Những khó khăn nào đang đợi chờ chính phủ Hy Lạp?

Những khó khăn nào đang chờ đợi chính phủ Hy Lạp?

Tuy được coi là một thỏa thuận mang tính lịch sử xua tan đi mối lo ngại về “Grexit” (khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone), nhưng khó khăn dường như vẫn chưa hết đối với đất nước này.
Những khó khăn nào đang chờ đợi chính phủ Hy Lạp? ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế cuối cùng đã đi đến hồi kết vào ngày 13/7, với một thỏa thuận về chương trình cứu trợ mới của các nước thành viên trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dành cho Athens.

Tuy được coi là một thỏa thuận mang tính lịch sử xua tan đi mối lo ngại về “Grexit” (khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone), nhưng khó khăn dường như vẫn chưa hết đối với đất nước này.

Thỏa thuận vừa đạt được yêu cầu Quốc hội Hy Lạp phải thực hiện những thay đổi sâu rộng về luật lao động, lương hưu, thuế giá trị gia tăng (VAT) trước ngày 15/7 trước khi lãnh đạo của các nước thành viên trong khối bắt đầu đàm phán về gói cứu trợ thứ ba kéo dài trong ba năm, trị giá 86 tỷ euro (96 tỷ USD). Mặc dù đã phần nào hoàn thành khâu “đối ngoại” song Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang phải đối mặt với một trở ngại khác mang tên “đối nội."

Theo kế hoạch, Quốc hội nước này từ nay đến ngày 15/7 sẽ phải thông qua dự thảo thỏa thuận đạt được theo yêu cầu của phía châu Âu, đồng thời phải khởi động kế hoạch mang tính pháp lý về các nguyên tắc cải cách đã hứa. Ngoài Quốc hội, thỏa thuận này còn phải được người dân Hy Lạp và đảng Syriza ủng hộ.

Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Ngay sau khi thông tin Hy Lạp gần như đã chấp nhận hầu hết yêu cầu của các chủ nợ được loan báo, đã có hoài nghi về việc liệu Thủ tướng Tsipras sẽ giữ được vị trí của mình.

Ông Panos Kammenos, nhà lãnh đạo đảng cánh hữu “Người Hy Lạp độc lập” đã quả quyết sẽ không ủng hộ quyết định này của Athens. Bên cạnh đó, nhiều người dân Hy Lạp cũng tỏ ra lo lắng khi cho rằng việc Hy Lạp có ở lại hay ra khỏi Eurozone không quan trọng bằng việc cải thiện đời sống của người dân.

Một số chuyên gia kinh tế và công dân Hy Lạp công kích kế hoạch trên trong bối cảnh Athens đã chấp nhận hầu hết các điều kiện ngặt nghèo mà giới chủ nợ quốc tế yêu cầu, bất chấp cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 vừa qua cho kết quả đa số người dân Hy Lạp nói "không" với các chính sách khắc khổ. Bên cạnh đó, nội dung của thỏa thuận vừa đạt được cũng không nhắc đến việc cắt giảm “núi nợ” chồng chất, đang chiếm đến 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp.

Đối với châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 13/7 cho biết mặc dù một thỏa thuận giữa các bên đã đạt được song vẫn còn một số khó khăn mà trong đó, đặc biệt là Athens cần phải gây dựng lại lòng tin với châu Âu rằng nước này sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các cải cách theo cam kết.

Liên quan đến thỏa thuận cứu trợ tài chính mới dành cho Hy Lạp, một số nước thành viên, điển hình là Cộng hòa Czech (Séc) và Vương quốc Anh đã bày tỏ ý định không muốn cho Athens vay tiền, bất chấp kỳ vọng của một số thị trường về việc lãnh đạo các nước Hy Lạp, Pháp, Đức và EU đã đạt “thỏa hiệp” giúp Athens tránh khỏi nguy cơ phá sản và rời khỏi Eurozone.

Tuy nhiên, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem đã xác nhận rằng trường hợp với Hy Lạp cũng tương tự như với Bồ Đào Nha và Ireland, cam kết cho Athens vay ngắn hạn liên quan đến tất cả các nước thành viên EU.

Hy Lạp đã không thanh toán được khoản vay 456 triệu euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đáo hạn ngày 13/7, mặc dù đã đạt thỏa thuận với lãnh đạo các nước Khu vực đồng euro (Eurozone) về gói cứu trợ mới cho Athens tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra ngày 13/7. Đây là lần thứ hai Hy Lạp lỡ hạn chót thanh toán nợ cho IMF, sau khi không trả được khoản vay 1,5 tỷ euro đáo hạn hôm 30/6 vừa qua.

Truyền thông khu vực đưa tin trước khả năng một số nghị sỹ đảng Syriza của Hy Lạp bỏ phiếu chống lại kế hoạch cứu trợ mới tại phiên họp dự kiến diễn ra ngày 15/7, Thủ tướng Alexis Tsipras đang lên kế hoạch tiến hành cải tổ lớn trong Nội các nước này.

Báo chí Đức cho rằng ông Tsipras tính tới cải tổ Nội các trong bối cảnh nhiều nghị sỹ cánh tả trong đảng của ông tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại các biện pháp cải cách và thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp phải áp dụng để nhận gói cứu trợ mới.

Trong dư luận Đức, có một nửa số người Đức được hỏi cho rằng cần phải tiếp tục cứu trợ Hy Lạp, song có tới gần 80% hoài nghi Chính phủ Hy Lạp sẽ thực hiện những gì đã cam kết với các chủ nợ quốc tế. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình ARD thực hiện và công bố tối 13/7, có 52% số người Đức được hỏi hoan nghênh thoả thuận đạt được giữa Hy Lạp với các chủ nợ, trong khi 44% cho rằng việc tiếp tục cứu trợ Hy Lạp là sai lầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục