Theo trang mạng eurasiareview.com, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vừa qua lần đầu tiên kết thúc mà không ra được một tuyên bố chung.
Điều này phản ánh sự tồn tại của những rạn nứt sâu sắc hơn - và thậm chí là những mâu thuẫn căn bản - về việc làm thế nào để giải quyết cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đúng như những gì Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói, mọi bất đồng giữa hai cường quốc này trong một cuộc chiến thương mại kéo dài đều sẽ đem đến những thiệt hại rất lớn, không chỉ cho chính Washington và Bắc Kinh, mà còn cho cả Singapore và những quốc gia khác trong khu vực.
Thực tế, vài năm trở lại đây đã diễn ra những cuộc thảo luận của giới học giả về sự hình thành của một trật tự khu vực (hay quốc tế) mới dựa trên luật pháp và mức độ tuân thủ các nguyên tắc và nội dung của những thỏa thuận đã tồn tại của Trung Quốc.
Tranh cãi nảy sinh xung quanh những ý kiến về việc đâu mới là những yếu tố chi phối các hành động chính trị, hay cụ thể là quyền lực, hệ thống quốc tế và ảnh hưởng về tư tưởng (hay văn hóa).
Trường phái thực tế: Cân bằng quyền lực
Hầu hết những người hoạt động trong môi trường chính trị quốc tế thường nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các cường quốc cho dù việc này có khó khăn tới đâu.
Đó cũng là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn bởi nó cho phép họ tối đa hóa các lựa chọn chính sách thay vì rơi vào tình cảnh bị ép buộc.
Tại châu Á, người ta cho rằng Trung Quốc, với phạm vi lãnh thổ rộng lớn và dân số đông, đã tạo ra một “sự bất đối xứng căn bản” với các nước khác trong khu vực.
Nhìn từ góc độ này, quyết tâm ngày càng lớn của Trung Quốc có thể sẽ bị xem như một thách thức đối với hiện trạng, cho dù giới lãnh đạo Bắc Kinh có khẳng định về mục tiêu phát triển hòa bình của mình.
Cụ thể hơn, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng tham vọng về lãnh thổ của họ, bị xem là một thách thức đối với sự ổn định của khu vực và cùng lúc đặt ra nhiều vấn đề đối với lợi ích của nhiều quốc gia, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với trật tự tự do của phương Tây.
Vì thế, nhiều người coi trật tự thế giới do Trung Quốc là một mục tiêu nhằm viết lại những nguyên tắc đã đồng thuận trong các vấn đề quốc tế và đi ngược lại lợi ích của nhiều quốc gia khác.
[Thất bại đầu tiên của APEC và hành động của Nga]
Lập trường quốc tế: Những nguyên tắc mới trong thời đại mới
Quan điểm thứ hai là của những người xem trật tự thế giới hiện nay là một khúc mắc về căn bản và cần phải thay đổi, nhất là để phản ánh những lợi ích ngày càng gia tăng và tầm quan trọng của việc đưa các quốc gia phương Nam vào nền chính trị quốc tế.
Thực tế, họ thấy hiện trạng quyền lực quốc tế hiện nay là một đặc quyền của phương Tây, và được thiết kế để duy trì các lợi ích của Mỹ cũng như nhiều cường quốc phương Tây khác.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ trước, sự rộng lượng của phương Tây bị đặt dấu hỏi và khả năng hậu thuẫn tài chính của họ để giúp các quốc gia khác làm giàu ngày càng gây nhiều tranh cãi.
Thực tế, những người có quan điểm này cho rằng phương Tây đang suy yếu và sự trỗi dậy của phương Đông (và Trung Quốc) là một thực tế toàn cầu không thể chối cãi.
Lập trường kiến tạo: Góc nhìn từ lịch sử
Lập trường này có được sự đồng cảm của nhiều sử gia và các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, những người cho rằng khi đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc người ta phải nhìn nhận đúng về lịch sử và văn hóa của họ.
Từ góc độ này, các phân tích cần xem xét sâu hơn và xa hơn những vấn đề về quyền lực và kinh tế, thay vào đó nên tập trung vào những yếu tố lịch sử và quan niệm để hiểu rõ hơn các hành vi chính trị trong thời hiện đại của Bắc Kinh.
Từ góc độ đó, có thể thấy rằng giữa những quan điểm của phương Tây và của Trung Quốc về trật tự thế giới có một khoảng cách lớn. Đây có thể là quan điểm mang tính trung dung khi so sánh với hai quan điểm trước.
Vì vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc trước hết nên được nhìn nhận trong sự so sánh với phương Tây, nơi mà những thách thức và cơ hội đều nguyên nhân nảy sinh từ những khác biệt nền tảng sâu sắc vốn có trong quan điểm chính trị của phương Tây và Trung Quốc.
Những người có quan điểm thực tế nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các lực lượng địa chính trị, trong khi những người theo chủ nghĩa quốc tế coi trọng các mối quan hệ quốc tế còn những người theo chủ trương kiến tạo lại lấy những nhân tố về lý tưởng và văn hóa là khởi điểm cho mọi phân tích và đánh giá.
Với kết quả của hội nghị thượng đỉnh APEC, có lẽ cũng không quá khi cho rằng những tranh cãi về tương lai khu vực và trật tự thế giới sẽ tiếp tục là yếu tố gây bất đồng trong thời gian tới./.