực của y tế tư nhân trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong công tác quản lý, cần đổi mới cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, kỹ thuật cao, dịch vụ theo yêu cầu.

Đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, sau 9 năm thi hành Luật Khám chữa bệnh, hệ thống khám, chữa bệnh y học hiện đại, y học cổ truyền đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình công, tư và kết hợp công – tư phong phú, đa dạng.

Những cú hích để hệ thống y tế tư nhân bứt phá ngoạn mục ảnh 4Người dân chờ làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhờ hệ thống cơ sở y tế tư nhân phát triển mà người dân có nhiều lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, để tạo sự bình đẳng giữa khu vực y tế nhà nước và khu vực y tế tư nhân, công tác thanh tra chuyên ngành về y tế cần chú trọng thanh tra các cơ sở y tế của nhà nước hơn nữa thay vì chỉ chú trọng đến khu vực y tế tư nhân. Trong quá trình thanh tra khu vực y tế nhà nước, nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thì phải kịp thời xử lý nghiêm minh, tránh nể nang, xử phạt nhẹ, xử phạt mang tính chất hình thức.

Đặc biệt, nhằm phát triển kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu của người dân, ngành y tế cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho cơ sở y tế tư nhân được tham gia các khóa đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức và trao đổi, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến giữa cán bộ y tế công với các cơ sở y tế tư nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục