Những lợi ích kinh tế từ việc thiết lập hòa bình ở Libya

Việc đạt hòa bình ở Libya chắc chắn sẽ giúp khởi động nỗ lực tái thiết ở nước này, góp phần khôi phục kinh tế ở các quốc gia láng giềng, do nền kinh tế của họ có mối quan hệ chặt chẽ với Libya.
Những lợi ích kinh tế từ việc thiết lập hòa bình ở Libya ảnh 1Các tay súng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya đóng chốt an ninh tại khu vực Abu Qurain, nằm giữa thủ đô Tripoli và thành phố Bengazi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả nghiên cứu có tựa đề "Những lợi ích của hòa bình ở Libya đối với các nước láng giềng và xa hơn" do Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về Tây Á (ESCWA) công bố mới đây, hòa bình ở Libya, nếu được duy trì, sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn lên tới 162 tỷ USD cho Libya và các nước láng giềng vào năm 2025.

Nghiên cứu trên đã nêu bật ý nghĩa của hòa bình tại Libya, và đánh giá rằng diễn biến tích cực này sẽ cụ thể hóa thành tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng đầu tư cũng như tạo việc làm ở Libya và các nước láng giềng, đặc biệt là Ai Cập, Tunisia, Algeria và Sudan.

Việc đạt được hòa bình ở Libya chắc chắn sẽ giúp khởi động các nỗ lực tái thiết ở nước này, góp phần khôi phục kinh tế ở các quốc gia láng giềng, do nền kinh tế của họ có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế Libya.

Chuyên gia Tarik Alami, trưởng nhóm tác giả của nghiên cứu nói trên, nhấn mạnh rằng ESCWA đã làm sáng tỏ những tác động về kinh tế-xã hội của cuộc xung đột Libya kể từ khi xung đột này bắt đầu, không chỉ thông qua đánh giá định lượng về sự tàn phá mà xung đột gây ra, mà còn thông qua việc tính toán những lợi ích của hòa bình đối với Libya và các quốc gia láng giềng.

Chuyên gia Alami nói thêm: "Chúng tôi hy vọng điều này sẽ thúc đẩy tiến trình đối thoại giữa các bên ở Libya cũng như các bên trong khu vực và quốc tế."

Nghiên cứu của ESCWA cũng chỉ ra rằng vào năm 2025, giá trị các lợi ích kinh tế có thể đạt 100 tỷ USD ở Ai Cập; 22 tỷ USD ở Sudan; 10 tỷ USD ở Tunisia; và 30 tỷ USD ở Algeria.

[Đàm phán giữa các phe phái Libya cho bầu cử thống nhất vào tháng 12]

Bên cạnh đó, hòa bình ở Libya sẽ có tác động lan tỏa tích cực ở cấp độ quốc tế, đặc biệt là đối với các đối tác thương mại chủ chốt của quốc gia Bắc Phi này. Vào năm 2025, các lợi ích kinh tế có thể đạt 13 tỷ USD đối với Italy; 7,5 tỷ USD đối với Đức; 6 tỷ USD với Pháp và 5,5 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Alami giải thích thêm: "Nghiên cứu phân tích các tác động định lượng của hòa bình thông qua một loạt chỉ số chủ chốt, bao gồm tác động dự kiến của công cuộc tái thiết đối với tăng trưởng cũng như tác động của tăng trưởng đối với hoạt động đầu tư, hoạt động xuất khẩu vào Libya và tạo việc làm ở các nước láng giềng. Vào năm 2025, số người thất nghiệp được dự báo sẽ giảm 14% ở Sudan, 9% ở Ai Cập, 6% ở Tunisia và 2% ở Algeria."

Nghiên cứu "Những lợi ích của hòa bình ở Libya đối với các nước láng giềng và xa hơn" là sản phẩm của dự án giai đoạn hai về đánh giá tác động của hòa bình và tái thiết ở Libya. ESCWA cũng đã phát động Đối thoại Kinh tế-Xã hội Libya nhằm thúc đẩy một cuộc tranh luận về các khuôn khổ kinh tế-xã hội thay thế ở Libya.

Trước đó, ESCWA đã công bố một nghiên cứu về "Thiệt hại kinh tế của xung đột ở Libya” nhằm cảnh báo về những tổn thất ngày càng tăng do xung đột ở Libya gây ra trong trường hợp các phe phái ở nước này không đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Hòa bình và ổn định chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Libya. Đối với ngành dầu mỏ, Bộ trưởng Dầu khí Libya Mohammed Oun từng nói rằng nước này đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 4 triệu thùng/ngày trong 1-2 năm tới.

Theo quan chức này, Libya đang hướng tới mục tiêu phát triển và sửa chữa các cơ sở dầu mỏ nhằm gia tăng thị phần trên thị trường dầu mỏ quốc tế. Hiện nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế như Gazprom, Total... đang kỳ vọng sẽ sớm nối lại hoạt động khai thác tại các mỏ dầu vốn đã bị đình hoãn do xung đột ở Libya.

Về phía Ai Cập, nước này đang hy vọng sẽ tham gia phần lớn các dự án tái thiết tại Libya, trong bối cảnh bất ổn chính trị và an ninh kéo dài tại Libya đã ảnh hưởng nặng nề đến lực lượng lao động Ai Cập tại đây.

Theo một chuyên gia Ai Cập, Libya sẽ cần ít nhất 3 triệu lao động, chủ yếu là người Ai Cập, cho công cuộc tái thiết khi các điều kiện an ninh ở quốc gia Bắc Phi này được cải thiện.

Libya từng là điểm đến chủ yếu của gần 2 triệu lao động Ai cập trước khi cuộc nội chiến xảy ra cách đây một thập kỷ, tàn phá nặng nề nền kinh tế nước này. Ai Cập và Libya đã ký kết 11 Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong các lĩnh vực y tế, cơ sở hạ tầng, nhà ở, giao thông, điện, thông tin liên lạc và nguồn nhân lực nhân chuyến thăm Tripoli hồi tháng 4/2021 của Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly.

Các thỏa thuận này sẽ cho phép người lao động Ai Cập quay trở lại thị trường lao động Libya, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, khi các điều kiện cho phép.

Thủ tướng Ai Cập Madbouly nhấn mạnh các thỏa thuận trên phản ánh sự ủng hộ mạnh mẽ của Cairo đối với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Libya, khẳng định rằng giới lãnh đạo chính trị Ai Cập ủng hộ tất cả các giải pháp của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya nhằm mang lại sự phát triển cho quốc gia Bắc Phi này trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Ai Cập, ông Magdy Al-Badawi, cho biết khoảng một triệu lao động Ai Cập dự kiến sẽ tới Libya trong tương lai gần, theo một thỏa thuận giữa Chính phủ Ai Cập và Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya.

Theo ông Al-Badawi, số lượng lao động Ai Cập đến Libya dự kiến sẽ tăng mạnh và đạt khoảng 3 triệu người trong dài hạn. Xây dựng sẽ là một trong những ngành có nhu cầu lớn nhất, vì Libya đang cần tái thiết xây các thành phố và thị trấn bị tàn phá bởi xung đột, và điều này sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp ở Ai Cập.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, hiện đang thúc đẩy nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định và hòa bình cho Libya. Tại Hội nghị quốc tế về Libya lần thứ hai diễn ra ngày 23/6 ở Berlin (Đức), các bên tham gia đã ra tuyên bố gồm 58 điểm nhằm thúc đẩy hòa bình và trước mắt tiến hành các cuộc bầu cử ở Libya, dự kiến vào ngày 24/12.

Hội nghị Berlin 2 về Libya do Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đồng chủ trì, với sự tham dự của đại diện đến từ 17 nước và các tổ chức Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn Arab (AL).

Các bên tham dự hội nghị tái cam kết với các kết luận được đưa ra tại hội nghị quốc tế về Libya hồi tháng 1/2020, đồng thời nhận thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết nguyên nhân xung đột cơ bản, củng cố chủ quyền của Libya và khôi phục hòa bình, thịnh vượng cho tất cả người dân, trong đó cần nỗ lực để triển khai cuộc bầu cử quốc hội tại Libya theo đúng lộ trình Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya, với kết quả phải được tất cả các bên chấp thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục