Một năm sau khi mũi tiêm vaccine đầu tiên được tiến hành tại Vương quốc Anh, các biến chứng huyết khối xảy ra sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Astrazeneca và Johnson & Johnson vẫn là những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất được ghi nhận.
Ngày 8/12, nhật báo Le Soir của Bỉ dẫn nhận định của chuyên gia Jean-Michel Dogné, Chủ nhiệm Khoa dược, Đại học Namur (Bỉ), cho biết hơn 8 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới với sự thận trọng cao.
Các tác dụng phụ thường thấy nhất phần lớn không nghiêm trọng và thậm chí còn ít xảy ra hơn so với những gì đã được chỉ ra trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba. Bên cạnh đó, hiện cũng có nhiều vấn đề khác được ghi nhận một năm sau khi chiến dịch tiêm chủng được khởi động.
Hoài nghi về vaccine
Các trường hợp biến chứng huyết khối sau khi tiêm vaccine adenovirus (của Astrazeneca hoặc Johnson & Johnson) được phát hiện vài tuần sau khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đã gây ra nghi ngờ trong số những người lo sợ nhất.
Chuyên gia Jean-Michel Dogné giải thích: “Đúng là điều này khiến chúng tôi ngạc nhiên, nhưng trên thực tế, những phản ứng phụ này rất hiếm - khoảng 1/100.000 trường hợp - đến nỗi chúng không thể được quan sát thấy trong một nghiên cứu lâm sàng với 30.000 người. Chúng tôi đang dần bắt đầu hiểu rõ hơn về những sự cố và phản ứng tự miễn dịch mà những loại vaccine này gây ra ở một số người. Sau những phát hiện này, các biện pháp đã được thực hiện trực tiếp tại Bỉ, vaccine bị cấm đối với những người dưới 41 tuổi. Đây cũng là lý do tại sao chỉ sử dụng vaccine RNA thông tin để tăng liều vì những tác dụng phụ này chưa được quan sát thấy khi sử dụng chúng.”
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan dược phẩm liên bang Bỉ (FAMHP), trong số 8.760.000 liều vaccine được tiêm ở Bỉ, tính đến nay đã có 31.000 báo cáo về tác dụng phụ. Có 61% trong số đó được coi là không nghiêm trọng và 31% không thể làm việc hoặc rời khỏi nhà. Khoảng 8% gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, dẫn đến nhập viện.
[Hộ chiếu vaccine ngừa COVID-19 giúp các nước tăng tỉ lệ tiêm chủng]
FAMHP cũng lưu ý rằng Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn đang nghiên cứu dữ liệu mới nhất liên quan đến các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim xảy ra sau khi tiêm vaccine của Moderna và Pfizer. Cơ quan này cũng dựa trên nghiên cứu của nhóm Epi-Phare (Pháp) xác nhận sự tồn tại của nguy cơ không thường xuyên trong vòng 7 ngày sau khi tiêm chủng, đặc biệt là đối với giới trẻ 12-29 tuổi.
Theo nghiên cứu này, rủi ro với vaccine Spikevax (của Moderna) cao hơn vaccine Comirnaty (của Pfizer).
Bất bình đẳng giàu-nghèo trong tiêm chủng
Trang nhất Libération ngày 8/12 nhấn mạnh rằng một năm sau mũi tiêm ngừa COVID-19 đầu tiên tại châu Âu, cho đến nay mới chỉ có 8% dân số các nước nghèo nhất nhận được liều đầu tiên. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 65%.
Bài xã luận của Libération mang tựa đề “Ích kỷ” lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên mà biến thể Omicron mới đang gây lo lắng xuất hiện tại Nam Phi, nơi tỉ lệ tiêm chủng mới là khoảng 25%. Tờ báo nhắc lại là xác suất cao cho việc virus lan truyền mạnh, dẫn đến các biến thể mới, là ở nơi dân cư ít được tiêm chủng.
Libération cảnh báo rằng “sự ích kỷ” của một số nước giàu và tập đoàn dược phẩm có thể dẫn đến hệ quả là trong tương lai xuất hiện một biến thể “kháng được tất cả các loại vaccine.”
Các nước nghèo không có đủ vaccine vì rào cản bằng sáng chế. Libération đã có bài phỏng vấn Chủ tịch tổ chức Bác sĩ không biên giới Carine Rolland với tựa đề “Chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt cho các sai lầm của chúng ta trong nhiều năm.”
Chủ tịch Carine Rolland kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức quy định bảo vệ bằng sáng chế với vaccine ngừa COVID-19 để thế giới có thể thoát được cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Bà Carine Rolland cũng chỉ rõ lý do dẫn tới thế bế tắc này.
Ví dụ cụ thể là công ty BioNtech (Đức) sở hữu vaccine của Pfizer chống lại việc dỡ bỏ bằng sáng chế, bởi họ sẽ thu được nhiều lời lãi nhất do việc bán được vaccine cho các nước giàu với giá cao, hơn là bán vaccine với giá thấp cho các nước nghèo.
Các loại vaccine mới được lên kế hoạch cho năm 2022
Kể từ tháng 3/2021 và sau việc cấp phép cho vaccine của Johnson & Johnson, danh sách các loại vaccine ngừa COVID-19 có sẵn ở châu Âu vẫn dừng ở con số 4. Tình hình này có thể sớm thay đổi. Các loại vaccine ban đầu dự kiến cho năm 2021 sắp ra mắt.
Bắt đầu với Novavax. Công ty công nghệ sinh học Mỹ đã nộp đơn xin cấp phép vào ngày 17/11 vừa qua. Dự kiến EMA sẽ phản hồi trong những tuần tới. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là vaccine protein tái tổ hợp ngừa COVID-19 đầu tiên được tung ra thị trường châu Âu. Công nghệ đã được chứng minh bao gồm việc tiêm trực tiếp protein gai vào cơ thể bệnh nhân, cùng với chất bổ trợ, để tăng phản ứng miễn dịch.
Ủy ban châu Âu (EC) đã mua 100 triệu liều, với lựa chọn bổ sung 100 triệu liều nữa. Bỉ đang tham gia nhóm này và đã đặt hàng 510.000 liều.
Một loại vaccine protein tái tổ hợp khác có thể được giới thiệu trên thị trường trong nửa đầu năm 2022 là của tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp (được phát triển với sự hợp tác của GSK). Ban đầu, vaccine này dự kiến ra mắt vào quý 1/2021 nhưng dự án đã bị trì hoãn do kết quả lâm sàng không đạt chuẩn do lỗi kỹ thuật.
Sanofi dự kiến cuối cùng sẽ công bố kết quả của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba trong tháng này, và sau đó nộp đơn xin phép thương mại hóa nếu kết quả khả quan.
Loại vaccine thứ ba xuất hiện trên bản đồ của các nhà chức trách châu Âu là sản phẩm của hãng công nghệ sinh học Pháp-Áo Valneva. Sau một thời gian dài chần chừ, ngày 10/11, hãng đã ký với EC một hợp đồng mua trước 27 triệu liều vào năm 2022 và 33 triệu liều vào năm 2023. Các đợt giao hàng đầu tiên được lên lịch vào tháng 4/2022 nếu EMA bật đèn xanh. Điểm đặc biệt của loại vaccine này là "vaccine bất hoạt."
Đây là công nghệ lâu đời nhất và đơn giản nhất để sản xuất vaccine, nhưng nó vẫn chưa có mặt trong danh mục vaccine của châu Âu, vốn chỉ bao gồm vaccine RNA thông tin và vaccine vector virus. Trong một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, vaccine này đã chứng minh mức độ kháng thể cao hơn so với vaccine của AstraZeneca và ít tác dụng phụ hơn. Ngày 2/12 vừa qua, EMA đã bắt đầu đánh giá tổng hợp dữ liệu cho loại vaccine này.
Hiện vẫn còn hai loại vaccine khác trong kho công cụ của châu Âu: Sputnik của Nga và Sinovac của Trung Quốc. Hai nhà sản xuất này đã gửi dữ liệu của họ lên EMA từ mùa Xuân năm ngoái như một phần của quá trình phân tích liên tục nhưng EMA không đưa ra câu trả lời.
Nguyên nhân là do hồ sơ của họ được coi là không đầy đủ với dữ liệu không đáp ứng tiêu chuẩn của EMA. Theo Reuters, dự kiến sẽ không có bất kỳ sự cho phép nào lưu hành trên thị trường đối với Sputnik cho đến quý I/2022. EC cũng không mua các loại vaccine này.
Một loại vaccine đặc hiệu cho Omicron?
Liệu chúng ta có nên mong đợi thấy vaccine thích nghi đặc biệt với biến thể Omicron mới sẽ ra mắt vào năm 2022? Cả Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều cho biết họ đang làm việc về vấn đề này nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ đi vào sản xuất.
Các hãng dược phẩm này từng đưa ra các tuyên bố giống nhau đối với biến thể Alpha và Delta mà không có bất kỳ loại vaccine cụ thể nào được sản xuất. Ông Jean-Michel Dogné giải thích: “Trước khi phát triển một loại vaccine phù hợp với một biến thể, trước tiên cần phải xác minh xem liệu vaccine hiện tại có tiếp tục bảo vệ hay không và trong trường hợp nó mất tác dụng, có cần phải phát triển một loại vaccine mới hay không.”
Việc ngừng sản xuất một loại vaccine và thay thế nó bằng một loại vaccine khác không phải là một việc đơn giản theo quan điểm công nghiệp. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vô tổ chức, gián đoạn nguồn cung.
Thêm vào đó là những tác động xấu về sức khỏe cộng đồng. Một số người có thể cố gắng bỏ qua liều thứ ba để chờ cho đến khi có liều dành riêng cho biến thể./.