Những khó khăn khi lựa chọn chính sách đối phó với COVID-19

Các biện pháp hạn chế mặc dù đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song cũng làm gián đoạn các hoạt động sinh kế của nhiều người dân.
Những khó khăn khi lựa chọn chính sách đối phó với COVID-19 ảnh 1Cảnh sát nhắc nhở người dân các biện pháp phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lagos, Nigeria, ngày 26/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần báo The Arab Weekly mới đây đăng bài phân tích nhận định nhiều chính phủ trên thế giới đang phải cân nhắc đưa ra lựa chọn khó khăn giữa đảm bảo sức khỏe cộng đồng và gỡ bỏ một số hạn chế trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nội dung như sau:

Sự cần thiết của việc cân bằng các yêu cầu sức khỏe cộng đồng và áp lực duy trì nền kinh tế đang thúc đẩy nhiều quốc gia phải cân nhắc việc từng bước nới lỏng những biện pháp phong tỏa trong khi cố gắng ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Các biện pháp hạn chế mặc dù đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song cũng đang kìm hãm những ngành kinh tế quan trọng và làm gián đoạn các hoạt động sinh kế của nhiều người dân.

[Hậu quả chiến lược của cuộc khủng hoảng COVID-19]

Vì vậy, tính toán dỡ bỏ một vài hạn chế và cho phép nối lại các hoạt động xã hội trong giới hạn hiện là một ưu tiên nghị sự của nhiều chính phủ trên toàn cầu, trong đó có Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Ý tưởng chính là đảm bảo sự quay trở lại bình thường của nền kinh tế trong phạm vi rủi ro được các cơ quan y tế công chấp nhận. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sẽ không đẩy tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Do đó, một số chính phủ đang tìm kiếm các biện pháp phòng vệ tối đa, tích cực tầm soát các mầm bệnh còn lại thông qua hình thức đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc.

Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, mở cửa trở lại nền kinh tế cần được cân nhắc và tính toán cẩn trọng.

Tại khu vực này, số ca tử vong do COVID-19 cho đến nay chưa ghi nhận nhiều như các quốc gia phát triển khác như Italy, Tây Ban Nha và Mỹ.

Điều này dường như đang khiến các nước này cân nhắc tiến tới giảm bớt các biện pháp hạn chế trong khu vực.

Các chính phủ phải chịu áp lực giảm bớt những hạn chế đã có tác động không nhỏ đến các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong khi nguy cơ cơ sở hạ tầng y tế công cộng khó có thể đối phó với tỷ lệ lây nhiễm trong trường hợp gia tăng đột biến.

Lựa chọn giải pháp nào hiện vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.

Hai nhà phân tích Ahmed Mushfiq Mobarak và Zachary Barnett-Howell từng tranh luận trên tạp chí Foreign Policy rằng có lý do để suy tính lại về những biện pháp hạn chế, đồng thời phong tỏa có thể không phải là giải pháp hành động tốt nhất ở tất cả các quốc gia.

Dù đưa ra lập trường bảo vệ các biện pháp như vậy tại nhiều nước phát triển, hai chuyên gia này cảm thấy e ngại hơn trong việc thực thi rộng rãi và không hạn chế ở các nước đang phát triển.

Họ cho rằng hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp đều có dân số trẻ hơn các quốc gia có giàu có song có tỷ lệ sinh thấp, nên hai nhóm nước này không chia sẻ rủi ro và lợi ích tương đồng từ các chiến lược được thực thi cho đến nay kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu.

Nói một cách khác, áp đặt phong tỏa ở các nước nghèo - nơi các gia đình thường phải phụ thuộc vào lao động trụ cột để kiếm sống - có thể dẫn đến sự gia tăng các ca tử vong vì thiếu ăn hoặc các bệnh có thể phòng tránh được khác, chứ không phải vì bệnh COVID-19.

Trong khi đó, mối quan tâm cũng tồn tại rất khác nhau giữa những tầng lớp người nghèo nhất.

Theo một số nghiên cứu, chính nguy cơ mất an ninh lương thực và thất nghiệp - không phải là sức khỏe và an toàn - mới đang là quan tâm hàng đầu của người nghèo ở các vùng nông thôn.

Trong khi đó, các chuyên gia khác lo ngại rằng hầu hết khu vực Trung Đông-Bắc Phi và các quốc gia có thu nhập từ mức thấp đến trung bình khác có thể phải đối mặt với viễn cảnh thiếu lương thực và không đủ nguồn cung cấp y tế trong trung hạn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, phản ứng đầu tiên của nhiều nước là đóng cửa biên giới và ngăn chặn xuất khẩu cho đến khi họ đảm bảo nhu cầu trong nước trước. Một số trường hợp cá biệt khác như Thổ Nhĩ Kỳ thì sử dụng nguồn lực thặng dư của mình để tăng cường “quyền lực mềm.”

Giám đốc Đối tác và Chính sách Phát triển thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), bà Elka Pangestu, cảnh báo nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 tiếp diễn, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung cấp thực phẩm. Các nước nghèo nhất, phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu thực phẩm, sẽ chịu tổn thương nhiều nhất.

Ước tính, các nước đang phát triển trung bình phụ thuộc khoảng 80% vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, trong khi đối với các quốc gia dễ bị tổn thương hoặc chìm trong xung đột, tỷ lệ này lên tới hơn 90%. Điều này khiến họ càng dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi chính sách của các quốc gia xuất khẩu.

Khi tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo đang đến gần, thế giới Hồi giáo Arab sẽ càng chứng kiến giai đoạn phức tạp và khó khăn chưa từng thấy.

Nhiều nước Hồi giáo yêu cầu người dân thực thi các hoạt động giãn cách xã hội với mục tiêu đảm bảo an toàn là trên hết, thay vì thường xuyên lui tới các địa điểm tôn giáo và chia sẻ cộng đồng như trước đây. Đó là một yêu cầu cần thiết, song không dễ dàng thực hiện đối với cộng đồng người Hồi giáo.

Vì vậy, giới hoạch định chính sách ở những nước này sẽ phải cân nhắc rất kỹ để đưa ra các quyết định cân bằng, ít tổn hại nhất và hạn chế được tối đa những rủi ro./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục