Những người tiếp sức mạnh đôi bờ hải đảo, đất liền

Tại Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn, lịch vận hành các thiết bị công nghệ cao một tuần chỉ diễn ra hai lần vào sáng thứ Hai và sáng thứ Sáu.
Những người tiếp sức mạnh đôi bờ hải đảo, đất liền ảnh 1Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Đến với đảo Lý Sơn, dọc con đường ven biển, mùi của biển đảo rất đặc trưng, một mùi mằn mặn, thêm chút ngai ngái của cá biển.

Tiếp chúng tôi trong một buổi chiều nắng chói chang, căn phòng họp tại Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn không một chiếc bóng đèn nào sáng, không cánh quạt quay.

Lịch vận hành các thiết bị công nghệ cao ở trung tâm chỉ diễn ra hai lần một tuần vào sáng thứ Hai và sáng thứ Sáu, còn lại các ngày khác thì khu thiết bị này được khóa cửa im lìm.

Phòng xét nghiệm, X-quang mở cửa 2 lần/tuần

Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn nằm ngay sát con đường dọc ven biển. Ngồi trong phòng họp của bệnh viện, gió biển phần phật thổi.

Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn, ông Mai Hữu Hậu chia sẻ, khó khăn nhất của đảo là nguồn điện không ổn định nên dù đội ngũ y tế đã được học các kỹ thuật nhưng chưa được triển khai nhiều.

Hiện nay, tại đảo Lý Sơn vẫn chưa có điện lưới quốc gia, trong ngày chỉ từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm mới là thời điểm có điện.

Dẫn tôi qua các khu hành lang, phía cuối của bệnh viện cách xa biển nhất chính là khu vực để những chiếc máy xét nghiệm kỹ thuật cao. Hai dãy phòng thiết bị này trong những ngày thường được khóa cửa im lìm.

Những người tiếp sức mạnh đôi bờ hải đảo, đất liền ảnh 2Bác sỹ Nguyễn Văn Đủ đi kiểm tra chiếc máy chụp X-quang tại Trung tâm. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Bác sỹ Nguyễn Văn Đủ - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn cho biết, về vận hành máy hiện nay như máy X-quang, máy siêu âm, máy huyết học, ghế răng, máy sinh hóa... và một số máy móc để thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng phải cần dùng tới máy phát điện với công suất lớn. Hiện nay một tuần đơn vị chỉ phát được vào hai buổi là buổi sáng thứ Hai và sáng thứ Sáu, ngoài lịch trình đó ra mà có bệnh nhân cấp cứu thì đơn vị sẽ điều động người nổ máy phát điện phục vụ công cuộc cấp cứu người dân.

“Hàng tháng, hàng quý đơn vị tổ chức bảo dưỡng định kỳ trang thiết bị y tế. Nhưng đối với khí hậu khắc nghiệt như Lý Sơn thì dù có bảo quản theo quy trình rất kỹ nhưng do thời tiết khí hậu, trang thiết bị ảnh hưởng về độ tuổi. Bởi với đất liền, một máy thiết bị y tế có thể sử dụng 10 năm, nhưng với ở Lý Sơn thì được khoảng 5 năm tuổi,” bác sỹ Đủ cho hay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cho biết, toàn huyện có một Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn và 2 trạm y tế cấp xã. Tổng số giường bệnh là 50 giường với tổng số cán bộ, nhân viên y tế là 65 người, trong đó có 14 bác sỹ và 4 y sỹ. Công suất sử dụng giường bệnh đạt bình quân hàng năm là 65%.

Đánh giá về công tác y tế tại địa phương, ông Nguyên khẳng định, Lý Sơn là huyện đảo cách xa đất liền nên rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong mùa biển động, nhất là những ca bệnh nặng phải chuyển tuyến mà không thể chuyển viện vào đất liền được.

Những người tiếp sức mạnh đôi bờ hải đảo, đất liền ảnh 3Chiếc ghế răng được khóa lại, không vận hành vì không có điện. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Dùng đèn pin... để mổ cho bệnh nhân

Bên màu xanh ngắt của biển, có những chiến sỹ vừa mang trên mình màu áo xanh của lính, vừa khoác chiếc áo trắng của người thầy thuốc. Nơi vùng biển biên cương này, vai trò của họ như nhân lên gấp bội.

Khoảng cách giữa hải đảo với đất liền, những hạn chế về mặt giao thông cũng là điều trở ngại cho những bác sỹ ở nơi đây trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Và những câu chuyện vượt đại dương xanh cứu chữa bệnh tật cho người dân và ngư dân nơi đây cũng có rất nhiều điều lạ và thú vị.

Bác sỹ Nguyễn Văn Đủ nhận được quyết định làm việc tại Lý Sơn vào tháng 3/1991. Đến nay, người bác sỹ này đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề y.

Tâm sự về những chuyện vui, buồn trong suốt mấy chục năm qua, bác sỹ Đủ cho hay, kỷ niệm gắn bó nhất mà ông không thể nào quên đó là việc vận chuyển một thai phụ vào đất liền để sinh nở vào năm 1993 đi trên một chuyến tàu ghe nhỏ.

Nhìn về phía biển xa xăm, bác sỹ Đủ dưng dưng nhớ lại sự việc cách đây hai mươi năm khi ông phải trung chuyền bệnh nhân từ thúng qua ghe, rồi chở bệnh nhân từ ghe để vào đất liền sinh nở.

“Tôi nhớ, chiếc ghe đó chuyển bệnh nhân 3 giờ đồng hồ trên biển, khi tôi vận chuyển bệnh nhân đó được 1 tiếng đồng hồ, còn 2 tiếng nữa mới đến đất liền thì bệnh nhân đã chuyển dạ. Khi đó, sóng to gió lớn, không có ai phụ cùng tôi phải dùng một chân để giữ sản phụ, tay giữ bé và cắt rốn cho bé trên chiếc ghe thuyền lúc nào cũng chòng chành. Cuối cùng, như một phép nhiệm màu đã xảy ra, giữa đại dương kết quả cũng thành công khi cả mẹ và bé đều khỏe mạnh,” bác sỹ Đủ nhớ lại.

Một vị bác sỹ khác của Bệnh viện quân dân y kết hợp cũng chia sẻ, trong bối cảnh chưa có điện lưới quốc gia, mỗi khi tiến hành một ca mổ viêm ruột thừa, thai sản... vào thời điểm chưa có điện, trung tâm sẽ phải vận hành máy phát điện. Trong một ca mổ cách đây hơn 5 năm có trường hợp mổ cấp cứu, khi đó máy phát điện hỏng thì đơn vị phải tập trung dùng đèn pin để soi tiếp tục để mổ cho bệnh nhân.

Vị bác sỹ trên chia sẻ, điều đáng mừng là ca mổ đó mang lại kết quả tốt đẹp.

Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y đảo Lý Sơn Mai Hữu Hậu nhận xét, điều kiện đi lại giữa đảo Lý Sơn và đất liền không thuận tiện như đất liền. Đó là một đặc thù gây khó khăn cho ngành y tế và các ngành khác đều bị ảnh hưởng. Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, của ngành, các bác sỹ tại bệnh viện đã cố gắng hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên biển đảo.

Tuy nhiên, về công tác nguồn nhân lực, ông Hậu chầm chậm bày tỏ, trên đảo hiện nay có 14 bác sỹ trên 22.000 dân tương đối đạt yêu cầu nhưng chất lượng chuyên sâu vẫn còn thấp và đặc biệt vẫn còn có tình trạng nhân viên y tế rời đảo vì khó khăn.

Những người tiếp sức mạnh đôi bờ hải đảo, đất liền ảnh 4Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y đảo Lý Sơn Mai Hữu Hậu. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trong những năm trước chúng tôi rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, tuy nhiên sau khi đào tạo các chuyên khoa xong hầu như các bác sỹ không muốn về công tác tại đảo, đa phần có xu hướng bỏ việc và đi tìm việc ở nơi khác. Đây là một điều rất trăn trở ở chỗ chúng tôi,” bác sỹ Hậu bày tỏ.

“Những năm trước chúng tôi có 3-4 trường hợp sau khi đào tạo xong, những cán bộ đó ở luôn Thành phố Hồ Chí Minh và không về. Sau này, có chế độ chính sách quan tâm hơn, tại đơn vị chúng tôi cũng động viên thêm anh em và với tinh thần trách nhiệm cao hơn nên trong thời gian vừa qua không có hiện tượng bỏ việc. Tuy nhiên, do điều kiện ở đây còn nhiều thiếu thốn nên việc anh em đi học còn nhiều khó khăn,” vị giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Vì vậy, trung tâm bằng nguồn kinh phí tại chỗ đã linh hoạt bằng cách đào tạo liên thông bổ túc kiến thức liên tục cho nhân viên y tế.

Trước những khó khăn trên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên bày tỏ mong muốn ngành y tế và các cơ quan ban ngành Trung ương đề xuất hỗ trợ chuyên môn theo đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới hay ưu tiên bố trí bác sỹ trẻ tình nguyện về các huyện nghèo của tỉnh Quảng Ngãi.

Để từ đó, công cuộc chăm sóc sức khỏe cho người dân và những chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các vùng hải đảo được hoàn thiện hơn./.

Bài 3: "Đánh thức" y tế nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục