Những đề xuất cho các doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, rất nhiều đề xuất đã được doanh nghiệp nêu ra, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ vay vốn và tiêm vaccine để doanh nghiệp vực dậy trong bối cảnh đại dịch.
Những đề xuất cho các doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hỗ trợ vay vốn, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, ưu tiên tiêm cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và logistics; tạo điều kiện di chuyển, lưu thông hàng hóa… là mong mỏi của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp hiện nay.

Qua khảo sát về tình hình "sức khỏe tài chính" của hơn 21.500 doanh nghiệp trong cả nước, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết rất nhiều đề xuất, kiến nghị đã được doanh nghiệp nêu ra, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ vay vốn và tiêm vaccine để doanh nghiệp vực dậy.

Quan tâm đến các gói hỗ trợ trực tiếp

Trong tổng hợp của Ban IV, nhóm doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 đưa ra nhiều kiến nghị hơn cả.

Liên quan đến các gói, chính sách hỗ trợ trực tiếp, doanh nghiệp thuộc nhóm này phần lớn kiến nghị vào các vấn đề thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng với việc đề xuất các chính sách liên quan theo hướng nhà nước hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp trả lương cho người lao động phải tạm nghỉ do dịch; đôn đốc, kiểm soát tốc độ giải ngân để gói hỗ trợ đến được với người dân và doanh nghiệp nhanh nhất có thể; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng thương mại cho phép khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ của tất cả các khoản nợ phát sinh từ cuối năm 2021 ít nhất 6-12 tháng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh và dòng tiền; giảm lãi suất cho vay (2%) đối với dư nợ vay hiện tại của doanh nghiệp trong thời gian giãn cách; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn doanh nghiệp mới quay trở lại hoạt động; đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng hoạt động và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó là đề xuất giảm các chi phí điện, nước, nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phí thuê kho bãi trong ít nhất 6 tháng; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, tránh để xảy ra tình trạng đầu cơ, gom hàng sau dịch; khoản đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian vay để trả lương cũng cần được tạm hoãn chi; miễn hoặc giảm 75% tiền thuê đất nhà nước cho các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; giảm (50%) thuế giá trị gia tăng; xây dựng các gói vay phù hợp với từng loại hình, quy mô doanh nghiệp; giảm (đề xuất 50%) phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp vận tải trong 18 tháng; miễn giảm thuế xuất nhập khẩu trong 6 tháng để bù đắp chi phí duy trì sản xuất, qua đó tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp đang duy trì sản xuất mong muốn được vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn nộp lãi và nợ gốc.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều phối ngân hàng thương mại giảm lãi vay mới cho doanh nghiệp từ 3-5%, gia hạn thời gian trả nợ gốc; có biện pháp thiết thực, quyết liệt và nhanh chóng để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi; nâng mức cho vay từ 70% lên 85% giá trị tài sản thế chấp.

Doanh nghiệp cũng đề xuất ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện tại, tái cấp vốn cho vay để duy trì hoạt động, đặc biệt là khu vực sản xuất; cung cấp thêm các giải pháp để doanh nghiệp huy động vốn từ cộng đồng nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cho vay vốn lãi suất 0% đối với những doanh nghiệp sản xuất vẫn phát sinh doanh thu không thuộc các doanh nghiệp nằm trong nhóm nợ xấu; ưu tiên sử dụng vốn vay vào việc đầu tư thiết bị máy móc và mua nguyên vật liệu...

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, để duy trì và đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất cần tập trung các giải pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, tránh để bị phạt do chậm cung ứng hoặc bị hủy đơn hàng, mất khách hàng, mất thị trường và theo đó khó phục hồi sau dịch.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn (như mô hình "vùng xanh" kinh tế) để doanh nghiệp tùy đặc điểm tình hình có thể chủ động, linh hoạt lựa chọn và áp dụng, khi việc duy trì mô hình "3 tại chỗ" kéo dài quá tốn kém và không giữ chân được người lao động do các vấn đề về tâm lý, đời sống.

Những đề xuất cho các doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch ảnh 2Bố trí nơi ăn ngủ tại chỗ cho công nhân ở lại nhà máy để phòng dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Trường hợp xuất hiện ca F0 trong doanh nghiệp, y tế địa phương cần có quy trình xử lý rõ ràng để nhanh chóng hướng dẫn doanh nghiệp, hỗ trợ bóc tách, tránh để lây lan thành ổ dịch lớn và cũng cần làm rõ các trường hợp doanh nghiệp được phép duy trì một phần hoặc toàn phần hoạt động sau khi đã bóc tách F0, hoặc làm rõ điều kiện cụ thể và thời gian để có thể mở cửa trở lại.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp chỉ có khả năng thực hiện "3 tại chỗ" trong vài tuần, bởi trụ sở công ty không đủ lớn để bố trí đủ chỗ ăn, ngủ nghỉ cho nhân viên. Ngoài ra, việc nhân viên không được về nhà thăm gia đình, hay có việc đột xuất cần giải quyết, nhất là những nhân viên có con cái còn đi học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người lao động.

Khi chính quyền kiểm tra vận hành "3 tại chỗ," cần linh hoạt tùy theo mô hình doanh nghiệp, chẳng hạn với ngành nông nghiệp, việc yêu cầu lắp camera trong thời gian giãn cách là bất khả thi.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị về "vùng sản xuất xanh" và các hướng đi mới: Cơ sở nào ở "vùng xanh" an toàn thì cho phép đơn vị đó hoạt động sản xuất bình thường; chính quyền tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn hoạt động phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh khác theo mô hình "sản xuất xanh" hoặc "2 địa điểm 1 con đường"... nhằm giảm tải áp lực cho doanh nghiệp trong việc lo chỗ ăn nghỉ của người lao động; làm rõ các điều kiện của "người lao động xanh," "doanh nghiệp xanh," "nơi ở xanh"... để xây dựng các mô hình hoạt động, biện pháp quản lý và đánh giá y tế tương ứng.

Áp dụng các biện pháp giãn cách phù hợp quy mô doanh nghiệp

Về công tác phòng, chống dịch, các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kiến nghị, cần có sự phân loại theo quy mô doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp giãn cách phù hợp; có cơ chế cho phép doanh nghiệp chủ động xét nghiệm cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đảm bảo nguồn cung dụng cụ xét nghiệm với giá sản xuất hoặc trợ giá; thường xuyên đánh giá các mặt tích cực và tiêu cực của các giải pháp phòng, chống dịch hiện nay để kịp thời điều chỉnh và thay đổi, đồng thời tính toán, chuẩn bị các phương án "sống chung với dịch," cải thiện hệ thống giám sát y tế, năng lực y tế, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch để linh hoạt các giải pháp.

[COVID-19: Khu vực xây dựng, dịch vụ-du lịch ảnh hưởng nặng nề nhất]

Theo nhóm doanh nghiệp này, nên áp dụng công nghệ dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để đảm bảo các chính sách hỗ trợ người dân được chính xác và hiệu quả; có thể sử dụng mã QR để kiểm soát việc hỗ trợ người dân cũng như kiểm soát quá trình tiêm chủng hiện nay; có cơ chế huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào quá trình tiêm chủng để đẩy nhanh tốc độ phủ vaccine; khoanh hẹp "vùng đỏ," mở rộng dần "vùng xanh" để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất đề nghị Bộ Y tế ủng hộ chủ trương hình thành các cơ sở y tế, trạm y tế tại các doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp và hướng dẫn các cơ sở y tế trong doanh nghiệp danh mục vật tư y tế, thuốc điều trị cần thiết cho bối cảnh phòng, chống dịch, tập huấn và nhân rộng phác đồ điều trị F0 tại nhà thành điều trị F0 tại cơ sở y tế của doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp và gắn kết với phác đồ của các cơ sở y tế cấp cao hơn; tích hợp phần mềm khai báo y tế, di biến động dân cư… để tạo thuận lợi cho người dùng, tránh gây ùn ứ nghiêm trọng các điểm khai báo; tận dụng các công cụ IT để giảm bớt thủ tục.

Những đề xuất cho các doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch ảnh 3Công nhân sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)

Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ và Bộ Công an nghiên cứu cơ chế tích hợp dữ liệu liên quan tới tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo, tầm soát y tế... và cho phép các địa phương, doanh nghiệp được kết nối, sử dụng các dữ liệu thứ cấp nhằm quản lý và phân loại người lao động theo các thang đánh giá mức độ an toàn trong dịch bệnh để có biện pháp quản trị, ra quyết định phù hợp.

Liên quan đến quá trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết các nhóm doanh nghiệp này mong muốn đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và logistics; tiêm cuốn chiếu và có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm vaccine được đi làm kết hợp với việc yêu cầu doanh nghiệp duy trì các biện pháp quản trị an toàn.

Tăng tốc tiêm chủng tối đa bằng mọi nguồn lực để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, phấn đấu đạt tỷ lệ phủ vaccine trên 70% để phục hồi kinh tế, sản xuất xuất khẩu. Cân đối, phân phối, sử dụng nguồn vaccine đang còn ít một cách hợp lý, giảm tỷ lệ phân phối cho các tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn, đặc biệt là các vùng nông thôn có mật độ dân số thấp và nhanh chóng phê duyệt vaccine Nanocovax của Việt Nam để chủ động tăng nguồn vaccine; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vaccine.

Quan tâm đến vấn đề di chuyển và lưu thông hàng hóa, các doanh nghiệp đề xuất cấp, sử dụng thống nhất mã QR trong quản lý đi lại, vận chuyển trên toàn quốc thay vì mỗi tỉnh, thành lại phát sinh các loại hình giấy phép khác nhau như hiện nay và không có giá trị sử dụng khi di chuyển liên tỉnh; hỗ trợ tối đa cho hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu; thống nhất từ trung ương đến từng địa phương về phương án đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Các địa phương cần liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau, tránh việc "ngăn sông cấm chợ cục bộ"; thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công văn hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải về luồng xanh, về phương pháp chấp thuận xét nghiệm nhanh COVID-19…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục