Những ưu tiên của Indionesia ở giai đoạn 2013-14

Tại lễ “Cap Go Meh,” Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã đề cập đến những ưu tiên hàng đầu của Indonesia trong giai đoạn 2013-2014.
Ngày 24/2, phát biểu nhân dịp tham dự lễ “Cap Go Meh” (tạm dịch là Lễ múa rồng) của cộng đồng người Indonesia gốc Hoa ở Indonesia, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã đề cập đến những ưu tiên hàng đầu của nước này trong giai đoạn 2013-2014.

Buổi lễ này được Diễn đàn chung Trung Quốc-Indonesia (FBIT) tổ chức hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng (Âm lịch) sau dịp Tết Nguyên đán.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết Tổng thống Yuhoyono nêu rõ những nét nổi bật của tình hình chính trị-kinh tế-xã hội của Indonesia trong giai đoạn 2013-2014 là nền kinh tế đất nước đang tiếp tục đà tăng trưởng nhanh và đời sống nhân dân đang từng bước được cải thiện.

Chính phủ hiện đang nỗ lực thực hiện “Kế hoạch đẩy nhanh và mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng” (MP3EI) theo hướng mới xây dựng một nền kinh tế “xanh” tăng trưởng bền vững, và toàn bộ xã hội đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, dự kiến sẽ diễn ra vào giữa năm 2014.

Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh rằng xuất phát từ những đặc điểm như vậy mà chính phủ, toàn bộ xã hội cũng như mọi người dân Indonesia trong giai đoạn 2013-2014, cần dành ưu tiên hàng đầu cho việc tiếp tục duy trì các điều kiện kinh tế để đảm bảo đà tăng trưởng nhanh, “xanh,” và bền vững, bất chấp căng thẳng chính trị ngày càng tăng trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2014.

Ông cũng cho rằng cần tiếp tục cải thiện phúc lợi xã hội của nhân dân; nâng cao hiệu quả hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường sự bao dung dân tộc, tôn giáo để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất và toàn vẹn của đất nước; kiên quyết đấu tranh loại bỏ các quan chức tham những, không đủ tư cách phẩm chất đạo đức ra khỏi bộ máy công quyền và sáng suốt chọn lựa những đại diện xứng đáng đủ tài đức trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới để lãnh đạo đất nướic.

Trong một động thái liên quan đáng chú ý, cùng tham dự lễ “Cap Go Meh”, Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục Mohammad Nuh đã nhấn mạnh đến chiến lược phát triển giáo dục của Indonesia nhằm xây dựng nguồn nhân lực mới đáp ứng những yêu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ 21, trong đó nhất là tính sáng tạo, độc lập, dám nghĩ dám làm của lớp trẻ, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Độc lập của đất nước vạn đảo vào năm 2045.

Bộ trưởng Mohammad Nuh cũng cho biết thêm rằng, thực hiện theo hướng này, từ tháng 7 tới, ngành giáo dục Indonesia sẽ đưa thêm hai nội dung mới bắt buộc vào chương trình giảng dạy kể từ bậc tiểu học là môn học đạo đức công dân và bao dung dân tộc, tôn giáo./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục