Những "vết thương" của nền kinh tế chờ Thủ tướng Anh hàn gắn

Khủng hoảng năng lượng, lạm phát, bất ổn xã hội, suy thoái kinh tế, đầu tư đình đốn, nghèo đói, bất bình đẳng là những vấn đề cấp bách đặt ra với nước Anh mà tân Thủ tướng Liz Truss phải giải quyết.
Những "vết thương" của nền kinh tế chờ Thủ tướng Anh hàn gắn ảnh 1Thủ tướng Anh Liz Truss. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo Le Figaro (Pháp) cho rằng việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã giáng một đòn rất mạnh vào sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế Anh, nhưng đó vẫn không phải là mối quan ngại duy nhất.

Tân Thủ tướng Anh sẽ phải nhận "một đống hồ sơ trên bàn làm việc" do người tiền nhiệm để lại và vấn đề là hồ sơ nào cũng cần được xử lý gấp. Từ rối loạn kinh tế đến bất ổn xã hội, Vương quốc Anh đang đối mặt với một mùa thu căng thẳng sau một "mùa hè bất mãn" được đánh dấu bởi những cuộc đình công liên tiếp.

Tình cảnh diễn ra không khác gì những năm 1970, với lạm phát phi mã, các phong trào xã hội, tăng trưởng chậm và dịch vụ công thất bại. Để nói về nước Anh hiện nay, chuyên gia kinh tế Christopher Dembik của ngân hàng Saxo nhận định: "Anh ngày càng giống một nền kinh tế mới nổi. Bất ổn chính trị, nhiễu loạn thương mại liên quan đến Brexit và COVID-19, khủng hoảng năng lượng thực sự gây nguy cơ mất điện trong mùa Đông tới và lạm phát cao."

Nói tóm lại, có 7 vấn đề cấp bách đang được đặt ra với nước Anh mà tân Thủ tướng Liz Truss phải giải quyết.

Thứ nhất, khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục. "Khủng hoảng giá cả sinh hoạt" sau mỗi tháng lại tăng thêm gánh nặng đối với các hộ gia đình Anh. Lạm phát đã vượt quá 10% trong tháng Bảy và tiếp tục diễn ra với những kỷ lục mới.

[Thị trường tài chính Anh biến động sau phát biểu của tân Thủ tướng]

Lạm phát có thể đạt đỉnh 14,5% vào tháng 1/2023 theo Capital Economics hoặc 18% theo dự đoán của Citi, hoặc thậm chí 22% trong một kịch bản đen tối nhất mà Goldman Sachs đưa ra.

Yếu tố lớn nhất của xu hướng leo thang này vẫn là giá năng lượng - gần như tăng gấp ba đối với các hộ gia đình trong vòng một năm. Giá năng lượng đã tăng 54% vào tháng 4/2022 và các hộ gia đình có thể nhận hóa đơn tăng vọt 80% vào tháng Mười theo mức giá "trần" mà cơ quan điều tiết Ofgem áp đặt.

Như vậy, các hộ gia đình phải nhận một hóa đơn trung bình 3.549 bảng (khoảng 4.084 USD) một năm trong năm nay. Nếu giá khí đốt và điện bán buôn tiếp tục tăng, hóa đơn có thể cao hơn 6.000 bảng trong năm tới.

Fabrice Montagné, chuyên gia kinh tế tại Barclays, nhận định: "Nền kinh tế Anh có nhiều biến động và dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc hiện nay hơn những nước khác. Mặc dù không nhập khẩu khí đốt Nga, nhưng hỗn hợp năng lượng của Anh lại phụ thuộc khí đốt nhiều gấp đôi so với phần còn lại của châu Âu, trong khi nước này không có khả năng dự trữ."

Các hộ gia đình Anh không nhận được sự che chở của "lá chắn thuế" như các nước khác. Gần 9 triệu người có thể rơi vào tình trạng "nghèo năng lượng" và họ chính là những người phải dành hơn 10% thu nhập cho việc sưởi ấm.

Chính phủ Anh dự kiến sẽ hỗ trợ mỗi cá nhân trong số họ một tấm "séc" 400 bảng vào tháng Mười tới. Mặc dù vậy, tân Thủ tướng Anh vẫn cần khẩn trương thực hiện các biện pháp khác để giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Thứ hai, bất ổn xã hội. Mùa Hè "nóng bỏng," theo nghĩa đen, được đánh dấu bởi các phong trào đình công lịch sử trong các lĩnh vực hàng không, đường sắt, hải cảng, bưu điện, thu gom rác và cả trong ngành luật. Lĩnh vực giáo dục và bệnh viện cũng đang nhăm nhe với các cuộc đình công tương tự.

Chuyên gia Fabrice Montagné đánh giá: "Anh đang bước ra khỏi một thập kỷ tiền lương đình trệ thực sự. Thu nhập của các hộ gia đình đã giảm nhiều kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Rất khó để trụ vững với mức lạm phát hơn 10% như hiện nay."

Hai tổ chức công đoàn quyền lực nhất tại Anh, gồm Unite và Unison, đã đề xuất với Đại hội công đoàn thương mại (Trades Union Congress - TUC) tiến hành tổng đình công vào mùa Thu này. TUC muốn tăng mức lương tối thiểu lên 15 bảng/giờ làm việc so với 9,50 bảng hiện nay.

Tình trạng thiếu lao động do nhập cư châu Âu bị hạn chế bởi Brexit và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục (3,8%) sẽ mang lại lợi thế thương lượng cho đại diện một số lĩnh vực, nhưng kết quả đạt được sẽ không nhiều như mong đợi do kinh tế tăng trưởng chậm.

Thứ ba, kịch bản suy thoái được báo trước. Trong dự báo mới nhất, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nhận định nền kinh tế Anh sẽ bước vào suy thoái trong quý IV/2022 và kéo dài đến cuối năm 2023 - một khoảng thời gian GDP giảm dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Hoạt động kinh tế có thể giảm 2,1% trong vòng một năm. Bất chấp rủi ro, BoE sẽ tiếp tục nâng lãi suất (hiện ở mức 1,75%). Sau khi GDP sụt giảm mạnh nhất vào năm 2020 do COVID-19, dự báo kinh tế Anh sẽ tiếp tục suy giảm vào năm 2023.

Chuyên gia Christopher Dembik nhận định "suy thoái tại Anh sẽ còn kéo dài và sâu. Sẽ không có một lối thoát dễ dàng cho kinh tế Anh và đây là điều đáng quan tâm nhất." Trong khi đó, chuyên gia Andrew Goodwin của Oxford Economics nhấn mạnh: "Nếu chính phủ không nhanh chóng can thiệp để bảo vệ các hộ gia đình, tình hình suy thoái sẽ còn tồi tệ hơn."

Thứ tư, lĩnh vực tài chính công đang chịu áp lực. Sau những hỗ trợ quy mô lớn trong thời kỳ đại dịch, chính phủ bảo thủ đã nỗ lực khôi phục cân bằng tài chính công. Đầu năm, một kế hoạch miễn cưỡng được đưa ra với quyết định hỗ trợ các hộ gia đình tổng cộng 15 tỷ bảng.

Tuy nhiên, từ lâu bà Liz Truss đã không tán thành mọi ý tưởng hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình mà thay vào đó là chủ trương cắt giảm thuế.

Chuyên gia Andrew Goodwin nhấn mạnh: "Nhưng những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng sẽ không phải trả các khoản thuế này." Một kế hoạch hỗ trợ mới, trị giá 30 tỷ bảng dự kiến sẽ được đưa ra vào mùa Thu này. Tuy nhiên, khả năng hành động là giới hạn do nguồn thu từ thuế bị giảm sút trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm và gánh nợ tăng khi lãi suất tăng. Kết quả là thâm hụt 6% kế thừa từ thời kỳ COVID-19 có thể tiếp tục ở mức cao, trái ngược với dự báo của Bộ Tài chính Anh.

Thứ năm, hậu quả của Brexit. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (Office for Budget Responsibility - OBR), một cơ quan dự báo kinh tế của Chính phủ Anh, ước tính Brexit đã khiến GDP của Anh mất 4% trong một thời gian dài, hoặc có thể hiểu nguồn thu nhập có thể giảm tương đương 100 tỷ bảng một năm.

Sau khi các quy định giới hạn lưu thông hàng hóa được áp dụng từ 1/1/2021, nhập khẩu hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) của Anh đã giảm 18% so với năm 2019, trong khi xuất khẩu sang EU giảm 9%.

Theo đánh giá của OBR, "có rất ít dấu hiệu cho thấy xuất khẩu ra bên ngoài EU bù đắp cho sự thiếu hụt này." Do rời khỏi thị trường chung châu Âu, Anh đã tự gây áp lực lên hoạt động ngoại thương của mình và tước đi nguồn lao động dồi dào của các doanh nghiệp trong nước, khiến xu hướng lạm phát phức tạp hơn.

Việc tân Thủ tướng Liz Truss nhen nhóm ý định sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland về các thỏa thuận Brexit có thể đẩy Anh vào một cuộc chiến thương mại với đối tác số một của mình.

Thứ sáu, đầu tư đình đốn. Brexit cũng giáng một đòn mạnh vào sức hấp dẫn của Anh trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư chiếm khoảng 10% GDP của Anh và kể từ năm 2016, thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU, hoạt động đầu tư tại nước này bắt đầu rơi vào cảnh đình trệ do môi trường kinh doanh không bấp bênh.

Bất chấp sự phục hồi trong quý 2/2022, đầu tư tư nhân tại Anh vẫn thấp hơn 5,7% so với cuối năm 2019. Nghiệp đoàn giới chủ của Liên đoàn Công nghiệp Anh đã gây sức ép để Chính phủ thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư, thúc đẩy đào tạo và giảm nhẹ tình trạng thiếu nhân công nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái.

Chuyên gia Fabrice Montagné của Barclays nhận định: "Sự sụp đổ của hoạt động đầu tư kể từ Brexit và COVID-19 đã phải hứng thêm gánh nặng từ chi phí chuyển đổi năng lượng, trong một môi trường chính trị bấp bênh."

Thứ bảy, nghèo đói và bất bình đẳng. Anh đang được nhìn nhận là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng rõ ràng nhất ở châu Âu. Các hộ gia đình có thu nhập thấp tại nước này nghèo hơn 22% so với ở Pháp và 21% so với ở Đức.

10% hộ gia đình dư dả nhất nắm giữ 43% của cải được làm ra ở Anh từ tháng 4/2018- 3/2020, trong khi một nửa dân số chỉ chiếm 9% tổng lượng giàu có. Theo đánh giá của Quỹ Resolution, hơn 14 triệu người Anh đang sống dưới mức nghèo khổ và 1,3 triệu người khác có thể gia nhập đội quân này trong năm tới do tác động tổng hợp của lạm phát và suy thoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục