Đồng nhân dân tệ “bật chốt,” Mỹ lập tức liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, khiến mặt trận đấu tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức hình thành trong bối cảnh chiến tranh thương mại gần như đã hết hy vọng được giải quyết trong tương lai gần.
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng "vũ khí" tiền tệ để trả đũa Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại không lối thoát.
Trong khi đó, Bo Zhuang, chuyên gia người Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu TS Lombard, cho rằng việc đồng Nhân dân tệ mất giá đột ngột là kết quả của một cuộc "can thiệp chủ động" của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) để hỗ trợ hàng xuất khẩu cũng như làm giảm bớt phần nào tác động từ biện pháp áp thuế của Mỹ.
Những “đòn đánh” phủ đầu của Washington...
Tháng 7/2019 đã khép lại cùng vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thứ 12 tại Thượng Hải được hai bên đánh giá “diễn ra trong bầu không khí xây dựng.”
Tuy nhiên khi tháng mới vừa bắt đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo quyết định từ ngày 1/9/2019 sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm sẽ bị áp thuế trừng phạt, chỉ trừ sản phẩm y tế, thuốc y tế, đất hiếm và các khoáng sản quan trọng.
Trong một động thái được coi là trả đũa, Trung Quốc đã dừng việc mua nông sản Mỹ - vốn được khôi phục ngay trước vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thứ 12 để bày tỏ thiện chí. Trong khi đó, tại Mỹ, những cử tri là người nông dân vốn ủng hộ nhiệt thành ông Trump đã thất vọng khi vừa chưa kịp hy vọng.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa dừng lại. Ngày 5/8, PBoC công bố tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ ở mức dưới 6,92 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Với biên độ dao động +/- 2%, tín hiệu phát đi là PBoC sẽ cho phép đồng Nhân dân tệ phá mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Trên thực tế, tỷ giá giao dịch đồng Nhân dân tệ ở trong và ngoài Trung Quốc từ ngày 5/8 tới nay đều dưới ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008.
Về phía Mỹ, ngay sau khi đồng Nhân dân tệ trượt giá, Bộ Tài chính nước này đã liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Đây là lần đầu tiên sau 25 năm, Washington “dán nhãn” thao túng tiền tệ đối với một quốc gia.
Tuy nhiên, khác với 5 lần dán nhãn “thao túng tiền tệ” trước đây với Trung Quốc trong giai đoạn năm 1992-1994, lần này, Bộ Tài chính Mỹ không cần phải đợi tới thời điểm ra báo cáo nửa năm một lần về chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại chủ yếu (dự kiến vào tháng Mười tới).
Đồng thời, nếu chiểu theo ba tiêu chí xác định một quốc gia thao túng tiền tệ của Mỹ thì tới báo cáo nửa năm một lần công bố cuối tháng 5/2019, Trung Quốc mới phù hợp với một tiêu chí là thặng dư thương mại với Mỹ lớn hơn 20 tỷ USD, trong khi vẫn còn cách xa hai tiêu chí còn lại là thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 2% GDP và can thiệp một chiều, liên tục vào thị trường ngoại hối (quy mô mua ngoại tệ ròng trong 12 tháng lớn hơn 2% GDP hoặc mua ngoại tệ ròng liên tục 6/12 tháng).
Trong năm 2018, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm mạnh, từ mức 195 tỷ USD của năm 2017, tương đương 1,38% GDP, xuống chỉ còn 49 tỷ USD. Và trong năm 2018, đồng Nhân dân tệ cũng không diễn biến một chiều mà giảm ở đầu năm, nhưng tăng lên vào cuối năm, tựu chung cả năm giảm khoảng 5%.
Do vậy, ngày 6/8, PBoC đã lên tiếng phản đối việc Mỹ “dán nhãn” thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc mà không dựa trên tiêu chuẩn đã đề ra.
… phản ánh tham vọng chính trị của Tổng thống Trump
Hiện nay, cho dù hai bên vẫn đang chỉ trích nhau thì vẫn không thể thoát khỏi thực tế là đồng Nhân dân tệ đã phá mốc tâm lý quan trọng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD sau 11 năm “thủ giữ” và Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Đồng thời, bất luận thế nào thì cánh cửa đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã hẹp lại rất nhiều bởi sự thỏa hiệp trong giai đoạn hiện nay có thể khiến lãnh đạo hai nước phải trả giá về chính trị.
Vì thế, việc trả giá về kinh tế xem ra ra là lựa chọn an toàn hơn. Đối với ông Trump, nhân tố đầu tiên cần phải cân nhắc là tìm kiếm khả năng liên nhiệm tại cuộc bầu cử Tổng thống và tháng 11/2020.
Nhưng hoạt động tranh cử không thể đợi tới năm 2020 mới bắt đầu, mà ngay từ bây giờ cần phải cho cử tri thấy được những thành quả của quá trình nắm quyền. Năm 2016, một trong những nguyên nhân giúp ông Trump thắng cử là “quân bài” Trung Quốc.
Ông Trump cũng tự nhận mình là Tổng thống Mỹ cứng rắn nhất đối với Trung Quốc trong mấy chục năm qua. Chỉ có điều, Trung Quốc sử dụng chiến thuật “câu giờ” khiến ông Trump không thể không đưa ra hành động cấp tiến hơn để cử tri biết mình thực sự cứng rắn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
[Xu hướng mới trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc]
Hơn nữa, đảng Dân chủ cũng cơ bản cho rằng cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Cho nên, việc đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay rất có thể sẽ bị phe đối lập soi mói, công kích rằng thỏa thuận ấy tồn tại những điều khoản làm tổn hại tới lợi ích quốc gia của Mỹ.
Trong khi đó, cho dù việc áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bao phủ hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, động thái này sẽ khiến người dân Mỹ phải bỏ thêm tiền để chi tiêu và quyết định này sẽ dẫn tới sự trả đũa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump có thể tin rằng tình hình kinh tế xấu đi sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục hạ lãi suất, tạo động lực tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sau khi liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, ông Trump có thể danh chính ngôn thuận từ bỏ chính sách đồng USD mạnh vốn trở thành xu hướng của chính sách tiền tệ dưới sự cầm quyền của đảng Dân chủ và trở lại với quỹ đạo chính sách tiền tệ của đảng Cộng hòa đó là không coi trọng hư danh từ việc đồng USD mạnh.
Nếu điều này xảy ra, theo ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, giá đồng USD có thể giảm 5-10%, qua đó thúc đẩy cuộc chiến về tiền tệ trên thế giới. Bên cạnh đó, việc liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ có thể giúp dọn đường cho việc thực thi cơ chế mới do Bộ Thương mại Mỹ nghiên cứu.
Đó là cho phép doanh nghiệp Mỹ đề xuất với chính phủ các mặt hàng do nước ngoài sản xuất trong bối cảnh cố tình hạ giá đồng nội tệ để đánh thuế chống trợ cấp. Khi cơ chế này hình thành, dù Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại thì Mỹ vẫn có thể áp dụng biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều đó có nghĩa đòn răn đe thuế quan không bao giờ mất.
Dù Trung Quốc có thật sự phá giá tiền tệ hay không…
Có thể thấy rằng tín hiệu về việc PBoC cho phép đồng Nhân dân tệ “bật chốt” đã sớm được phát đi. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 7/6/2019, Thống đốc PBoC Dịch Cương nói: “Tôi không nghĩ rằng tỷ giá đồng Nhân dân tệ có giới hạn đáy, cũng không nghĩ một mốc nào đó quan trọng hơn một mốc cụ thể khác.”
Phát biểu này đưa ra trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ rớt khỏi ngưỡng 6,9 Nhân dân tệ đổi 1 USD sau khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019, được nhìn nhận là nhằm phát đi tín hiệu: Nếu chiến tranh thương mại bùng phát toàn diện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Trung Quốc, PBoC không nhất thiết phải bảo vệ mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Và nguyên nhân mà Washington liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ có thể phần nào thấy được từ thông cáo liên quan ngày 5/8 (theo giờ địa phương) của Bộ Tài chính Mỹ.
Thông cáo cho hay: “PBoC đã công khai thừa nhận có kinh nghiệm phong phú trong việc thao túng tiền tệ và sẽ tiếp tục làm như vậy.”
Căn cứ để Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhận định trên là việc PBoC cùng ngày ra tuyên bố nói rằng họ “đã tích lũy kinh nghiệm và các công cụ chính sách phong phú, sẽ tiếp tục đổi mới và làm phong phú thêm giỏ công cụ kiểm soát, thực hiện các biện pháp cần thiết và có mục tiêu chống lại các phản hồi tích cực có thể xảy ra trên thị trường ngoại hối.”
Tuy nhiên, trong bài viết đăng tải trên trang Sydney Morning Herald, nhà báo kinh tế Stephen Bartholomeusz đã cho rằng chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang “vũ khí hóa” tiền tệ.
Trái lại, theo tác giả, chính sự thiếu can thiệp của chính quyền đã khiến đồng Nhân dân tệ trượt qua ngưỡng tâm lý 7 Nhân dân tệ đổi lấy 1 USD và tụt xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Trái ngược với những cáo buộc của Mỹ, trong những năm gần đây, PBoC đã can thiệp vào thị trường tiền tệ nội địa, nhưng không phải để hạ giá trị đồng tiền mà để chống đỡ nó khỏi tình trạng mất giá.
Nếu không nhờ sự can thiệp của PBoC, đồng Nhân dân tệ có lẽ đã trượt qua ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi lấy 1 USD từ đầu năm nay. Vì vậy, chính sự thiếu vắng hành động của PBoC là nguyên nhân khiến đồng Nhân dân tệ rớt giá so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 4/8.
Mặc dù vậy, quyết định để thị trường tài chính rơi theo trọng lực của Bắc Kinh là có chủ đích. Đó là cách để Trung Quốc phản ứng, cùng quyết định dừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đối với dòng thông báo được ông Trump viết trên trang mạng xã hội cá nhân vào tuần trước, rằng Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế trị giá lên tới 300 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang nước này.
… thì hậu quả vẫn khôn lường
Qua thời gian, những rủi ro của cuộc chiến tiền tệ sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đối với Trung Quốc, việc hạ giá đồng Nhân dân tệ sẽ khiến cho các công ty trong nước gặp khó khăn trong việc trả những khoản nợ bằng USD, bởi mỗi đồng Nhân dân tệ mà họ kiếm được sẽ đổi được ít USD hơn.
Ở cả Mỹ và Trung Quốc, đồng tiền sụt giá sẽ khiến cho giá của các mặt hàng nhập khẩu tăng lên, thúc đẩy tình trạng lạm phát. Điều đó cũng khiến cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ với người tiêu dùng Mỹ.
Nhà kinh tế Sung Won Sohn của Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles nói: “Việc Mỹ cố gắng hạ giá đồng USD là một quyết định sai lầm nghiêm trọng.”
Trả lời phỏng vấn của Đài RFI, Giáo sư Nathalie Janson thuộc Đại học Thương mại NEOMA, Paris, nhận định: "Đây là dấu hiệu căng thẳng cao độ và trong bối cảnh không có đối thoại thật sự, Trung Quốc chỉ có tiền tệ để làm "vũ khí."
Tuy nhiên, vấn đề là phương tiện này có hiệu quả hay không bởi vì không phải cứ giảm giá đồng Nhân dân tệ là xuất khẩu gia tăng. Nhiều nước đã học được kinh nghiệm này. Không có gì bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ thành công nhưng Bắc Kinh chỉ có phương tiện này trong cuộc chiến tranh thương mại để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Mỹ."
Chiến lược tiền tệ của Trung Quốc còn một số điểm bất cập khác. Chuyên gia Tao Wang của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS cảnh báo cho dù Trung Quốc có hạ giá đồng Nhân dân tệ đến đâu cũng không đủ bù đắp thiệt hại vì chiến tranh thương mại.
Mặt khác, chính sách tiền tệ cũng bất lợi cho Trung Quốc bởi vì từ năm 2015, Bắc Kinh cố gắng ổn định đồng Nhân dân tệ để ngăn chặn xu hướng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài.
Theo nhận định của Mark Sobel, một cựu viên chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư và tránh để cho đồng Nhân dân tệ "lao dốc không phanh."
Nguy cơ này được Tạp chí tài chính Tài Tân (Caixin) nêu rõ: Đồng Nhân dân tệ có thể rơi vào "vòng xoáy" không lối thoát. Vì lo sợ vốn liếng tiêu tan, người dân sẽ bán đồng Nhân dân tệ và càng làm cho đồng nội tệ mất giá với những hệ quả tai hại như lạm phát, vật giá leo thang, hàng hóa nhập khẩu - đặc biệt là dầu mỏ - đắt đỏ sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng để đồng Nhân dân tệ trượt giá 1,9% vào ngày 11/8/2015. Trong khi kỳ vọng vào việc đồng Nhân dân tệ tiếp tục phá giá chỉ mới manh nha, làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc đã xảy ra và trong hơn 1 năm, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã để mất khoảng 1.000 tỷ USD, từ mức kỷ lục hơn 3.993 tỷ USD vào cuối tháng 6/2014 xuống còn 2.998 tỷ USD vào cuối tháng 1/2017.
Dù vậy, đây mới chỉ là hậu quả lượng hóa được, cái giá mà Trung Quốc phải trả có thể còn lớn hơn nhiều. Đồng Nhân dân tệ mất ổn định, niềm tin giảm sút, con đường quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sẽ chông gai hơn.
Và ngay cả khi đồng Nhân dân tệ mất giá, hàng hóa Trung Quốc có thêm sức cạnh tranh, nhưng không ai đảm bảo các đối tác thương mại của nước này sẽ không hạ giá đồng nội tệ, cũng không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ không tiếp tục nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Vì vậy, theo nhận định của Giáo sư thương mại Tạ Điền thuộc Đại học Nam Carolina, đằng sau hành động "bất đắc dĩ" của PBoC có chăng là những số liệu kinh tế thậm chí còn xấu hơn những gì đã công bố? Câu trả lời không ai dám chắc vì thiếu các minh chứng chính xác, nhưng giới phân tích cơ bản cho rằng tình hình kinh tế Trung Quốc quý III/2019 sẽ còn tệ hơn sau khi tăng trưởng GDP quý II đạt mức thấp nhất trong 27 năm.
Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Trump đã kêu gọi Hội đồng quản trị Fed hạ lãi suất xuống mức thấp hơn nữa, đặc biệt để giúp làm giảm giá đồng USD so với đồng euro và đồng Nhân dân tệ.
Những hành động này nếu được thực hiện sẽ tạo ra hậu quả là một cuộc đua “hạ giá đồng tiền” và chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chiến tiền tệ toàn diện, khiến nền kinh tế thế giới trở nên mong manh và dễ bị tổn thương hơn.
Khi đó, số tiền hàng chục tỷ USD thu về theo mộng tưởng của ông Trump sẽ không phải là từ Trung Quốc, mà từ chính các công ty và người tiêu dùng Mỹ, bên cạnh những thiệt hại đáng kể đối với các trang trại và công ty Mỹ có chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 6% trong chưa đầy hai tuần và lợi suất đã giảm sâu. Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ vẫn tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn Tỷ giá và có thể sử dụng quỹ này để bán USD và mua Nhân dân tệ, từ đó làm giảm giá đồng USD so với đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, quỹ này hiện đang có 100 tỷ USD - một số tiền không lớn nếu mục tiêu đặt ra là tác động tới các thị trường ngoại hối, vốn cần tới số tiền lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Mặt khác, những hành động như vậy sẽ vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Mỹ đã ký kết, theo đó Mỹ không được phép điều chỉnh tỷ giá đồng USD để được hưởng lợi ích thương mại.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng có thể yêu cầu Fed liên tục cắt giảm mạnh tỷ lệ lãi suất ngắn hạn. Làm như vậy sẽ khiến cho đồng USD giảm bớt giá trị và giúp các nhà đầu tư có thể giữ đồng tiền này.
Tuần trước, Fed đã cắt giảm tỷ lệ lãi suất cơ bản, và các nhà đầu tư hy vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, ngày 6/8, ông James Bullard - Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, người đã bỏ phiếu tán thành việc cắt giảm lãi suất tuần trước - nói rằng ngân hàng trung ương đã “làm rất nhiều” và ông cho rằng Fed không nên phản ứng với mọi biến động trong những căng thẳng thương mại.
Ngoài căng thẳng thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng đang đặt nền móng cho một cuộc chiến thương mại khác với châu Âu. Tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại và nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng chậm lại. Tuy nhiên, hiện chưa có hy vọng gì cho thấy vị Tổng thống và các cố vấn của ông sẽ dừng lại./.