Việt Nam có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh nhờ bề dày văn hóa gắn với truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng thể hiện qua nhiều danh thắng, di tích, lễ hội trên phạm vi cả nước.
Một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút du nhiều khách trong các dịp lễ hội như chùa Hương (Hà Nội); Yên Tử-Cửa ông (Quảng Ninh); Bái Đính (Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế), Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt), chùa Giác Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh)...
Chùa Hương
Hương Sơn (Chùa Hương) là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng thuộc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Thanh Sơn, Tuyết Sơn... xen lẫn với rừng núi, hoa lá cỏ cây mà còn được tôn vinh bởi Hương Sơn nằm trong cái nôi văn hóa đặc sắc, với các phong tục, nếp sống sinh hoạt đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Hương Sơn còn là một nơi có bề dầy lịch sử: lịch sử hoạt động của nghĩa quân chống Pháp; lịch sử cách mạng và kháng chiến; một địa điểm khảo cổ học; một vùng quê có truyền thống cần cù, dũng cảm; một vùng rừng núi ở giữa là đồng bằng, với nhiều đặc sản quý...
Hằng năm, lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Điểm đến đầu tiên của hành trình trẩy hội chùa Hương là đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, một ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi bên bìa phải của dòng suối Yến, cách bến đò khoảng 500m.
Tiếp đến là Chùa Thiên Trù. Chùa có kết cấu hài hòa từ tam bảo, tiền đường đến nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách... Đứng giữa sân chùa có thể cảm nhận được sự tráng lệ, kỳ vĩ của cảnh chùa, núi non. Từ chùa Thiên Trù rẽ phải là hành trình đến động Hương Tích. Lối lên động quanh co, được phủ trắng bởi hoa đại.
Nhìn bên ngoài, động như một cái hàm rồng khổng lồ, thênh thang và sâu hun hút. Bên trong động nổi tiếng và linh thiêng là hòn thạch nhũ lớn có tên Đụn Gạo, và có dòng sữa mẹ ngày đêm tí tách rơi nhỏ giọt, làm cho không khí trong hang lúc nào cũng mát lạnh.
Không khí mát lạnh cùng với những nhũ đá “long lanh như gấm dệt” làm cho Hương Sơn xứng tầm với tên gọi “kỳ quan” của tạo hóa. Tiếp đến là chùa Giải Oan, một trong những địa điểm đáng chú ý trong quần thể Hương Sơn.
Chùa được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Trong chùa có một cái giếng, nước giếng trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện đã dùng để tắm, tẩy sạch bụi trần trước khi vào cõi Phật, nên người đời gọi giếng này là giếng Giải Oan.
Cứ vào dịp Tết đến, xuân về, hàng triệu Phật tử cùng du khách trong và ngoài nước lại trảy hội-hành hương về nơi tâm linh đất Phật, dự lễ hội chùa Hương, làm cho nơi đây nhộn nhịp xứng danh là “lễ hội vui nhất trời Nam.”
Năm 2017, lễ hội chùa Hương đón khoảng 1,3 triệu lượt khách (trong đó, có khoảng 7.800 lượt khách nước ngoài). Dự kiến, năm nay lễ hội sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách đến lễ chùa và du lịch.
Yên Tử (Quảng Ninh)
Núi Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, hiện còn lưu giữ một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với sự ra đời, hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, nhưng vẫn chứa đựng được những nét độc đáo của Việt Nam. Vì vậy, Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Từ Yên Tử giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng ra khắp vùng Đông Bắc...
Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, chùa, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật và đặc biệt là hang đá Bảo Sái nơi Thiền tổ Trần Nhân Tông ngồi thiền và viên tịnh năm 1308.
Những giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của khu di tích đã đưa Yên Tử trở thành một chốn linh thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.
Hằng năm lễ hội Yên Tử thường diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch và thu hút không chỉ các phật tử mà cả hàng triệu du khách thập phương về dự lễ hội. Trong mùa lễ hội 2017, Yên Tử thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách đến tham quan và sinh hoạt tín ngưỡng.
Năm nay với những thay đổi về cảnh quan và công tác tổ chức, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đón tiếp khoảng 2 triệu du khách đến với Yên Tử.
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính thuộc tỉnh Ninh Bình, là một quần thể chùa lớn được tạo dựng với những nét kiến trúc cổ kính, cùng phong cảnh thiên nhiên đẹp của một miền kinh đô cổ. Không những vậy, đây còn là ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hằng năm, chùa mở vào đầu xuân, đón hàng triệu khách thập phương về dự.
Chùa Bái Đính được xây dựng với hai khu đó là khu chùa Bái Đính cổ và khu chùa Bái Đính mới. Chùa Bái Đính cổ được xây dựng vào khoảng hơn 1000 năm trước, dưới thời nhà Lý. Ngôi chùa cổ nằm trên một ngọn núi cao 187 m, là nơi lưu giữ nhiều sự tích, giai thoại về Đức Thánh Nguyễn Minh Không - người đã xây dựng nên ngôi chùa này.
Ngôi chùa cổ nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía Nam, được xây dựng theo kiến trúc chùa cổ phổ biến ở Ninh Bình. Để lên thăm khu chùa cổ phải trải bước qua 300 bậc đá, qua cổng Tam quan ở lưng chừng núi. Khu chùa Bái Đính mới được khởi công xây dựng năm 2003, nằm lưng chừng núi, cạnh bên là thung lũng rộng lớn với rất nhiều hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía Tây của Cố đô Hoa Lư.
Chùa Bái Đính có 8 kỷ lục được công nhận, đó là: Tượng Phật 100 tấn (ở trong điện Pháp Chủ) bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á; Tượng Phật Di lặc nặng 100 tấn (ở ngoài trời) bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; là quần thể khu chùa rộng nhất Việt Nam với diện tích 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện phật giáo...
Chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam - đó là chuông đồng Đại hồng chung, nặng 36 tấn trong Tháp Chuông; Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam - giếng xây hình mặt nguyệt, có đường kính 30m, độ sâu của nước là 6 m và nước không bao giờ cạn; Khu chùa có hành lang La Hán dài gần 3km - dài nhất châu Á; Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, với 500 bức tượng La Hán bằng đá nguyên khối cao từ 1,5m đến 2m; Ngôi chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, cách thành phố Huế 5km về phía Tây. Đây là một ngôi chùa được xây dựng sớm nhất và nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên-Huế.
Chùa Thiên Mụ cũng giống như kiến trúc của nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, nhưng đặc biệt chùa Thiên Mụ có ngôi tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng. Tháp hình khối bát giác, mỗi tầng có một cửa cuốn đặt tượng Phật, tầng trên cùng đặt 3 pho tượng Phật được đúc bằng vàng ròng (ngày nay tượng bằng vàng đã bị mất, thay vào đó là ba pho tượng khác).
Chùa Thiên Mụ còn có Đại Hồng Chung cao 2,5m, đường kính 1,4m và nặng trên 3 tấn và bia đá được dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1715) cao 2,6m; rộng 1,2m đặt trên lưng con rùa lớn bằng cẩm thạch.
Ngũ Hành Sơn
Hành Sơn hay còn gọi là Non nước nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía Đông Nam, sát bên bờ biển Đông.
Xưa Ngũ Hành Sơn có nhiều tên gọi khác nhau nhưng đến đầu thế kỷ thứ 19 thì tên gọi Ngũ Hành Sơn được giữ cho tới ngày nay.
Ngũ Hành Sơn là quần thể 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Trong đó, Thủy Sơn là ngọn đẹp nhất. Danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động đẹp kỳ ảo.
Đây cũng là địa điểm có rất nhiều chùa, trong đó có 2 ngôi chùa nổi tiếng được sắc phong Quốc tự thời nhà Nguyễn là chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng.
Đến với hang động Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ bắt gặp nhiều bia đá cổ cách đây hàng trăm năm như: bia "Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được khắc năm Canh Thìn (1640); bia "Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệt lạc” khắc năm Tân Tỵ (1641)… Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật có giá trị lịch sử đang được bảo tồn tại đây...
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Một trong ba Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Thiền viện tọa lạc trên núi Phụng Hoàng, thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt.
Thiền viện Đà Lạt được xây dựng năm 1993 và đến năm 1994 thì hoàn thành. Khuôn viên thiền viện rộng 25ha, trong đó 2ha là diện tích xây dựng thiền viện, được chia làm 4 khu: Khu vực ngoại viên; Khu tịnh thất Hòa thượng; Khu hòa thượng viện trưởng; Khu nội viên Tăng và khu nội viên Ni.
Đứng trong khuôn viên Thiền viện, khách hành hương nhìn ra ngoài sẽ thấy hồ Tuyền Lâm và rừng thông bạt ngàn đong đưa trước gió.
Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Lâm được xây dựng từ năm 1744, tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở đất Gia Định-Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay. Trải qua hàng trăm năm, chùa có nhiều tên gọi khác nhau như: Chùa Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm.
Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là tiêu biểu cho lối kiến trúc chùa Nam Bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ tam gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau có 98 cột chống đỡ. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, thếp vàng công phu.
Giữa các hàng cột là các cửa võng, cũng được thếp vàng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu... Chính điện là kiểu nhà dân gian truyền thống, một gian hai chái, với bốn cột chính gọi là tứ trụ.
Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan được xây dựng năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Toàn chùa có 38 tháp được xây dựng đầu thế kỷ XIX, với kỹ thuật xây dựng tinh xảo trong việc dùng chất kết dính bằng hỗn hợp vôi, đường, ô dước...
Phong cách nghệ thuật trên các tháp mang yếu tố dung hợp các luồng văn hóa giữa các cộng đồng tộc người đang sống cộng cư ở Nam bộ. Trong chùa hiện lưu giữ 118 pho tượng, trong đó có 113 pho tượng cổ.../.