Những "quân bài" của ông Trump trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un

Washington đang có trong tay rất nhiều "quân bài" mà họ có thể sử dụng, kể cả "quân bài" nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ký tuyên bố hòa bình hoặc thậm chí là rút binh lính khỏi Hàn Quốc.
Những "quân bài" của ông Trump trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore. (Nguồn: Reuters)

Theo AFP, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đạt được những tiến triển với Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, Washington có trong tay rất nhiều "quân bài" mà họ có thể sử dụng, kể cả "quân bài" nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ký tuyên bố hòa bình hoặc thậm chí là rút binh lính khỏi Hàn Quốc.

Sau cái bắt tay mang tính lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng 6/2018, các nhà hoạch định chính sách tại Washington bắt đầu đề cập đến việc Bình Nhưỡng cần phải có những nhượng bộ cụ thể liên quan đến chương trình hạt nhân tại cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo, nhiều khả năng diễn ra tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mọi việc phần lớn tùy thuộc vào ông Trump, một nhân vật hay thay đổi và từng tuyên bố rằng việc ông ta chìa tay ra với kẻ thù lâu nay của Mỹ là một bước ngoặt ngoại giao, đồng thời giận dữ lên án những ai cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của ông với ông Kim Jong-un "chỉ mang tính biểu tượng."

Các nhà quan sát tình hình Triều Tiên tin rằng mục tiêu đầu tiên của ông Kim Jong-un là thuyết phục cộng đồng quốc tế giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Họ cũng nghi ngờ việc ông Kim Jong-un sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà chế độ Triều Tiên từ thời cha ông của ông ta đã tích lũy được trong hàng thập kỷ qua, bất chấp mọi thiếu thốn, đói nghèo.

Andrei Lankov - Giáo sư của trường Đại học Kookmin ở Seoul, từng học tập tại Bình Nhưỡng - nhận định rằng các biện pháp trừng phạt "không đủ để gây ra những vấn đề kinh tế nghiêm trọng đối với Triều Tiên, nhưng đủ để khiến nền kinh tế Triều Tiên khó hoặc không tăng trưởng."

Ông nói: "Để duy trì sự ổn định của đất nước và để tồn tại được, người Triều Tiên hiểu rằng họ cần phải chấm dứt hoặc ít nhất là thu hẹp khoảng cách 'bao la' giữa nền kinh tế của họ với nền kinh tế của các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc."

Khi ông Kim Jong-un gặp ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên từ trước đến nay giữa hai nước, Triều Tiên được cho là đang tìm kiếm một hiệp ước hoặc ít nhất là một tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên giai đoạn 1950-53, vốn tạm ngưng nhờ thỏa thuận đình chiến.

Tuy nhiên, ông Victor Cha - phụ trách nhóm nghiên cứu về châu Á của trường Đại học Georgetown và cũng là nhà đàm phán kỳ cựu của Mỹ với Triều Tiên - nói rằng tuyên bố hòa bình suy cho cùng cũng chỉ mang tính biểu tượng.

Ông nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ họ sẽ nói 'không' với nó (tuyên bố hòa bình). Tuyên bố hòa bình sẽ là một dấu hiệu thể hiện thái độ không thù địch. Thế nhưng, họ muốn thấy biểu hiện cụ thể của thái độ không thù địch, đó là bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt."

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cho đến khi nào Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Nhiều biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Triều Tiên liên quan đến vấn đề nhân quyền và không thể bãi bỏ được nếu không có sự can thiệp của Quốc hội - một cơ quan vốn không mấy đồng cảm với Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Victor Cha cho rằng Mỹ có thể đề nghị nới lỏng các biện pháp trừng phạt một cách gián tiếp thông qua chính phủ theo đường lối bồ câu của Hàn Quốc, thảo luận tại Liên hợp quốc để bãi bỏ các biện pháp trừng phạt vốn cản trở việc tái khởi động các dự án liên Triều, chẳng hạn như khu công nghiệp Kaesong. Mỹ dường như sẵn sàng nới lỏng những hạn chế đối với các viện trợ nhân đạo và có thể đề nghị trao đổi các văn phòng liên lạc với Bình Nhưỡng, bước tiền đề cho các mối quan hệ ngoại giao.

Ông Trump ghi nhận rằng việc Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân là một tiến bộ. Tuy nhiên, giới quan chức Mỹ muốn được thanh sát tất cả các địa điểm thử vũ khí của Triều Tiên. Các chuyên gia lo ngại Triều Tiên sẽ chỉ đồng ý giải giáp các cơ sở đã lỗi thời

Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang tự hỏi liệu Trump - người coi "Nước Mỹ trước tiên" là ưu tiên số 1 - có tập trung vào việc xóa bỏ chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa đang phát triển nhanh như vũ bão của Triều Tiên hay không. Trong các cuộc trả phỏng vấn gần đây, ông Pompeo mô tả chính sách ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên là cách để bảo vệ người Mỹ.

Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Heritage (một trung tâm tư vấn theo đường lối bảo thủ ở Washington), nói: "Các đồng minh của Mỹ coi đây (phát biểu của ông Pompeo) là bằng chứng chứng tỏ Mỹ sẵn sàng ký một thỏa thuận với Triều Tiên chỉ để bảo vệ nước Mỹ, còn không thèm đếm xỉa tới sự an toàn của các đồng minh. Hiện có những quan ngại rằng Trump có thể do quá nóng lòng muốn gặt hái thành công nên sẽ đồng ý ký tuyên bố hòa bình, giảm số binh lính Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên để đổi lấy khả năng Bình Nhưỡng phong tỏa hoạt động sản xuất hạt nhân tại Yongbyon."

Tuy nhiên, bất kỳ hứa hẹn nào của ông Trump với ông Kim Jong-un về việc rút binh lính chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Quốc hội Mỹ, cơn thịnh nộ của chính phủ theo đường lối bảo thủ ở Nhật Bản và sự không hài lòng của Hàn Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục