Những nhận định về triển vọng đạt thỏa thuận trong cuộc họp OPEC

Giới phân tích và các Bộ trưởng Năng lượng nhận định các thành viên OPEC và Nga sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề then chốt trước khi tiến tới một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng chính thức.
Những nhận định về triển vọng đạt thỏa thuận trong cuộc họp OPEC ảnh 1Tại một cơ sở lọc dầu gần Williston, Bắc Dakota (Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước thềm cuộc họp không chính thức của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dự kiến diễn ra trong tuần này tại Algeria, giới phân tích và các Bộ trưởng Năng lượng nhận định các thành viên OPEC và Nga sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề then chốt trước khi tiến tới một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng chính thức.

Phát biểu với báo giới trước thềm Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15 diễn ra tại Algiers từ ngày 26-28/9, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa ngày 25/9 lạc quan cho rằng vẫn có cơ hội để các nước thành viên OPEC đạt được thỏa thuận "đóng băng" sản lượng tại cuộc họp không chính thức.

Tuy nhiên, ông Bouterfa, một trong những nhân vật ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với thỏa thuận hạn chế sản lượng, cũng thừa nhận rằng cuộc họp này có thể chỉ phác thảo được "các yếu tố của thỏa thuận."

Mặc dù quả quyết "Chúng tôi sẽ không về tay trắng," nhưng ông cảnh báo rằng nếu cuộc họp của OPEC thất bại, giá dầu có thể sẽ giảm sâu từ khoảng 45 USD/thùng hiện nay, xuống còn 30 USD/thùng.

Phát biểu trên của người đứng đầu Bộ Dầu mỏ Algeria đã phát đi tín hiệu rằng dù có thể thất bại trong tuần này song tổ chức gồm 14 nước thành viên sẽ tiếp tục bàn thảo về vấn đề sản lượng tại cuộc họp chính thức của OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày 30/11 tại Vienna (Áo).

Tuy nhiên, Tổng thư ký OPEC, ông Mohammad Barkindo cách đây một tuần từng nhận định cuộc họp không chính thức sắp tới có thể chỉ là các cuộc tham vấn, chứ không thể đưa ra được quyết định cuối cùng. Trong khi đó, các đại diện trong OPEC đã từng nhấn mạnh rằng cuộc họp tại Algiers tới đây là nhằm bắt đầu các cuộc thảo luận mà họ hy vọng sẽ dẫn tới một thỏa thuận cuối cùng tại cuộc họp chính thức ở Vienna (Áo) vào cuối tháng 11/2016.

OPEC, hiện chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng dầu của thế giới, và các nhà sản xuất khổng lồ khác đã và đang chật vật trong việc ứng phó với tình trạng lao dốc của giá dầu. Sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm mạnh thời gian qua, từ mức đỉnh điểm 115 USD/thùng hồi tháng 6/2015 xuống dưới 30 USD/thùng đầu năm nay, trước khi phục hồi lên khoảng 45 USD/thùng hiện nay.

Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC, đã phản ứng trước thực trạng suy giảm nguồn thu từ dầu mỏ do giá dầu sa sút bằng cách tăng sản lượng lên các mức kỷ lục, thay vì sử dụng công cụ truyền thống là cắt giảm sản lượng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Emmanuel Ibe Kachikwu cho biết ông ủng hộ thỏa thuận "đóng băng" sản lượng, song cho rằng Saudi Arabia có các lý do "rất mạnh" để tăng sản lượng.

Ông Kachikwu cho biết thêm Nigeria không thể "đóng băng" sản lượng của mình vào thời điểm hiện nay vì các chiến binh vùng Niger Delta đã phá hủy nhiều đường ống thời gian qua, khiến sản lượng Nigeria sụt giảm nghiêm trọng. Theo ông Kachikwu, Nigeria cần phải được miễn nếu các thành viên OPEC đạt được thỏa thuận cuối cùng liên quan đến sản lượng.

Các nước khác, trong đó có Iran và Libya, cũng mong muốn được miễn tham gia thỏa thuận "đóng băng" sản lượng cho tới khi họ đạt được các mức sản lượng như trước kia. Theo các nguồn tin thân cận với kế hoạch dầu mỏ của Saudi Arabia, Vương quốc vùng Vịnh này cũng không muốn thúc đẩy một thỏa thuận chính thức liên quan vấn đề "đóng băng" sản lượng trước tháng 11/2016.

OPEC hiện đang cân nhắc bốn lựa chọn để các thành viên cùng với Nga, nhà sản xuất khổng lồ ngoài OPEC, thống nhất "đóng băng" sản lượng ở các mức của tháng Một hoặc tháng Tám năm nay, hoặc ở mức trung bình của quý 1/2016 hay của nửa đầu năm 2016. Các nguồn tin trên cũng cho biết tất cả các kịch bản này sẽ bao gồm sự tham gia của Iran, theo đó Tehran phải nhất trí "đóng băng" sản lượng ở dưới mức trước thời điểm bị áp dụng các lệnh trừng phạt quốc tế.

Chuyên gia Abhishek Deshpande, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu mỏ thuộc ngân hàng Natixis (Pháp), nhận định OPEC đang đứng trước áp lực ngày càng lớn để thúc đẩy một thỏa thuận sản lượng vào thời điểm hiện nay.

Ông Deshpande cho biết ông không kỳ vọng về một thỏa thuận đầy đủ trong tuần này, song lưu ý rằng các nhà sản xuất dầu mỏ đang bắt đầu hoài nghi liệu chính sách giành thị phần của Saudi Arabia có thể giúp khôi phục giá dầu. Nhà phân tích này nhận xét: "Hiện trên thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang tràn ngập nguồn cung. Nếu OPEC không hành động, giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực đi xuống"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục