Những rủi ro nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung

Cáo buộc Trung Quốc đang thao túng đồng Nhân dân tệ, Tổng thống Mỹ đã nói về sự can thiệp trực tiếp để hạ giá đồng USD và vận động FED, vốn đã giảm nhẹ lãi suất vào cuối tháng 7.
Những rủi ro nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung ảnh 1Đồng USD (giữa) và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/8, trang asialyst.com đã đăng bài của chuyên gia về châu Á Jean-Raphaël Chaponnière phân tích về các nguy cơ nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ-Trung.

Nội dung bài viết như sau:

Có phải Mỹ và Trung Quốc đang trượt dài từ cuộc chiến tranh thương mại sang chiến tranh tiền tệ? Ngày 7/8, có hay không việc Bắc Kinh đã phá giá đồng Nhân dân tệ để đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng thuế hải quan đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc? Bị gián đoạn vào tháng 5, các cuộc đàm phán Trung-Mỹ đã được nối lại tại Thượng Hải vào cuối tháng 7.

Tuy nhiên, do hai bên không đưa ra bất kỳ đề xuất mới nào, cuộc họp mang tính xây dựng đã kết thúc nhanh chóng với thông báo về phiên họp tiếp theo vào tháng 9 tới tại Mỹ. Nhưng liệu cuộc họp này sẽ vẫn diễn ra?

Vài giờ sau khi phái đoàn Mỹ trở về, Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc không giữ lời hứa về việc mua nông sản và hạn chế doanh số bán chất fentanyl (Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất chất này, mạnh gấp 50 lần so với heroin).

Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ áp mức thuế 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới. Việc tăng thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều hàng hóa tiêu dùng đang được miễn thuế.

[Chiến tranh tiền tệ - lựa chọn đầy mạo hiểm của Trung Quốc]

Dòng tweet của Tổng thống Trump và hành động trả đũa của Trung Quốc - như đình chỉ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ - báo hiệu sự chấm dứt của "thỏa thuận đình chiến."

Thị trường chứng khoán giảm và tỷ giá đồng tiền Trung Quốc so với đồng USD với gần 7 Nhân dân tệ/1 USD, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2008, đã vượt qua ngưỡng này vào ngày 6/8. Bộ Tài chính Mỹ đã phản ứng ngay lập tức bằng cách cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.

Một tháng sau "thỏa thuận đình chiến" ở Osaka, mối đe dọa tăng thuế quan đã làm tăng gấp đôi nhu cầu đồng USD: Các công ty Trung Quốc dự đoán sẽ sụt giảm việc thu nhập ngoại hối và các công ty đang nợ bằng USD lo sợ việc đồng Nhân dân tệ bị giảm sẽ ảnh hưởng đến món nợ của họ.

Thị trường ngoại hối ở Trung Quốc được quản lý. Mỗi ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) xác định tỷ giá trung tâm, gần với mức ngang bằng của ngày hôm trước, xung quanh mức dao động cho phép "cộng hoặc trừ 2%."

Để ngăn tỷ giá hối đoái được thiết lập ngoài mức cho phép này, PBOC đã can thiệp bằng cách mua hoặc bán USD.

Nhưng ngày 6/8, PBOC đã thiết lập tỷ lệ trung tâm thấp hơn dự kiến của thị trường và tín hiệu này đã kích hoạt đồng USD tăng từ 6,9 lên 7,03 Nhân dân tệ/1 USD, vượt mức trần 7 Nhân dân tệ/1 USD trước đây.

Các thị trường tài chính đã phản ứng một cách mạnh mẽ vì sợ cuộc chiến thương mại sẽ biến thành cuộc chiến tiền tệ có thể nhấn chìm châu Á. Vì khu vực này giao dịch nhiều hàng hóa và dịch vụ (du lịch) với Trung Quốc hơn so với Mỹ nên nhạy cảm hơn với sự biến động của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD. Vì vậy, ngày 7/8, các ngân hàng trung ương của Ấn Độ và Thái Lan đã cắt giảm lãi suất.

Trung Quốc thao túng tiền tệ?

Tại sao Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ trong khi họ tránh làm như vậy khi sự thao túng này là rõ ràng đã có từ nhiều năm trước? Từ năm 2000 đến 2014, tài khoản vãng lai của Trung Quốc bị dư thừa (lên tới 9% GDP) và đồng Nhân dân tệ rất ít được đánh giá cao so với đồng USD.

Thế nên, PBOC đã mua tiền Mỹ để hạn chế việc định giá lại. Tại Washington, chính quyền đã từ chối tham gia vào cuộc chiến với Trung Quốc vì không ai giống như Donald Trump, vì họ cho rằng một cuộc chiến thương mại "sẽ không dễ thắng" nhưng sẽ có hại cho cả hai bên.

Kể từ năm 2014, sự can thiệp của Trung Quốc không còn đáp ứng các tiêu chí thao túng "kinh điển" theo quy định của Bộ Tài chính Mỹ. Thặng dư tài khoản hiện tại của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 2% GDP và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xem xét rằng Trung Quốc còn có thể bị thâm hụt hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoại trừ việc lựa chọn tỷ giá trung tâm vào ngày 7/8 theo hướng của thị trường, PBOC không những ngừng can thiệp để kiềm chế sự gia tăng của đồng Nhân dân tệ mà còn tìm cách chống sự suy giảm của nó.

Từ năm 2015 đến 2016, PBOC đã "hy sinh" 1.000 tỷ USD, khoảng 1/4 dự trữ, để hỗ trợ đồng tiền Trung Quốc. Hơn nữa, sự cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ là không quan trọng vì Chính quyền Mỹ đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Cuối cùng, đồng USD đã tăng giá không chỉ so với đồng Nhân dân tệ (+ 9% kể từ tháng 1/2018), mà còn so với đồng euro (+ 9,8%) hoặc bảng Anh (+ 13%). Donald Trump và cả các ứng cử viên của đảng Dân chủ đều tố cáo mức tăng cao của đồng USD.

Cáo buộc Trung Quốc đang thao túng đồng Nhân dân tệ, Tổng thống Mỹ đã nói về sự can thiệp trực tiếp để hạ giá đồng USD ("Tôi sẽ làm điều đó trong hai giây") và vận động Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), vốn đã giảm nhẹ lãi suất vào cuối tháng 7 vừa qua.

Theo Jeffrey Frankel, cựu cố vấn kinh tế của Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton, người đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, thì chính quyền Mỹ cũng chỉ thể hiện ý chí về một sự thù địch song không có hành động cụ thể nào.

Mối nguy hiểm cho Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại ít có tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc. Tất nhiên, doanh số bán hàng sang Mỹ đã giảm - thị trường Mỹ hấp thụ trực tiếp 17% hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng sự suy giảm này đã được bù đắp nhờ vào các thị trường còn lại khác trên thế giới của Trung Quốc, với mức tăng trưởng 6% kể từ tháng 1-7/2019.

Ngoài ra, Trung Quốc đã làm chậm lại việc nhập khẩu của mình. Trung Quốc có ít lựa chọn hơn. Nước này đã tăng thuế đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, tương đương khoảng 150 tỷ USD.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang thiếu "đạn dược" để đối phó với các mối đe dọa mới của Mỹ. Trung Quốc có thể gây khó khăn hơn cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc - doanh số của các công ty gấp đôi so với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang thị trường Trung Quốc. Nhưng điều đó có nguy cơ đẩy các công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc nhanh hơn.

Ngày 7/8, để đối phó với các mối đe dọa của Mỹ, Bắc Kinh đã cố tình "bẻ khóa mức 7 Nhân dân tệ/1 USD" để giúp họ quay vòng tiền tệ và để gửi cảnh báo tới Washington. Trung Quốc có thể để đồng Nhân dân tệ trượt xuống mức 7,3 Nhân dân tệ/1 USD để xóa tác động của việc tăng thuế 10% của Mỹ.

Tuy nhiên, động thái này không phải không gây rủi ro cho Bắc Kinh trong dài hạn. Một cuộc chiến tiền tệ sẽ làm tăng giá các sản phẩm nhập khẩu và làm chậm tiêu thụ. Nó cũng sẽ dẫn đến khả năng dòng vốn (bất hợp pháp) chảy ra ngoài.

Lúc đó, Trung Quốc sẽ buộc thực hiện các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn, đồng nghĩa sẽ làm giảm uy tín quốc tế đối với đồng Nhân dân tệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục