Singapore được xem là quốc gia châu Á giải quyết thành công nhất chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp. Mô hình nhà ở xã hội thu nhập thấp này hầu như đều do Nhà nước đảm nhận thông qua một cơ quan chuyên trách có tên gọi là Cơ quan phát triển nhà ở xã hội (HDB).
Trước khi có được những thành công về chính sách phát triển nhà ở xã hội như hiện nay, Singapore trong những năm 1960 cũng đối diện với tình cảnh thiếu nhà ở nghiêm trọng, người dân phải sống trong tình trạng quá tải, điều kiện sống hết sức tồi tàn. Để tập trung cho chiến lược phát triển nhà ở, Chính phủ Singapore năm 1960 đã quyết định thành lập HDB, với nhiệm vụ giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng nhà ở "đảo quốc Sư tử" này.
Trong vòng chưa đầy ba năm sau khi thành lập, HDB đã xây dựng 21.000 căn hộ và đến năm 1965, tổng cộng 54.000 căn hộ nhà ở xã hội đã được xây xong, vượt mục tiêu 50.000 căn trong chương trình xây dựng 5 năm đầu tiên.
Với chiến lược đúng đắn khi tiếp cận nhà ở chất lượng với giá phải chăng, chỉ trong vòng 10 năm Chính phủ Singapore đã nhanh chóng giải quyết xong khủng hoảng nhà ở của mình. Hiện nay, khoảng 85% người dân Singapore sống trong các căn hộ do HDB xây dựng, so với con số 9% vào năm 1960, trong đó 94% người dân sở hữu những căn hộ này, chỉ có khoảng 6% còn lại là đi thuê.
Chiến lược phát triển nhà ở xã hội của Singapore thành công dựa trên ba nhân tố quyết định.
Trước hết, Singapore đã thực hiện chính sách một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nhà ở xã hội để phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả hơn. Việc này vừa giúp cho HDB có khả năng bảo đảm quỹ đất, nguyên liệu và nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng quy mô lớn, vừa bảo đảm tiết kiệm chi phí song lại đạt kết quả cao nhất.
Thứ hai, áp dụng phương thức tiếp cận tổng thể đối với nhà ở. Từ quy hoạch, thiết kế cho đến thu hồi đất và xây dựng, thông qua phân phối, quản lý, bảo trì, các nhiệm vụ liên quan đến nhà ở nằm trong một tổng thể trọn vẹn, liền mạch.
Cuối cùng là có sự định hướng cũng như hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý đã giúp cho chương trình nhà ở xã hội đi đúng lộ trình và đến được với người dân có nhu cầu thực sự.
Nhằm đa dạng hóa về nhà ở xã hội, năm 2005, Chính phủ Singapore đã cho triển khai Chương trình Thiết kế, Xây dựng và Bán. Singapore cũng đưa ra các kiểu căn hộ nhà ở xã hội phong phú từ 1 phòng cho tới 5 phòng để đáp ứng nhu cầu của người dân ở từ người độc thân cho tới các hộ gia đình lớn (ba thế hệ).
Theo số liệu thống kê, số các căn hộ nhà ở xã hội có 4 phòng do HDB bán ra chiếm số lượng nhiều nhất (41,2%), tiếp đó căn hộ có 3 phòng (24,2%). Theo thiết quy định, tất cả các khu nhà ở xã hội đều phải bảo đảm các dịch vụ cần thiết về giáo dục, y tế, rèn luyện sức khỏe, giao thông công cộng, mua sắm ....cho người dân sống ở trong khu vực đó. Ví dụ, theo quy định, tất cả các khu nhà ở công cộng đều có các bến xe công cộng trong phạm vi 400 m.
Do việc mua nhà ở xã hội có sự ưu đãi của chính phủ, Singapore đưa ra cũng như thực hiện rất chặt chẽ các điều kiện và quy định đối với người được mua, sử dụng các căn hộ loại này. Theo quy định, những hộ gia đình được mua nhà ở xã hội trước hết vợ và chồng phải là công dân Singapore hoặc một người là công dân Singapore và người còn lại có thẻ cư trú dài hạn.
Chính phủ Singapore cũng đưa ra một số quy định nhằm tránh tình trạng đầu cơ. Chính phủ quy định, những người mua nhà ở xã hội không được bán hoặc cho thuê các căn hộ này trong vòng 5 năm kể từ ngày mua.
Dù đã bán cho người dân, song trên thực tế các khu nhà ở xã hội này vẫn thuộc quyền quản lý của chính phủ, mà cơ quan quản lý trực tiếp là HDB. HDB có trách nhiệm quản lý, duy trì, bảo dưỡng đối với các khu nhà này.
Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, HDB cũng tập trung chú trọng xây dựng những khu nhà ở xã hội mới hiện đại hơn với các dịch vụ tốt hơn. Những khu nhà ở xã hội mới này không khác gì so với những nhà ở cao cấp.
Nhìn chung, với tầm nhìn xa và có quy hoạch rất tốt trong việc xây dựng các khu nhà ở xã hội, Chính phủ Singapore một mặt đã giải quyết tốt vấn đề nhà ở của người dân và phát triển kinh tế của đất nước, mặt khác giữ được quỹ đất cho tương lai cũng như phục vụ cho các mục đích khác./.