Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX ngày 8/12, nhiều đại biểu băn khoăn về chính sách thu nhập tăng thêm, đồng thời đặt ra yêu cầu cần siết chặt quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhức nhối quảng cáo thẩm mỹ lừa người dân
Liên quan đến tình trạng nhiều trường hợp biến chứng, tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra trên địa bàn, nhiều đại biểu cho rằng, phẫu thuật thẩm mỹ là một nhu cầu lớn và Thành phố Hồ Chí Minh là một mảnh đất màu mỡ cho việc kinh doanh ngành nghề này... Thế nhưng, việc quản lý, đặc biệt là ngăn ngừa các sai phạm bảo đảm an toàn cho người dân, đang đặt ra nhiều nhiều vấn đề. Chỉ trong tháng 10/2019 đã có 4 ca tai biến, trong đó có 2 ca tử vong.
Từ thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề với các ngành về hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ? Vì sao nhiều tiệm spa dù không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn thực hiện và thậm chí mở lớp dạy nâng mũi, cắt mí, tiêm filler cho phụ nữ? Tại sao các phòng khám thẩm mỹ không phép, các cơ sở spa không có chức năng vẫn dễ dàng quảng cáo một cách rầm rộ trên mạng Internet? Cách xử lý tình trạng này ra sao, liệu có đủ sức răn đe hay chưa?
[Thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh hoạt động dịch vụ thẩm mỹ]
Trao đổi với các đại biểu, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, trong công tác quản lý lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, ngành y tế đưa ra những tiêu chí phân loại các bệnh viện thẩm mỹ (15 bệnh viện), hàng năm đều đánh giá và công khai thông tin để người dân biết và lựa chọn. Trong số đó, có 3 bệnh viện đạt mức trung bình, 6 bệnh viện đạt trung bình khá, 6 bệnh viện đạt khá, chưa có bệnh viện nào đạt mức độ tốt.
Sở Y tế cũng đánh giá hàng năm với 183 cơ sở, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và công khai để người dân biết. Công tác xử phạt, được Sở thực hiện kiên quyết. Vừa qua, sau một số trường hợp tai biến xảy ra, Ủy ban Nhân dân thành phố đã yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý lĩnh vực này, với sự phối hợp của nhiều ngành, từ khâu cấp phép, quản lý, xử lý vi phạm...
“Sai sót trong phòng khám thẩm mỹ hầu như là ở khâu quảng cáo, quảng cáo trên mức thực tế để lừa gạt bệnh nhân, đây là vấn đề nhức nhối ngành hiện nay. Vừa qua Sở Y tế đã phối hợp với Sở Thông tin truyền thông gỡ 2 bảng quảng cáo. Ngành cũng đang phối hợp với công an để xử lý những trường hợp phức tạp hơn”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết.
Đại diện Sở Y tế thành phố cũng cho biết thêm, lâu nay với các cơ sở spa, phun xăm, thêu da, Bộ Y tế chỉ quy định đăng ký kinh doanh tại phòng kinh tế, y tế của quận, huyện, sau đó báo cáo lên Sở Y tế. Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 cơ sở spa, trong đó có 99 trường hợp liên quan đến phun xăm, tuy nhiên việc quản lý các cơ sở này vẫn chưa chặt chẽ. Do vậy, ngành y tế đã kiến nghị Bộ Y tế có thêm quy định để quản lý chặt hơn những cơ sở này.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề. Các đơn vị kinh doanh loại hình thẩm mỹ nên cử nhân viên đi học để có hiểu biết cơ bản về vệ sinh, tránh nhiễm trùng, cũng như kỹ năng sơ cứu cần thiết khi có sự cố xảy ra.
Nâng cao hiệu quả công việc
Chính sách thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54 Quốc hội được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2018 đã góp phần tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trong việc nâng cao hiệu quả công việc. Việc đánh giá cán bộ, công chức viên chức làm cơ sở vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh với nhiều nội dung mới, nâng tiêu chí đánh giá, phân loại, gắn việc đánh giá phân loại với sự hài lòng của người dân trong thực hiện các dịch vụ hành chính công.
Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng có rất nhiều ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung cách đánh giá, phân loại cán bộ mà Ủy ban Nhân dân thành phố mới ban hành, trong đó áp dụng nguyên tắc “tỉ lệ mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 50% số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị” đối với những người đang được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Đại biểu đề nghị cần xem lại quy định này để làm sao động viên cán bộ làm tốt hơn, chứ không khéo lại gây dư luận thiếu sự đồng tình.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú cho rằng, vai trò “thuyền trưởng” của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong một đơn vị rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chung. Tuy nhiên, với quy định chỉ 50% lãnh đạo được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là chưa ghi nhận công sức của cán bộ quản lý, gây tâm tư cho cán bộ quản lý, ảnh hưởng chất lượng công việc trong thời gian tới. Vì vậy, bà Tú đề nghị, có thể xem xét một đơn vị có tỷ lệ nhất định đạt mức xuất sắc, chứ không nên xét trên số cán bộ quản lý.
Về vấn đề này, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố lý giải, việc điều chỉnh này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị. Cụ thể, năm 2018, thành phố bắt đầu triển khai chính sách thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành hướng dẫn đánh giá công chức, viên chức để làm cơ sở chi thu nhập tăng thêm. Đánh giá của năm 2018 cho thấy, mức độ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc chiếm tỷ lệ cao.
Để đánh giá sát hơn, đúng với kết quả, hiệu quả công việc của cán bộ công chức, viên chức, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quả công tác và tỷ lệ hài lòng của người dân, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành quy định, hướng dẫn phân loại mới và được áp dụng từ quý III/2019 với tiêu chí phân loại chặt chẽ hơn, khắt khe hơn so với quy định cũ, đảm bảo người được đánh giá kết quả đạt được phù hợp với mức độ công tác của mình.
Ví dụ, việc đánh giá người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gắn với sự hài lòng của người dân; lãnh đạo tập thể quản lý chỉ được 50% đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bởi vì trong thực tế có nhiều trường hợp những người lãnh đạo dễ được phân loại mức độ cao nhất, trong khi kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mình có những mặt còn tồn tại. Trong khi đó, những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải thật sự tiêu biểu, trong đó có 20% khối lượng công việc hoàn thành vượt mức thời gian theo quy định./.