Những điều bạn nhất định phải biết trước và sau khi tiêm filler

Tiêm filler là thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật, giúp xóa nếp nhăn, giảm các dấu hiệu lão hóa, cải thiện khuyết điểm trên khuôn mặt và mang lại vẻ ngoài trẻ trung, tươi tắn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty images)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty images)

Từ 25 tuổi trở đi cơ thể bắt đầu vào quá trình lão hóa và làn da bị ảnh hưởng đầu tiên. Từ làn da căng mịn đến da giảm đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn.

Ngoài ra, khi tuổi càng tăng lên mỡ bắt đầu tích tụ, di chuyển đến nơi không mong muốn. Mỡ phần mặt, nhất là phần hai má tăng lên, trong khi cơ vùng má teo lại, da bị chảy xệ xuống, dẫn đến nếp nhăn và dấu hiệu tuổi già. Ngoài ra, collagen và elastin mất đi khiến da mất đàn hồi, kéo dãn ra do trọng lực.

Lúc này, nhiều chị em bắt đầu tìm đến nhiều biện pháp để lấy lại vẻ đẹp căng bóng cho làn da. Và tiêm filler là một phương pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn có nên tiêm filler để làm đẹp không? Nó có tác dụng phụ gì không?

1. Tiêm filler là gì?

Tiêm filler là thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật, được thực hiện bằng cách đưa chất làm đầy vào vùng da cần điều trị. Cách này giúp xóa nếp nhăn, giảm các dấu hiệu lão hóa, cải thiện khuyết điểm trên khuôn mặt và mang lại vẻ ngoài trẻ trung, tươi tắn.

Quy trình tiêm filler chỉ kéo dài khoảng 30 phút và phục hồi khá nhanh. Khách hàng có thể nhìn thấy kết quả sau tiêm filler ngay lập tức và duy trì từ 12-18 tháng, tùy vào loại chất làm đầy, vị trí tiêm.

Filler có nhiều loại khác nhau. Trong đó có axít hyaluronic (HA) là chất dạng gel tự nhiên có trong cơ thể, thường được sử dụng để chăm sóc da và các vùng đầy đặn như má, nếp nhăn ở mắt, môi và trán.

Canxi hydroxylapatite (CaHA) là chất làm đầy ít phổ biến bao gồm các hạt canxi siêu nhỏ lơ lửng trong gel. Nó được khuyên dùng để điều trị các nếp nhăn sâu hơn trên da do thành phần đậm đặc hơn so với chất làm đầy axít hyaluronic.

Poly-L-lactic là loại axít phân hủy sinh học kích thích sản xuất collagen hơn là mang lại hiệu quả làm đầy tức thì. Tăng sinh collagen mang lại độ săn chắc cho da, giảm sự xuất hiện của nếp nhăn. Tác dụng của việc tiêm axít poly-L-lactic có thể kéo dài ít nhất 2 năm, khiến nó trở thành một lựa chọn chất làm đầy bán vĩnh viễn.

tiem filler4.jpg
(Nguồn: Getty images)

Polymethylmethacrylate (PMMA) gồm collagen và microspheres giúp làm đầy đặn da. Tuy nhiên, do các vấn đề và biến chứng tiềm ẩn về lâu dài, nó không được các chuyên gia thẩm mỹ ưa chuộng và không được cấp phép sử dụng ở một số quốc gia.

Ghép mỡ tự thân là sử dụng mỡ của chính người đó. Mặc dù được coi là an toàn nhưng cấy ghép mỡ tự thân ít phổ biến hơn do hiệu quả thấp hơn so với chất làm đầy bán tự nhiên.

2. Tác dụng của tiêm filler

HA có khả năng giữ rất nhiều phân tử nước quanh nó, nhờ đó giúp da căng bóng. Khi da bị khô, mất nước sẽ trở nên nhăn nheo, có nếp nhăn li ti. Ngoài ra, HA ở trong lớp bì có tác dụng tái tạo mô. Chính vì vậy, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận cho HA là thành phần chính của các chất làm đầy để tiêm vào các vùng thiếu hụt thể tích, trẻ hóa da.

Vì vậy, tiêm filler có tác dụng tăng thể tích cho vùng da được tiêm và khắc phục tình trạng chảy xệ.

Nó giúp làm đầy các khuyết điểm và giúp khuôn mặt cân đối hơn.

Tiêm filler còn khắc phục các nếp nhăn trên khuôn mặt, trả lại vẻ ngoài trẻ trung; căng bóng da và thon gọn gương mặt.

3. Tiêm filler có gây biến chứng không?

Phần lớn các chất làm đầy, đặc biệt là những chất có chứa HA, được coi là an toàn vì chúng có thể được cơ thể hấp thụ một cách tự nhiên.

Bản chất filler thường không phải là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân (trừ những người có cơ địa dễ mẫn cảm), mà kỹ thuật tiêm mới là yếu tố thường gặp gây nên biến chứng sau tiêm.

Nếu kỹ thuật tiêm của người thực hiện không đúng, sai vị trí hoặc lượng filler sử dụng để làm đầy không phù hợp với vùng da điều trị cũng có thể gây biến chứng.

tiem filler3.JPG
(Nguồn: Getty images)

Và cũng giống như hầu hết các phương pháp điều trị khác, tiêm filler cũng có một số tác dụng phụ thường gặp như đỏ da, sưng tấy, đau nhức, bầm tím, cảm giác ngứa ngáy, phát ban.

Ngoài ra, tiêm filler cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ hiếm gặp như hoại tử da; nhiễm trùng vùng tiêm, thậm chí là lan sang các khu vực bên cạnh, nặng nhất là nhiễm trùng máu; rò rỉ filler ở tại vị trí tiêm; xuất hiện khối u nhỏ, các nốt sần xung quanh vị trí tiêm, có thể cần phải phẫu thuật để cắt bỏ; u hạt, là một loại phản ứng viêm với filler.

Filler có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác; gây chấn thương, tắc mạch máu mạch máu; mờ mặt hoặc thậm chí là mù mắt do tiêm filler vào các động mặt truyền máu cho mặt làm ngăn chặn lưu lượng máu nuôi mắt.

4. Những đối tượng nào nên cân nhắc tiêm filler?

Tiêm filler được khuyến khích cho những người mong muốn cải thiện vẻ đẹp tự nhiên và sự hài hòa trên khuôn mặt. Chúng đặc biệt thích hợp cho những bệnh nhân có khiếm khuyết về gương mặt muốn có nét đẹp tự nhiên, dáng mũi thanh tú, cằm thon gọn.

Những người không may có mũi to, sống mũi gồ ghề, gãy, muốn có sống mũi thẳng, cao hơn cho nhìn hài hòa với gương mặt.

Người có các nếp nhăn dần hình thành trên trán, bọng mắt, khóe mắt... tiêm filler để tạo lại nét thanh xuân cho gương mặt.

Người mong muốn có một đôi môi căng mọng.

Những trường hợp muốn làm đẹp nhưng lại không muốn động đến dao kéo.

Thích hợp với những người bận rộn và không có nhiều thời gian thực hiện các thủ thuật hay phẫu thuật phức tạp.

tiem filler5.jpg
(Nguồn: Getty images)

5. Những lưu ý trước khi tiêm filler

Tuy rằng tiêm filler lên khuôn mặt thường không gây nguy hiểm nghiêm trọng nhưng bạn nên lưu ý những điều dưới đây để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.

Những người có nhu cầu làm đẹp nên tìm đến chuyên gia hoặc các bác sỹ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hành nghề và có kinh nghiệm lâu năm, có uy tín để được tư vấn tiêm filler.

Thực hiện thủ thuật tiêm filler tại các cơ sở y tế uy tín, các bệnh viện thẩm mỹ lớn được cấp phép hoạt động thay vì các phòng khám tư nhân được quảng cáo tràn lan trên Internet.

Khách hàng cần hỏi kỹ các thông tin về loại filler sắp sử dụng. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại filler được rao bán trên Internet.

Bạn cần nhận thức rõ về các rủi ro và tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng filler.

Thông báo với bác sỹ về các bệnh lý hoặc tiền sử bệnh lý mà bản thân mắc phải, cũng như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng. Một số thành phần trong các loại thuốc đó có thể ảnh hưởng lên tính chất cũng như tác dụng của filler.

tiem filler6.jpg
(Nguồn: Getty images)

6. Lưu ý sau khi tiêm filler

Để đảm bảo một ca tiêm filler an toàn và thành công, bạn cần lưu ý những điều cần thiết sau.

Bạn cần chăm sóc và vệ sinh mặt, đặc biệt là quanh vùng tiêm filler đúng cách.

Sử dụng đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau đúng hướng dẫn của bác sỹ.

Tránh sử dụng các loại nước rửa mặt có tính chất mạnh, gây ăn mòn cao.

Tránh trang điểm hoặc sử dụng các phương pháp điều trị trên da khác ngay sau khi tiêm filler.

Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ hình thành mô sẹo như thịt gà, thịt bò, gạo nếp, nước mắm, rau muống.

Tránh đụng chạm, sờ lên vùng da vừa điều trị bằng filler.

Hạn chế hoạt động mạnh hoặc tham gia các môn thể dục thể thao khi vừa mới tiêm filler.

Thường xuyên theo dõi vùng da mặt được tiêm filler để kịp thời những tác dụng phụ hoặc biến chứng có thể xảy ra.

Tái khám và kiểm trình tình trạng da mặt theo đúng lịch hẹn của bác sỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục